06/05/2010 - 08:11

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Thực hiện quyết liệt những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao

* Không có chuyện tăng lương làm tăng lạm phát
* Ban hành Quy chế phối hợp giữa Chính phủ với Trung ương Hội Cựu chiến binh

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: ĐỨC TÁM (TTXVN) 

Tình hình kinh tế- xã hội, điều hành kinh tế vĩ mô tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2010 cùng với kiểm điểm tình hình triển khai Nghị quyết số 18/NQ-CP về những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5% trong năm 2010 là hai nội dung chính, quan trọng nhất được Chính phủ tập trung thảo luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, diễn ra ngày 5-5 tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Báo cáo tại phiên họp cho biết, kết quả thực hiện trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm của cả nước về thu ngân sách nhà nước đạt mức khá cao so với cùng kỳ năm trước (tổng thu cân đối ngân sách nhà nước lũy kế đến 15-4 đạt 134,93 ngàn tỉ đồng, bằng 29,2% dự toán năm); đầu tư phát triển được đẩy mạnh (4 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước ước đạt 33,43 nghìn tỉ đồng, bằng 26,7% kế hoạch năm); xuất khẩu có chuyển biến tích cực (4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 20,16 tỉ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước); tốc độ tăng giá đang có xu hướng giảm dần (CPI tháng 4 chỉ tăng 0,14%, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2010)...

Triển khai thực hiện 6 nhóm giải pháp của Nghị quyết 18/NQ-CP, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng. Các Bộ, ngành, địa phương tích cực theo dõi, kiểm tra, giám sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, tình hình cung- cầu, giá cả các mặt hàng phục vụ sản xuất và đời sống, nhất là những mặt hàng thiết yếu; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả đầu tư, tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, không tăng giá bất hợp lý, tổ chức hệ thống phân phối, tham gia vào việc bình ổn thị trường.

Kết luận tình hình kinh tế- xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Tình hình kinh tế- xã hội từ đầu năm đến nay có nhiều chuyển biến tích cực. Sản xuất công nghiệp tăng, dịch vụ phát triển, du lịch tăng khá. Chúng ta đã kiểm soát được kinh tế vĩ mô, với giá cả có xu hướng giảm, lãi suất huy động và lãi suất cho vay đang từng bước được hạ xuống, xuất khẩu tăng, góp phần quan trọng giảm nhập siêu...

Để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế- xã hội năm 2010 đã được Quốc hội thông qua, Thủ tướng chỉ rõ 5 nhiệm vụ từ nay đến cuối năm mà các Bộ, ngành, địa phương tập trung làm tốt đó là: Phải quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế- xã hội năm 2010 gắn liền với tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 18/NQ-CP về những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5%. Trong điều hành kinh tế vĩ mô phải kiểm soát chặt chẽ về giá, tỷ giá hối đoái, lãi suất huy động, lãi suất cho vay, giảm mạnh hơn nữa nhập siêu, quản lý chặt chẽ các nguồn thu, giảm bội chi ngân sách nhà nước,... Đẩy mạnh đầu tư phát triển, trong đó tập trung ưu tiên cho các công trình, dự án trọng điểm phục vụ sản xuất và đời sống; đồng thời với tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất phát triển. Tiếp tục tập trung làm tốt công tác an sinh xã hội. Tập trung rà soát các thủ tục hành chính để loại bỏ, đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân; cùng với đó tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan tâm giải quyết nhanh, dứt điểm đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân.

Để thực hiện có hiệu quả giảm nhập siêu- một vấn đề nổi cộm trong kinh tế hiện nay, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo: đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu các mặt hàng xét thấy chưa thực sự cần thiết và thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’’.

* Xung quanh việc tăng mức lương tối thiểu cho người lao động, chiều 5-5, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 4 của Chính phủ, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, không phát hành thêm tiền để chi trả người lao động do tăng lương tối thiểu. Vì vậy, không có chuyện vì tăng lương mà dẫn đến tăng lạm phát.

Khẳng định lại quan điểm của Chính phủ, dùng mọi biện pháp kiểm soát, ngăn chặn lạm phát tăng cao trở lại, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, việc tăng lương tối thiểu cho người lao động hoàn toàn nằm trong lộ trình đã được trù liệu trước của Chính phủ. Không vì tăng lương mà dẫn đến sự gia tăng giá cả hàng hóa và cũng không được phép lợi dụng việc tăng lương để tự ý nâng giá cả hàng tiêu dùng, ông Hiếu nhấn mạnh.

* Ngày 5-5, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính phủ và Chủ tịch Trần Hanh thay mặt Ban chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã ký kết Nghị quyết liên tịch ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ với Trung ương Hội.

Phát biểu tại lễ ký kết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định sự phối hợp công tác giữa Chính phủ với Trung ương Hội chính là sự phối hợp giữa chính quyền và một tổ chức chính trị xã hội do Đảng lãnh đạo, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thủ tướng đánh giá cao những đóng góp của Trung ương Hội Cựu chiến binh trong suốt 20 năm thành lập. “Hội Cựu chiến binh Việt Nam là một tổ chức rất quan trọng trong hệ thống chính trị. Từ khi ra đời đến nay, Trung ương Hội đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Hiện nay, nơi nào cũng có vai trò của cựu chiến binh, địa phương nào cũng có mô hình kinh tế của cựu chiến binh” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đề nghị Hội Cựu chiến binh Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của mình, làm tốt hơn vai trò, vị trí của Hội trong hệ thống chính trị của đất nước, xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trung ương Hội phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các cấp thực hiện nghiêm túc Quy chế; hướng dẫn các cấp hội triển khai có hiệu quả các nội dung đã nêu trong quy chế.

NHÓM PV TTXVN

Chia sẻ bài viết