21/01/2014 - 08:47

“SẮC XUÂN MIỆT VƯỜN”

Tìm nét Tết xưa ...

Đã thành thông lệ, cứ đến những ngày gần Tết, Bảo tàng TP Cần Thơ lại khai hội "Sắc xuân miệt vườn" - chương trình trình diễn các nghề thủ công truyền thống và những món ăn, thuần phong mỹ tục mỗi dịp Tết đến xuân về. Đối với "Sắc xuân miệt vườn", người lớn tuổi được tìm lại nét Tết xưa, giới trẻ hiểu hơn về những mùa xuân rất đẹp, đậm đà phong vị phương Nam.
Chương trình diễn ra từ ngày 20 đến 22-1-2014 tại Bảo tàng TP Cần Thơ, số 1, đại lộ Hòa Bình, quận Ninh Kiều.

Dù còn 10 ngày nữa Tết mới đến nhưng cảm giác xuân đã về khi tham dự chương trình "Sắc xuân miệt vườn". Ấn tượng đầu tiên có lẽ là gian trình diễn gói và nấu bánh tét. Trong khí trời se lạnh của những ngày lập xuân, nồi bánh tét hồng lửa tỏa khói, xông ấm lòng người. Nghệ nhân Mười Xiềm nức danh với tài đổ bánh xèo nhưng tài gói bánh tét cũng không thua kém. Bà Mười tỉ mẩn cho nếp, thịt, đậu xanh, gói thành những đòn bánh tét tròn trĩnh, nứt dây đều tăm tắp và bỏ vào nồi nước đã sôi. Có lẽ, gói bánh tét ăn Tết là mỹ tục không xa lạ với người Nam bộ nhưng nhịp sống hối hả hiện nay, hình ảnh ấy gợi cho người xem về cái Tết quê bình dị.

Các đại biểu tham quan gian trưng bày mâm ngũ quả tạo hình ngựa phi, rồng lượn bằng cây lá tại chương trình "Sắc xuân miệt vườn".

Cách đó không xa, một nghệ nhân đến từ Phong Điền đang quết những chày khỏe khoắn xuống cối xôi, một nghệ nhân khéo léo cho xôi "uống" nước cốt dừa. Kế bên, một bà lão tóc bạc phơ đang lật úp lật ngửa chiếc bánh phồng nướng trên bếp than hồng. Đôi tay thoăn thoắt, dẻo dai như một nghệ sĩ múa, bà cho biết tên của bà là Nguyễn Thị Tảo (tự Chín Tảo), ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền. Hỏi về Tết xưa, bà Chín say sưa kể với khách chuyện quết bánh phồng ăn Tết thời bà còn trẻ. Tết xưa, gia đình dù khó khăn đến mấy cũng cố gắng có được dĩa bánh phồng, bánh tét cúng ông bà, và dùng trong ba ngày đầu năm. Trai tráng thì vần công quết xôi, con gái thì vần công cán bánh, vô nước cốt dừa. Chàng trai muốn thể hiện sức khỏe và tài hoa của mình để chinh phục các cô gái phải quết bánh phồng cho thật đều, thật nhuyễn. Biết bao đôi vợ chồng nên duyên từ những đêm sáng trăng quết bánh phồng ăn Tết.

Hầu như những thuần phong mỹ tục của ngày Tết đều được Bảo tàng TP Cần Thơ chọn giới thiệu. Đó là hình ảnh hai ông lão đang cần mẫn sắm sửa mâm ngũ quả cúng ông bà tổ tiên, phong tục xin chữ - cho chữ cầu may mắn đầu xuân… Ở khu triển lãm phố ông đồ, những "ông đồ trẻ" trong áo dài khăn đóng viết tặng bà con những chữ rất ý nghĩa như: Nhân, Tài, Cha Mẹ, Đức, Trí… thay lời chúc tốt lành. Bên cạnh đó, một chiếu đờn ca tài tử ngày xuân, bên ly trà xuân ấm tình tri kỷ, tri âm gửi trao đôi điệu Nam Xuân, vọng cổ cũng là cách để người phương Nam tận hưởng ngày Tết. Nghệ nhân Hoàng Lưỡng đến từ CLB Đờn ca tài tử Tây Đô, hồi tưởng: "Ngày xưa, Tết có đờn ca rộn ràng lắm. Người ta ca những điệu thức vui tươi, bài ca ý nghĩa như lời cầu chúc cho năm mới".

Nghệ nhân Mười Xiềm trình diễn gói bánh tét.

Ngoài ra, Bảo tàng TP Cần Thơ cũng chọn lựa trình diễn những món ăn, nghề thủ công truyền thống của 3 dân tộc Việt, Hoa, Khmer trên mảnh đất Tây Đô: bánh xèo, bánh tráng của dân tộc Việt; bánh hẹ, bánh lá liễu của dân tộc Hoa; bánh bí của dân tộc Khmer... Có thể nói, chương trình "Sắc Xuân miệt vườn" được Bảo tàng TP Cần Thơ duy trì suốt nhiều năm qua không chỉ tạo sân chơi, giải trí cho người dân trong và ngoài thành phố những ngày giáp Tết mà quan trọng hơn là nỗ lực góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của đất và người Cần Thơ.

Thực tế hiện nay, nhiều thuần phong mỹ tục đã dần mất trong ngày Tết ở Nam bộ như: tục dựng nêu ngày Tết, khai bút đầu xuân… "Sắc xuân miệt vườn" đã giúp tìm lại một chút hồn quê Tết Việt. Bác Phạm Văn Cư, 79 tuổi, quê tỉnh Vĩnh Long, chăm chút theo dõi nghệ nhân quết bánh phồng rồi chia sẻ: "Thấy hình ảnh này tôi xúc động lắm. Hồi thanh niên, đây là niềm vui của tôi và bạn bè cùng trang lứa. Ngoài bánh tét thì chiếc bánh phồng ngày Tết cũng rất ý nghĩa, thiêng liêng". Bác Cư cũng cho biết, dù ở cách xa gần 30 cây số nhưng hễ nghe có "Sắc xuân miệt vườn" là bác lại bảo con cháu chở qua xem. Còn với bạn Phan Tín Huy, sinh viên ngành Văn học, Trường Đại học Cần Thơ, lại có cảm nhận khác: "Những mỹ tục ngày Tết này thật độc đáo. Nhờ có "Sắc xuân miệt vườn" mà em hiểu thêm về những ngày Tết xưa nhiều ý nghĩa, mang đậm tính nhân văn".

Dẫu biết rằng, trong guồng quay hối hả của nhịp sống đô thị, có những nếp cũ, dấu xưa rồi sẽ phai mờ, xóa nhòa nhưng sẽ không phai mờ trong ký ức những người hoài cổ. Và, một lần đến "Sắc xuân miệt vườn", ngắm nhìn các nghệ nhân trình diễn để cảm nhận nét xưa trong lòng phố chợ; nếm một chút bánh bí, bánh gừng, một khoanh bánh tét, một miếng bánh phồng… để cảm nhận hương Tết vị xuân đang đến thật gần.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

 

Chia sẻ bài viết