06/08/2008 - 08:31

Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Pascal Couchepin thăm Bộ Giáo dục Đào tạo

* Ký kết 2 văn bản thỏa thuận hợp tác về giáo dục đại học giữa Việt Nam và Thụy Sĩ

Sáng 5-8, Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Pascal Couchepin thăm Bộ Giáo dục Đào tạo và hội kiến với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, chứng kiến lễ ký kết 2 văn bản thỏa thuận hợp tác về giáo dục đại học giữa Việt Nam và Thụy Sĩ.

Tham dự có Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Nguyễn Ngọc Sơn và Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Jean Hubert Lebet, đại diện Bộ Ngoại giao và lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc ngành giáo dục đại học của hai bên.

 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân và Tổng thống Pascal Couchepin chứng kiến Lễ ký văn bản hợp tác giữa Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh và Đại học Lausanne. Ảnh: NHAN SÁNG - TTXVN.

Ngay sau buổi hội kiến, Tổng thống Pascal Couchepin và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chứng kiến lễ ký 2 văn bản hợp tác giữa: Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, Gs Phan Đình Tuấn và Gs Willy Zwaenepoel, Trưởng khoa Khoa học máy tính và công nghệ thông tin thay mặt trường Đại học Lausanne (EPFL); văn bản thỏa thuận giữa Gs Mai Trọng Nhuận, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cùng ngài Pierre Combernous, Đại sứ, Tổng vụ trưởng Vụ Chính trị II, khu vực châu Á và châu Đại Dương thay mặt trường Đại học Geneva.

Theo văn bản ký kết này, các bên cam kết sẽ hợp tác về trao đổi cán bộ và sinh viên, trao đổi học bổng, thực hiện các nghiên cứu chung và phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên môn.

Trao đổi với báo chí sau buổi hội kiến, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Thụy Sĩ tuy là một đất nước nhỏ với hơn 6 triệu dân nhưng có chất lượng đào tạo nguồn nhân lực rất cao. Trong 12 năm qua, Việt Nam và Thụy Sĩ đã hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài chính ngân hàng và đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh. Thời gian tới, xuất phát từ thế mạnh của Thụy Sĩ là đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao (tiến sĩ) và nhu cầu cấp bách của Việt Nam, hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác đào tạo tiến sĩ làm giảng viên cho các trường đại học, cao đẳng ngành tài chính ngân hàng, du lịch và hợp tác về khoa học công nghệ.

Báo cáo hợp tác giáo dục Việt Nam - Thụy Sĩ cho biết hiện có khoảng 150 thực tập sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học tại các trường đại học Thụy Sĩ. Các dự án hợp tác song phương trực tiếp giữa các cơ sở giáo dục đào tạo hai bên không nhiều và chưa tương xứng với tiềm năng. Thụy Sĩ có 10 trường đại học và 2 trường Bách khoa nằm tại 3 vùng lớn. Vùng Suisse Alémanique với các chương trình giáo dục giảng dạy bằng tiếng Đức, vùng Suisse Romande: tiếng Pháp và vùng Suisse Italienne: tiếng Italy. Bên cạnh đó Thụy Sĩ có các chương trình đào tạo kiểu Anh - Mỹ với các chuyên ngành quản trị kinh doanh, ngân hàng, marketing, quản trị khách sạn giảng dạy bằng tiếng Anh. Học phí ở Thụy Sĩ tương đối thấp: 650 - 1.250 USD/năm. Thụy Sĩ là Trung tâm Ngân hàng thế giới với thế mạnh về các ngành: ngân hàng, tài chính, bảo hiểm. Riêng Đại học Geneva Thụy Sĩ xếp hạng 105 trên thế giới và nằm trong tốp 20 đại học nghiên cứu hàng đầu châu Âu.

Trước đó, trong khuôn khổ cuộc hội đàm giữa Tổng thống Thụy Sĩ Micheline Calmy - Rey và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 27-1-2007 tại Davos (Thụy Sĩ), phía bạn cho biết đang tích cực phối hợp với Liên hợp quốc cải tổ chính sách viện trợ phát triển (ODA) cho các nước đang phát triển, trong đó Việt Nam là một trong 5 nước được ưu tiên lựa chọn. Thụy Sĩ cũng khẳng định ưu tiên viện trợ cho Việt Nam trên lĩnh vực giáo dục đào tạo.

HOÀNG HOA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết