02/08/2018 - 05:57

Thúc đẩy tiêu dùng, sản xuất hàng Việt trong nông dân 

Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là Cuộc vận động), Hội Nông dân các cấp TP Cần Thơ không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, nội dung Cuộc vận động. Song song đó, tích cực hỗ trợ hội viên đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, góp phần thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt của người dân trong cuộc sống hằng ngày cũng như xây dựng sản phẩm thương hiệu Việt. 

Đẩy mạnh tuyên truyền

Ông Nguyễn Sơn Tùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ, cho biết: Xác định vai trò quan trọng của các cấp Hội Nông dân trong việc thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt, đặc biệt ở khu vực nông thôn, Hội Nông dân thành phố tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện Cuộc vận động tới toàn thể cán bộ, hội viên, người nông dân. Trong đó, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nội dung, ý nghĩa Cuộc vận động với nhiều hình thức phong phú, kết hợp trong các buổi sinh hoạt hội, chi hội; lồng ghép các buổi sinh hoạt học tập, sơ tổng kết, gắn với việc triển khai các cuộc vận động của địa phương để từng bước tạo thói quen tiêu dùng hàng Việt trong các gia đình hội viên và cộng đồng. Đồng thời, thực hiện Cuộc vận động gắn với mua sắm trang thiết bị phục vụ cho cơ quan, cá nhân tiêu dùng quan tâm đến hàng hóa sản xuất trong nước. Có thể nói, đến nay Cuộc vận động đã đạt kết quả khả quan, đông đảo cán bộ, hội viên nông dân nhiệt tình ủng hộ hàng hóa sản xuất trong nước.

Nông dân xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh trưng bày sản phẩm tiêu biểu tại Lễ ra mắt xã nông thôn mới Vĩnh Bình. Ảnh: TUYẾT TRINH
Nông dân xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh trưng bày sản phẩm tiêu biểu tại Lễ ra mắt xã nông thôn mới Vĩnh Bình. Ảnh: TUYẾT TRINH

Trên tinh thần đó, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn vận động cán bộ, hội viên nông dân mua các loại hàng hóa tiêu dùng, vật tư xây dựng, thức ăn chăn nuôi, phân bón, đồ dùng trong gia đình ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao. 6 tháng đầu năm 2018, Hội đã thực hiện tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân mua sắm và tiêu dùng hàng Việt Nam được 6.739 cuộc với 169.510 lượt nông dân tham dự; phát hành 2.300 bản tin; triển khai 6 cuộc trong chi bộ, chi đoàn… Đồng thời, gắn kết quả thực hiện Cuộc vận động với bình xét công nhận các danh hiệu Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. 6 tháng qua, có 74.629 hộ đăng ký tham gia phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đạt 109,75% chỉ tiêu.

Hỗ trợ phát triển, tiêu thụ sản phẩm

Để thực hiện hiệu quả Cuộc vận động, Hội Nông dân thành phố triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Các cấp Hội phối hợp với ngành khuyến nông, bảo vệ thực vật cùng cấp tổ chức 192 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho 6.478 lượt hội viên nông dân về kỹ thuật chăm sóc lúa, hoa màu và vườn cây ăn trái. Tổ chức 748 cuộc hội thảo đầu bờ và học tập kinh nghiệm 12.881 lượt cán bộ, hội viên tham gia. Cùng với đó, tuyên truyền vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn. Hội Nông dân phối hợp Sở Công thương tham mưu UBND thành phố nhắc nhở một số doanh nghiệp, siêu thị trên địa bàn tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, tránh những trái cây nhập lậu tràn vào thị trường. Đồng thời, hợp đồng bao tiêu từ đầu vào đến đầu ra như: rau màu, mè, nấm bào ngư; cam, quýt, vú sữa, chanh không hạt, dâu hạ châu… Đây là những mặt hàng nông sản Cần Thơ làm ra từ kinh tế vườn gắn với du lịch sinh thái.

Hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm, Hội Nông dân tăng cường phối hợp, tư vấn và làm cầu nối để các thành phần kinh tế ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Vụ lúa đông xuân 2017-2018 vừa qua, có 41 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã và cơ sở sản xuất lúa giống tham gia bao tiêu sản phẩm đầu ra với tổng diện tích 8.013ha, chiếm 37,2% diện tích thực hiện cánh đồng lớn. Phát triển thương hiệu sản phẩm, Hội cùng các cơ quan chức năng thống nhất cấp nhãn hiệu logo của cam xoàn và nhãn Ido, tiến hành làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa; định danh và giới thiệu quảng bá dâu, vú sữa, sầu riêng… Bên cạnh đó, đưa các mặt hàng nông sản, thủ công của các làng nghề, hợp tác xã vào siêu thị. Cụ thể, Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Long Hòa (quận Bình Thủy) ký hợp đồng cung cấp sữa cho Nhà máy sữa Vinamilk Cần Thơ; công nhận các làng nghề Bánh tráng Thuận Hưng (Thốt Nốt), đan chài lưới Thơm Rơm (Thốt Nốt), đan lờ, lợp tép Thới An (Ô Môn), dệt chiếu Thường Thạnh (Cái Răng)… Hội tham gia hoạt động hỗ trợ các nhà sản xuất thông qua các hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm, bán hàng thương hiệu Việt như: Hàng Việt về nông thôn, Hội chợ Quốc tế năm 2018…

Ông Nguyễn Sơn Tùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ, cho biết: Thông qua các phong trào lồng ghép, Hội Nông dân các cấp tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên chấp hành tốt chủ trương của Nhà nước bằng sự lựa chọn mua sắm hàng Việt khi có nhu cầu tiêu dùng. Đây cũng là hành động thể hiện lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần yêu nước. Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường, tăng độ bao phủ hàng Việt cũng như xây dựng thương hiệu Việt. Để Cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả, ông Nguyễn Sơn Tùng đề xuất: Các cơ quan chức năng thành phố tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống hàng nhập lậu, chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Phát huy vai trò của Ban Quản lý chợ và tiểu thương trong việc kiểm tra, quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm không để hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng vào chợ truyền thống, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất và người tiêu dùng. Phát động phong trào “Mỗi tiểu thương bán đúng giá, cân đong đủ hàng”, tăng niềm tin cho người tiêu dùng. Thành phố vận động các doanh nghiệp tập trung đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, liên kết hợp tác đầu tư, đổi mới quản lý… Qua đó, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thiết lập hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Nhất là người dân ở nông thôn với giá cả phù hợp và hàng Việt có chất lượng, mẫu mã đẹp, tăng độ tin cậy và sự hài lòng của người tiêu dùng đối với hàng Việt…

TUYẾT TRINH

Chia sẻ bài viết