01/05/2022 - 16:44

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì lễ đón Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio thăm chính thức Việt Nam 

(TTXVN) - Sáng 1-5, tại Phủ Chủ tịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì lễ đón Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Nhật Bản thăm chính thức Việt Nam từ ngày 30-4 đến 1-5-2022. Lễ đón được tổ chức trọng thể theo nghi thức dành cho người đứng đầu Chính phủ thăm chính thức Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio duyệt đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: DƯƠNG GIANG-TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio duyệt đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: DƯƠNG GIANG-TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ra tận cửa xe ô tô đón Thủ tướng Kishida Fumio. Sau cái ôm, bắt tay nồng ấm của hai nhà lãnh đạo, các cháu học sinh gửi tới Thủ tướng Kishida Fumio bó hoa tươi thắm. Thủ tướng Phạm Minh Chính mời Thủ tướng Kishida Fumio bước trên thảm đỏ trong tiếng vẫy chào của các em học sinh với cờ hoa trên tay để tới bục danh dự. Quân nhạc cử quốc thiều hai nước. Hai nhà lãnh đạo cùng bước tới chào Quốc kỳ Việt Nam. Sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính mời Thủ tướng Nhật Bản duyệt Đội Danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam. Hai vị Thủ tướng giới thiệu cho nhau các thành viên Đoàn Cấp cao hai nước dự lễ đón.

Kết thúc lễ đón chính thức, hai nhà lãnh đạo trở lại bục danh dự, cùng chứng kiến phần diễu binh chào mừng của Đội Danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngay sau lễ đón chính thức, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đến khuôn viên Trụ sở Chính phủ để trồng cây lưu niệm, sau đó tiến hành hội đàm.

Tại hội đàm, hai Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước sự phát triển vượt bậc của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản và đạt nhận thức chung về phương hướng lớn, cũng như các biện pháp nhằm tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trên các lĩnh vực, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản. Tiếp tục tăng cường tin cậy chính trị thông qua duy trì các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao, nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác, đối thoại.

Hai Thủ tướng hoan nghênh những tiến triển vượt bậc trong việc triển khai thực hiện các kết quả chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tháng 11-2021; trong đó hoàn tất Bản cập nhật tiến độ hợp tác gồm 8 lĩnh vực: hợp tác y tế (bao gồm phòng chống COVID-19), đầu tư và thương mại, ODA và cơ sở hạ tầng, giao lưu nhân dân, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, hợp tác tư pháp, quốc phòng an ninh, hợp tác văn hóa - giáo dục. Bản cập nhật đánh giá hầu hết các thỏa thuận, dự án đạt tiến triển tích cực (dự án vệ tinh quan sát trái đất, đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh tuyến số 1, tăng cường kết nối Việt Nam - Lào, Sáng kiến chuyển đổi số, Sáng kiến Đối tác hợp tác đổi mới công nghệ, Sáng kiến tăng cường chuỗi cung ứng, hỗ trợ phòng chống COVID-19, hợp tác quốc phòng, an ninh, xử lý vấn đề vi phạm bản quyền, nối lại đường bay thương mại…). Nhất trí đẩy mạnh hợp tác phục hồi kinh tế hậu COVID-19, sớm thống nhất và triển khai hiệu quả Chương trình vốn vay ODA thế hệ mới với điều kiện ưu đãi, linh hoạt, đủ lớn, thủ tục đơn giản và dài hạn, cho các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng chiến lược, hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế; các sáng kiến đối tác đổi mới công nghệ, tăng cường chuỗi cung ứng, chuyển đổi số." xin sửa lại như sau: "Hai Thủ tướng hoan nghênh những tiến triển vượt bậc trong việc triển khai thực hiện các kết quả chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tháng 11-2021; nhất trí đẩy mạnh hợp tác phục hồi kinh tế hậu COVID-19, sớm thống nhất và triển khai hiệu quả Chương trình vốn vay ODA thế hệ mới với điều kiện ưu đãi, linh hoạt, đủ lớn, thủ tục đơn giản và dài hạn, cho các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng chiến lược, hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế; các sáng kiến đối tác đổi mới công nghệ, tăng cường chuỗi cung ứng, chuyển đổi số.

Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, nông nghiệp, năng lượng, môi trường; đẩy nhanh các thủ tục để Nhật Bản công bố mở cửa thị trường cho quả nhãn Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản vào tháng 9-2022, tiếp tục tạo điều kiện để các loại hoa quả khác là bưởi, bơ, chôm chôm xuất khẩu sang Nhật Bản; tăng cường hợp tác, chuyển giao công nghệ để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực; hỗ trợ Việt Nam đẩy nhanh chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; tiếp tục thúc đẩy hợp tác an ninh, quốc phòng; tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam. Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định tiếp tục hợp tác, hỗ trợ toàn diện Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội; phát triển cơ sở hạ tầng trọng điểm như hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng…; mở rộng tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng, du học sinh Việt Nam sang Nhật Bản; hỗ trợ cộng đồng người Việt sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản.

Hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác hậu COVID-19; nhất trí thúc đẩy giao lưu văn hóa, nhân dân, du lịch, nhất trí phối hợp chặt chẽ tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023 tương xứng với tầm mức quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng.

Hai Thủ tướng cũng trao đổi về vấn đề khu vực và quốc tế, nhất trí phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế và khu vực; tăng cường phối hợp ứng phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, dịch bệnh…; phối hợp chặt chẽ triển khai Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Hai nhà lãnh đạo cũng đã trao đổi lập trường về vấn đề Ukraine. Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ quan điểm toàn diện của Việt Nam về vấn đề nhân đạo và thông báo việc Việt Nam sẽ hỗ trợ nhân đạo 500.000 USD cho Ukraine thông qua các tổ chức nhân đạo quốc tế. Về vấn đề Biển Đông, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, bao gồm tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), thực hiện đầy đủ, toàn diện, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và có hiệu lực pháp lý.

Sau hội đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida Fumio đã chứng kiến lễ trao đổi 22 văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước. Hai Thủ tướng đã có cuộc gặp gỡ báo chí chung, thông báo những kết quả chính trong cuộc hội đàm, nhấn mạnh hai bên nhất trí cùng nhau phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Cũng trong sáng 1-5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cùng dự Hội thảo hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng do Bộ Công Thương và Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (Jetro) tổ chức. Cùng dự Hội thảo có các Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam, Nhật Bản; các nhà quản lý, đại diện các doanh nghiệp, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, chuyển đổi số.

Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ngài Kishida Fumio sau 6 tháng ông nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản và sau 5 tháng kể từ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đang tiếp tục phát triển tốt đẹp, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Hai bên đang tích cực chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023.

PHẠM TIẾP

Chia sẻ bài viết