Chiều 20-12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo một số Bộ, ngành tham gia đối thoại trực tiếp với các đại biểu tham dự Đại hội (ĐH) Đoàn toàn quốc lần thứ IX.
Đã có hàng ngàn câu hỏi của các đoàn viên thanh niên, các đại biểu của ĐH Đoàn lần thứ IX đại diện cho hơn 6 triệu đoàn viên thanh niên mong muốn được đặt câu hỏi giao lưu trực tiếp với Phó Thủ tướng và lãnh đạo một số Bộ, ngành.
Phát biểu với các bạn trẻ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ sự tin tưởng với thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kỳ mới và đánh giá cao vai trò của Đoàn trong việc rèn luyện, tập hợp thanh niên, góp phần xứng đáng trong việc phát triển kinh tế, chống tiêu cực. Phó Thủ tướng cũng nêu rõ ba cơ hội và là thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt đó là: Toàn cầu hóa, kinh tế tri thức và xã hội công dân. Đây chính là thời cơ để thể hiện rõ vai trò của Đoàn thanh niên trong việc giúp thanh niên giữ vững bản lĩnh trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Nước ta đã gia nhập WTO với nhiều khó khăn và thách thức. Thực tiễn cho thấy, trong năm đầu tiên gia nhập WTO, kinh tế tăng trưởng nhanh hơn, xuất khẩu mạnh hơn, có nhiều doanh nghiệp trẻ thành đạt. Đó chính là những tấm gương để chúng ta học tập. Điều đầu tiên cần khẳng định là phải tự tin, tiếp đó phải nghiên cứu, tìm hiểu đối tác, gắn liền với đó là phải học ngoại ngữ. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ “Chương trình đào tạo 13 năm ngoại ngữ” để đến năm 2020, học sinh phổ thông tốt nghiệp có thể làm việc, nghiên cứu trong môi trường không cần phiên dịch. Vấn đề nữa là cần phải nắm bắt kỹ thuật, thông tin, phải chủ động và cần có tầm nhìn xa. Những tấm gương thanh niên thành đạt là chỗ dựa chính cho chúng ta.
Đề cập về đề án hỗ trợ thanh niên học nghề, đào tạo việc làm của Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội và Trung ương Đoàn, Phó Thủ tướng cho biết: Đề án này nhằm phát huy vai trò xung kích của thanh niên và vai trò các Bộ, ngành, địa phương trong giải quyết việc làm và dạy nghề thanh niên. Đề án gồm 8 chương trình lớn cần triển khai, trong đó có 4 chương trình do Trung ương Đoàn thanh niên chủ trì. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Muốn phát triển doanh nghiệp phải thay đổi tâm lý coi nặng việc học Đại học, coi nhẹ việc học nghề trong nhân dân. Tâm lý này còn chưa được thay đổi thì thanh niên còn chưa muốn học nghề. Chính phủ đã giao cho Đoàn thanh niên, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam tuyên truyền trong 3 năm (từ 2008 đến 2011) về lợi ích của việc học nghề, gương những người thành đạt từ học nghề để thay đổi nhận thức của thanh niên. Giao Đoàn thanh niên phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Bộ, ngành liên quan xây dựng chương trình tư vấn thành lập doanh nghiệp cho thanh niên. Làm sao để nhiều người không học Đại học vẫn có thể lập doanh nghiệp, song trước khi khởi nghiệp phải được học về luật pháp, kiến thức kinh doanh, kỹ năng quản lý
để giúp doanh nghiệp vững vàng hơn. Đồng thời, giao Đoàn thanh niên thực hiện chương trình bồi dưỡng doanh nghiệp mới thành lập, biểu dương doanh nghiệp trẻ thành đạt một cách kịp thời. Đoàn thanh niên và Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội xây dựng 10 trung tâm giới thiệu việc làm cho thanh niên kiểu mẫu trong cả nước, để ngày càng nhiều thanh niên ra trường có việc làm. Giao đoàn thanh niên có nhiệm vụ giám sát, phản biện, đánh giá việc thực hiện đề án ở địa phương, tránh tình trạng dùng ngân sách dự án khong đúng mục đích, không dành cho việc dạy nghề. Ngoài ra, còn 4 chương trình do các cơ quan khác chủ trì như: Cho vay ưu đãi học nghề và đào tạo nghề; Cho vay đi lao động nước ngoài; Cho vay nâng cấp, mở rộng, mua sắm trang thiết bị dạy nghề và học nghề cho các trung tâm, các trường dạy nghề ở các địa phương; Cho vay ưu đãi doanh nghiệp trẻ: Hỗ trợ thanh niên thành lập doanh nghiệp, phát triển làng nghề. Tổng kinh phí dự kiến của đề án trong 5 năm (từ 2008 đến 2012) vào khoảng 10.000 tỉ đồng, trung bình 2.000 tỉ đồng mỗi năm. Chương trình này là “quả bóng” trong tay Đoàn thanh niên, tổ chức tốt, “đá tốt” thì sẽ có ích cho thanh niên.
