18/01/2011 - 21:33

Tỉ phú "lúa một tép"

 

Đến khu vực Lân Thạnh 2, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, hỏi anh Hồ Bá Phiêu (tên thường gọi là Bá Khem) sản xuất lúa giống thì ai cũng biết. Với sự cần cù và cách làm sáng tạo, anh đã đi lên từ cảnh cơ hàn, đã tạo dựng cho mình một cơ ngơi khang trang cùng 100 công ruộng, với thu nhập hơn nửa tỉ đồng/năm và giúp cho nhiều nông dân khấm khá như mình. Với những cống hiến cho phong trào ở địa phương, năm 2010, anh được Quận ủy Thốt Nốt tặng Huy hiệu Bác Hồ.

Bây giờ, đã có bạc tỉ trong tay, nhà cao, cửa rộng, con cái được học hành đàng hoàng, anh Bá Khem vẫn không quên cái cảnh “cơ hàn” ngày nào. Theo anh kể, năm 1990 sau khi cưới vợ, anh được cha mẹ cho 3.888 m2 đất ruộng. Ban đầu, theo tập quán sản xuất cũ, anh sạ lúa thường và sạ dầy, nên năng xuất thấp, hiệu quả kinh tế không cao, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Để có thêm thu nhập, anh Khem phải đi làm thuê, làm thợ hồ, trồng nấm rơm... Anh nhớ lại: “Những năm đó dù làm quần quật từ sáng sớm đến tối mịt mới về nhà nhưng cuộc sống vẫn thiếu trước, hụt sau”.

Năm 1998, anh gia nhập Hội Nông dân, được Hội giúp vay vốn, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và được tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác lúa, tham dự các lớp IPM, kỹ năng chọn và nhân giống cộng đồng (FFS)... do Trạm Khuyến nông quận Thốt Nốt tổ chức. Anh nói: “Đúng là “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, khi đã nắm kỹ thuật và tham quan nhiều mô hình sản xuất, tôi mạnh dạn thí điểm mô hình sản xuất lúa giống cung cấp cho thị trường để tăng thêm thu nhập”. Anh nhận các loại giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng từ Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Trại giống nông nghiệp của thành phố về sản xuất, nhân giống các giống lúa cấp nguyên chủng, cấp xác nhận để phục vụ bà con nông dân trong ấp và cung cấp cho thị trường. Trên phần diện tích ruộng nhỏ của mình, anh áp dụng kỹ thuật sạ hàng, sạ thưa để tiết kiệm lúa giống, phân bón, công chăm sóc, nên mang lại lợi nhuận cao. Sau nhiều mùa vụ thành công, tích lũy được số vốn kha khá, anh mua thêm đất sản xuất. Năm 2006, anh bắt đầu thí điểm mô hình sản xuất giống lúa theo hình thức “cấy lúa một tép”. Anh chia sẻ: “Sản xuất lúa theo kỹ thuật này đòi hỏi nhiều công lao động hơn so với sạ hàng hay sạ thưa. Trước tiên phải chọn được giống tốt, sau đó phải làm một nền đất tương đối bằng phẳng, trải cao su lên, rồi dùng bã dừa, tro và bùn non trộn đều với nhau dầy khoảng 7 – 10 cm. Sau công đoạn chuẩn bị, gieo giống (khoảng 6 kg/10 m2), khoảng 10 đến 12 ngày sau thì nhổ mạ đem ra ruộng cấy”. Chi phí cho mô hình “cấy lúa một tép” là 280.000 đồng/công. Thực hiện mô hình này, nông dân giảm được lượng giống, phân bón, cây lúa đâm chồi khỏe, ít bị sâu bệnh, tránh được tình trạng đổ ngã nên mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Với cách làm này, năm 2010, với 100 công ruộng anh (sản xuất 2 vụ) đạt tổng sản lượng là 120 tấn lúa giống. Anh Khem cho biết: “Với giá bán bình quân 8.000 đồng/1kg, cao hơn lúa thường từ 2.200-2.500 đồng/kg, doanh thu của gia đình tôi đạt tương đương 960 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất, còn lãi được 570 triệu đồng/năm”.

Trong sản xuất nông nghiệp, việc liên kết sản xuất là cần thiết, nên đầu năm 2010, với sự hỗ trợ của Hội Nông dân phường, anh đứng ra vận động thành lập Câu lạc bộ (CLB) sản xuất lúa giống Bá Khem nhằm liên kết vốn, chủ động sản xuất theo mùa vụ,... Bước đầu, CLB có 6 thành viên với diện tích sản xuất lúa giống là 35 ha vừa đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn giống lúa chất lượng cao phục vụ cho bà con trong phường, quận và cung cấp cho thị trường. Anh Phùng Đình Hải, một người dân địa phương cho biết: “ 3 năm nay tôi đều mua lúa giống của anh Bá Khem, vì giống ở đây nẩy mầm khỏe, kháng được rầy, ít sâu bệnh... cho năng suất cao”. Với vai trò Chủ nhiệm CLB, anh không chỉ giúp nhiều thành viên ăn nên làm ra mà còn giúp đỡ nhiều nông dân bằng cách bán lúa giống trả chậm không tính lãi, tận tình hỗ trợ về kỹ thuật. Anh Phùng Đỉnh Hải, ở khu vực Lân Thạnh 2, cho biết: “Mỗi khi có gút mắt về kỹ thuật, bà con trong khu vực thường đến nhà anh Bá Khem nhờ giúp đỡ, anh chỉ dẫn tường tận cách chăm sóc, loại thuốc cần phun xịt,... Bà con làm theo là lúa hết bệnh ngay. Nhiều người trúng mùa cứ gọi anh là “kỹ sư Khem””.

Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, cho biết: “Mô hình sản xuất của anh Bá Khem và của CLB lúa giống Bá Khem là một điển hình về sự năng động trong sản xuất, kinh doanh. Mô hình này đang được địa phương nhân rộng”. Theo ông Nam, anh Bá Khem còn là mạnh thường quân tích cực trong nhiều phong trào của địa phương, từ đóng góp xây dựng giao thông nông thôn, xây dựng nhà tình thương, đến giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn... Nhắc tới những lời khen tặng của bà con, anh Bá Khem nói mộc mạc: “Tôi từng trải qua những năm tháng nghèo khó, làm quần quật mà không đủ ăn nên rất hiểu tâm trạng lo lắng của bà con, hễ làm được gì cho bà con là mình làm ngay. Đây cũng là cách làm của riêng tôi trong quá trình học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ”.

Bài, ảnh: KHẮC VIỆT

Chia sẻ bài viết