(TTXVN) - Chiều 17-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì họp phiên thứ 14 của Ban Chỉ đạo nhằm rà soát các công việc sau phiên họp lần thứ 13 và bàn các giải pháp, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ các công trình, dự án.
Thủ tướng dành thời gian phân tích ý nghĩa quan trọng của hạ tầng giao thông vận tải chiến lược. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phiên họp được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT trên địa bàn.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, cả nước đang triển khai 40 công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, với 92 thành phần cả ở 3 lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không tại 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thủ tướng nhấn mạnh, bão số 3 và hoàn lưu của bão đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản tại các tỉnh phía Bắc, với tổng thiệt hại vật chất ước tính khoảng 40.000 tỉ đồng, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Do đó, cùng với các giải pháp khắc phục hậu quả bão lũ, khôi phục sản xuất, kinh doanh…, việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công, trong đó có triển khai các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời thể hiện “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”, góp phần khắc phục hậu quả bão lũ.
Bày tỏ sự không hài lòng đối với một số ngành, địa phương trả lại vốn đầu tư công trong khi nhiều địa phương đang cần vốn, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành rút kinh nghiệm, chấn chỉnh lại công việc; không để xảy ra trì trệ, né tránh trách nhiệm, trên tinh thần “đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện phải có kết quả cụ thể”, thể hiện trách nhiệm, đạo đức, vì dân, vì nước, với “quyết tâm cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt”, “bàn làm, không bàn lùi”. Cùng với biểu dương những bộ, ngành, địa phương làm tốt, tạo động lực, truyền cảm hứng, cần phải phê bình, thậm chí xử lý đối với những tổ chức, cá nhân trì trệ.
Theo Ban Chỉ đạo, tại phiên họp lần thứ 13 của Ban Chỉ đạo ngày 8-8-2024, Thủ tướng đã giao 42 nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương, trong đó tập trung vào tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng, cấp nguồn vật liệu xây dựng, nhất là cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam.
Ðến nay, các đơn vị đã hoàn thành 11 nhiệm vụ đúng thời hạn yêu cầu, đang tích cực triển khai 28 nhiệm vụ là công việc chỉ đạo, điều hành thường xuyên và 1 nhiệm vụ chưa đến hạn, chưa hoàn thành đúng hạn 2 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành một số nhiệm vụ quan trọng.
Về công tác giải phóng mặt bằng có sự chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, do phần diện tích còn lại chủ yếu là đất ở, việc triển khai xác định nguồn gốc, phương án đền bù phức tạp nên một số địa phương vẫn chưa đáp ứng yêu cầu...
Về vật liệu xây dựng, với các dự án khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, nguồn cung cấp vật liệu đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thi công. Các dự án khu vực phía Nam, các địa phương đã phối hợp cùng các chủ đầu tư, nhà thầu triển khai các thủ tục liên quan đến cấp mỏ cho các dự án, tuy nhiên tiến độ triển khai còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công...
Về công tác triển khai thi công, Bộ GTVT đã phối hợp cùng các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản rà soát kế hoạch triển khai, xây dựng tiến độ chi tiết, đặc biệt là các công việc có tính chất đường “găng” để đôn đốc các đơn vị. Ða số các dự án có đủ nguồn vật liệu và điều kiện giải phóng mặt bằng thuận lợi, tiến độ thi công đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên việc triển khai thi công các dự án tại một số địa phương còn chậm như Cần Thơ 10%, Sóc Trăng 5% tại dự án Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Bắc Ninh 5% tại dự án Vành đai 4 Hà Nội, Cao Bằng 2% tại dự án Ðồng Ðăng - Trà Lĩnh, Lạng Sơn mới triển khai thi công dự án Hữu Nghị - Chi Lăng…
Với các dự án thuộc khu vực chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3, các chủ đầu tư đã thực hiện nghiêm các công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, chủ động triển khai các biện pháp phòng chống nên ảnh hưởng không đáng kể. Các công trình xây dựng không gây ngập úng cho các khu vực lân cận; hiện các đơn vị đang khắc phục, sửa chữa đường công vụ, đường điện... để thi công trở lại.