Trả lời câu hỏi của bạn Nguyễn Anh Tuấn (ĐoànThanh niên khối các cơ quan Trung ương) về những giải pháp đột phá về cải cách hành chính (CCHC) trong thời gian tới và vai trò của đội ngũ trí thức trẻ trong công tác này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ: CCHC là một vấn đề lớn đã được Chính phủ triển khai trên 10 năm nay. Thực tế CCHC đã đem lại những tiến bộ lớn trên mọi mặt. Tuy nhiên, nếu hỏi người dân và doanh nghiệp thì họ vẫn chưa hài lòng. CCHC là một trong 3 trọng tâm của Chính phủ hiện nay cùng với phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực. Trong CCHC, việc hoàn chỉnh văn bản pháp luật luôn được coi trọng. Thủ tướng cho biết sẽ rà soát các văn bản lỗi thời, đưa ra những văn bản mới phù hợp với thực tiễn; định kỳ 3 tháng một lần nghe các Bộ, ngành báo cáo kết quả để tháo gỡ và xử lý mọi vấn đề một cách kịp thời nhất. Hợp lý hóa quy trình công tác từ Trung ương tới cơ sở, đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế “một cửa”; Ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC, tiến tới xây dựng Chính phủ điện tử. Về vấn đề này, Bộ Thông tin - Truyền thông đã có Đề án trình Chính phủ. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Mọi nơi đều có Đoàn thành niên, làm thế nào để nghe và phản ánh ý kiến của người dân trung thực, chính xác; làm thế nào để đưa hồ sơ về một chỗ, một cửa, một dấu được thực hiện tốt; làm thế nào để có thể ứng dụng công nghệ thông tin tiến tới xa hơn đó là Chính phủ điện tử. Điều này cần sự hợp tác và sáng tạo của Đoàn thanh niên. Phó Thủ tướng đã nêu một số chính sách về lương, chế độ đãi ngộ đối với những người có tài, có trình độ cao. Các doanh nghiệp, các cơ quan không chỉ giữ cán bộ bằng tinh thần mà phải suy nghĩ tới việc đãi ngộ những người có trình độ cao và cần có những chính sách trả lương theo hiệu quả công việc.
Hoan nghênh câu hỏi An toàn giao thông hiện nay đang là vấn đề bức xúc và cấp bách. Thời gian tới, Đoàn Thanh niên xây dựng Dự án về ATGT, có dự báo và giải pháp cụ thể, Chính phủ có tạo điều kiện và có “đặt hàng” đoàn thanh niên hay không?” của bạn Nguyễn Cao Lễ (TP. Hồ Chí Minh), Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Đoàn Thanh niên cần tích cực vào cuộc để cùng các lực lượng khác trong xã hội giải quyết vấn đề này nhằm góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Đoàn Thanh niên phải làm tốt công tác tuyên truyền, nghiên cứu, có kế hoạch phối hợp với Bộ Giao thông- Vận tải tuyên truyền việc thi cử lấy bằng lái xe nghiêm túc, nâng cao ý thức cho mọi đối tượng tham gia giao thông, chú trọng phổ biến Luật Giao thông đường bộ ngay từ trong các trường học
Chính phủ hoan nghênh Đoàn Thanh niên nếu có sáng kiến hay để giải quyết vấn đề này. Nếu Đoàn Thanh niên có dự án khả thi và hiệu quả, chắc chắn sẽ được Chính phủ ủng hộ.
Trả lời câu hỏi của bạn Bùi Việt Phương (đại biểu Quân đội) về Chính phủ có giải pháp gì giải quyết vấn đề việc làm cho quân nhân sau khi xuất ngũ, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Bạch Hồng: Chính phủ luôn quan tâm đối với lực lượng thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Bộ Quốc phòng đã bố trí kinh phí cho các trường trong quân đội dạy nghề cho thanh niên trước khi ra quân. Để tăng cường dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Quốc phòng đã phối hợp nâng cấp 18 trường dạy nghề trong quân đội. Trong chương trình xuất khẩu lao động, cũng luôn dành 50% chỉ tiêu cho quân nhân xuất ngũ. Chỉ đạo khi tuyển dụng, giải quyết việc làm ở địa phương đều ưu tiên cho bộ đội xuất ngũ.
Kết thúc buổi đối thoại, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: “Những câu hỏi mà thanh niên đặt ra thể hiện bức xúc của thanh niên trước vận mệnh quốc gia. Nếu cán bộ đoàn tiếp tục hỏi nhiều hơn nữa làm hay hơn nữa, chắc chắn đất nước sẽ phát triển mạnh”.
THỦY - THOAN (TTXVN)