17/01/2021 - 08:07

Tình thân qua những vần thơ 

NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành quyển sách đặc biệt, mang tên “Nam Bắc một nhà”. Đặc biệt vì tuyển tập không chỉ có những bài thơ, câu hát, mà còn chứa đựng tình cảm mến thương của 4 thành viên trong một gia đình sau tròn nửa thế kỷ “Nam Bắc một nhà”.

Chú Hiệp, cô Dư và chị Dung xem lại tuyển tập “Nam Bắc một nhà”.

Nhà của chú Nguyễn Thành Hiệp và cô Trần Thúy Dư ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ vui hơn hẳn từ ngày nhận sách về. Ông bà và các con cháu vẫn hay mở sách ra cùng xem, cùng bàn luận và tiếng cười cứ râm ran mái ấm. “Nam Bắc một nhà” tập hợp sáng tác của 4 thành viên: chú Hiệp, cô Dư và 2 con gái là chị Nguyễn Thúy Dung và chị Nguyễn Thúy Loan. Là người khởi xướng xuất bản quyển sách này, chị Dung kể: “Năm 2021 là tròn 50 năm ba và mẹ tôi về chung một mái nhà, tôi muốn làm một việc gì đó có ý nghĩa nhân dịp này”.

Mở đầu quyển sách, bài thơ “Ba Nam - Mẹ Bắc” của chị Thúy Loan ghi lại:

“Ba tôi quê gốc Hậu Giang

Mẹ tôi gái Bắc, Hà Nam nghĩa tình”.

Và chị kết thúc bài thơ bằng câu:

“Hà Nam quyện với Cần Thơ ân tình”

Kể về cơ duyên ấy, chú Hiệp nhớ lại năm 1954 chú tập kết ra Bắc khi 14 tuổi. Năm 1964, chú Hiệp gặp cô Dư, một nữ sinh dịu dàng, dễ mến. Giữa lúc miền Nam còn chiến tranh khói lửa, chú Hiệp viết mấy vần thơ về tình yêu của mình:

“Không biết rồi ngày mai

Có cùng chung một nhà

Hay là em ở Bắc

Anh lại phải về Nam...”

Ðể nhớ lại dấu ấn 60 năm chú Hiệp tập kết ra Bắc, cô Dư viết rằng:

“60 năm ấy là đây

Lứa măng nay đã là cây tre già”

Mật ngọt đời người sau nửa thế kỷ gá nghĩa trăm năm, gia tài của cô Dư và chú Hiệp là một mái ấm hạnh phúc, yêu thương và cùng có niềm đam mê văn nghệ. Cô Dư là nữ nghệ sĩ chèo tâm huyết trên đất Tây Ðô, chị Dung là hội viên Hội Nhà văn TP Cần Thơ, chú Hiệp và hai người con gái còn lại cũng rất thích làm thơ văn, ca hát.

Lý giải về tình yêu nghệ thuật của gia đình, chị Dung ngẫu hứng viết thơ:

“Ba, người đầu tiên dạy con hát ru

Ba, người đầu tiên dạy con ca sáu câu vọng cổ

Giai điệu Nam xuân từ chiếc ra-đi-ô đã cũ

Là hồn quê hương, Ba lưu giữ suốt đời”

Còn đây là những dòng tâm tình của chị Thúy Loan viết nhân Ngày của mẹ:

“Bây giờ con đã là mẹ

Con hiểu tình của mẹ hơn

Ước mọi ngày trên trần thế

Ðều là ngày của mẹ con”

“Nam Bắc một nhà” không hẳn là một tập thơ xuất sắc, nhưng chắc chắn là một tập thơ ý nghĩa và giàu cảm xúc. Ðó là nơi những ngọn nến lung linh cùng thắp sáng một gia đình. Những tình cảm, nghĩ suy dành cho ba mẹ, cho chị em, cho những người thân yêu được thể hiện qua thơ, điệu hát chèo, bài vọng cổ, bài bản tài tử... cứ khiến người đọc mỉm cười trên từng con chữ. Bởi người đọc thấy được qua những dòng thơ, câu nhạc đó là lấp lánh của hạnh phúc, yêu thương.

Sáng cuối năm, khi biết có khách đến nhà, cô Dư, chú Hiệp xúng xính áo quần thật đẹp, chị Dung và cô em gái “tranh thủ” chụp ảnh, ghi lại khoảnh khắc yêu thương cho ba mẹ. Ở tuổi “xưa nay hiếm”, cô chú vẫn lạc quan, yêu đời, yêu câu hát quê hương và truyền năng lượng sống tích cực cho con cháu. Quý thay, hạnh phúc một mái ấm “Nam Bắc một nhà”!l

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết