28/04/2019 - 14:46

Tín dụng chính sách góp phần xây dựng nông thôn mới 

Qua 7 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới (NTM), đến nay, tất cả 9 xã của huyện Vĩnh Thạnh đều đã được công nhận xã NTM và Trung ương đang thẩm tra để tiến tới công nhận huyện NTM. Ðóng góp vào kết quả này, có vai trò của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) trong việc cho vay hỗ trợ giảm nghèo, cải thiện chất lượng đời sống người dân.

Anh Đoàn Văn Khuân phát triển mô hình chăn nuôi bò nhờ đồng vốn vay NHCSXH.

Đến nay, tổng dư nợ của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Vĩnh Thạnh đạt 310 tỉ đồng, tăng 152 tỉ đồng (tăng 96%) so với năm 2011 - năm đầu tiên huyện bắt đầu xây dựng NTM. Trong đó, doanh số cho vay hằng năm khá cao. Cụ thể, năm 2011, Phòng Giao dịch đã giải ngân cho 4.750 lượt hộ vay 62 tỉ đồng; năm 2015, có 6.366 lượt hộ được vay 91 tỉ đồng; năm 2018, có 4.298 lượt hộ được giải ngân 78 tỉ đồng. Ông Đoàn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Huyện Vĩnh Thạnh có 9 xã, 2 trị trấn. Khởi điểm xây dựng NTM, xã tốt nhất đạt tối đa 11 tiêu chí, xã yếu nhất chỉ đạt 5 tiêu chí về NTM; tỷ lệ hộ nghèo còn trên 10%, thu nhập trung bình của người dân còn thấp. Huyện ủy, UBND huyện tập trung tuyên truyền, vận động, tạo sự đoàn kết, đồng lòng trong dân cư, huy động mọi nguồn lực xây dựng NTM". Kết quả một số tiêu chí trước và sau khi xây dựng NTM: tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch từ 43,4% nâng lên 80,05%; tỷ lệ người có việc làm trên dân số trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động đạt 99,06% so với 80,64%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2016 là 7,67%,  đến cuối 2018, còn 1,97% với 557 hộ nghèo trong tổng số 28.277 hộ.

Đặc biệt, cuối năm 2016, xã Thạnh Quới còn 16% hộ nghèo. Tranh thủ ngoài số vốn bố trí định kỳ, UBND huyện đề nghị NHCSXH bố trí thêm nguồn vốn cho vay để đảm bảo tất cả các hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu vay vốn, có mô hình làm ăn khả thi đều được vay. Cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của xã Thạnh Quới còn dưới 4% và hiện nay tỷ lệ này là 2,8%. Chị Lê Thị Thiên Trang, ở ấp Quy Lân 6, xã Thạnh Quới, đưa chúng tôi đi xem công trình nước sạch và vệ sinh môi trường của nhà chị vừa được hoàn thiện. Nhà vệ sinh kín đáo có hố xí tự hoại. Sàn nước được tráng xi măng sạch sẽ, có cây nước giếng được khoan sử dụng tạm trước khi có hệ thống nước sạch. Chị Trang chia sẻ: "Chúng tôi mới dọn nhà đến đây, đời sống khá chật vật. Nhờ có chương trình vay vốn của NHCSXH, chúng tôi mới xây được công trình nước sạch và vệ sinh, đảm bảo điều kiện sinh hoạt an toàn, tiện lợi". Còn anh Đoàn Văn Khuân, cùng ở ấp Quy Lân 6, xã Thạnh Quới  được vay 20 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo để đầu tư chăn nuôi bò thịt.

Anh Huỳnh Văn Tình, Trưởng ấp Quy Lân 6, kiêm Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn ở ấp thuộc Hội Nông dân quản lý, cho biết: "Tổ của tôi hiện có 59 thành viên vay trên 1 tỉ đồng, chủ yếu từ các chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường. Các hộ đầu tư phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình. Với sự hỗ trợ vốn vay kịp thời của NHCSXH, tỷ lệ hộ nghèo ở ấp Quy Lân 6 sẽ tiếp tục giảm, đạt chỉ tiêu đề ra".

Là xã về đích NTM cuối cùng của huyện Vĩnh Thạnh, xã Thạnh Mỹ đang tiếp tục củng cố kết quả các tiêu chí. Ấp Đất Mới, xã Thạnh Mỹ có 1 Tổ Tiết kiệm và vay vốn do Hội Phụ nữ quản lý với 59 hộ vay gần 1 tỉ đồng, chủ yếu qua các chương trình: hộ mới thoát nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Chị Nguyễn Thị Mỹ Huệ, tổ viên vay vốn, cho biết: "Có vốn vay của NHCSXH với thủ tục đơn giản, nhanh chóng, lãi suất ưu đãi, kỳ hạn vay dài, người dân yên tâm phát triển kinh tế. Năm 2016, tôi được vay 20 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo, đầu tư tiệm mua bán nhỏ và dịch vụ điểm tâm, giải khát. Gia đình tôi thoát nghèo và tiếp tục được xem xét nâng vốn vay lên 40 triệu đồng từ chương trình Giải quyết việc làm vào năm 2018 để trồng mận. Dự kiến 1 năm nữa mận sẽ bắt đầu cho trái, gia đình tôi có thêm thu nhập, thoát nghèo bền vững".

Theo ông Đoàn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, từ 2016 đến nay, ngoài nguồn vốn phân bổ của thành phố, huyện Vĩnh Thạnh còn chuyển 2,5 tỉ đồng từ ngân sách huyện ủy thác cho Phòng Giao dịch NHCSXH huyện để cho vay chương trình giải quyết việc làm, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở 2 thị trấn. Đồng thời, nguồn vốn NHCSXH tiếp tục hỗ trợ nâng chất các chỉ tiêu đã đạt theo chuẩn xã NTM ở các xã và triển khai xây dựng xã Thạnh Thắng thành xã NTM nâng cao. Sự đồng hành của NHCSXH, đã góp phần cùng các xã, thị trấn tiếp tục củng cố danh hiệu xã NTM, thị trấn văn minh đô thị bền vững, chuẩn bị chào đón danh hiệu huyện NTM Vĩnh Thạnh.

Bài, ảnh: Mỹ Tú

Chia sẻ bài viết