25/11/2010 - 08:21

KỲ HỌP THỨ 8, QUỐC HỘI KHÓA XII

Thông qua Nghị quyết về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp và 4 Dự án Luật

Chiều 24-11, với đa số phiếu tán thành, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán; Luật Tố tụng hành chính và Nghị quyết thi hành Luật tố tụng hành chính.

Về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để phân biệt với bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉnh sửa lại khoản 19 Điều 3 theo hướng quy định bảo hiểm hưu trí là nghiệp vụ bảo hiểm, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm chi trả quyền lợi bảo hiểm khi người được bảo hiểm đạt đến độ tuổi xác định theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Chỉnh sửa khoản 20 Điều 3 theo hướng quy định bảo hiểm sức khỏe là loại hình bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm bị thương tật, tai nạn, ốm đau, bệnh tật và chăm sóc sức khỏe, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền cho người thụ hưởng theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung Hợp tác xã bảo hiểm vào Điều 59 vì cho rằng hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, có tư cách pháp nhân, hoạt động như một loại hình doanh nghiệp.

Về tập trung giải quyết những vấn đề bất cập trên thị trường chứng khoán, giải trình về phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật chứng khoán, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy thị trường chứng khoán nước ta mới hình thành trên 10 năm, Luật chứng khoán cũng mới có hiệu lực thi hành hơn ba năm, cần có thêm thời gian để tổng kết đánh giá kỹ lưỡng. Trước mắt, cần tập trung giải quyết những vấn đề bất cập, gây nhiều vướng mắc trên thị trường chứng khoán hiện nay. Do vậy Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ phạm vi sửa đổi, bổ sung như dự thảo Luật: “Luật quy định về hoạt động chào bán chứng khoán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, dịch vụ về chứng khoán và thị trường chứng khoán”; đề nghị Chính phủ, các cơ quan có liên quan của Quốc hội tiếp tục nghiên cứu những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu để đề xuất sửa đổi Luật chứng khoán một cách toàn diện vào thời gian thích hợp.

Về tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp giai đoạn 2011-2020, về đối tượng được miễn thuế, Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình thêm: hiện nay nông nghiệp là lĩnh vực chậm phát triển, đời sống nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn và việc áp dụng chính sách miễn, giảm thuế là cần thiết. Tuy nhiên, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị không miễn toàn bộ thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với mọi loại đất nông nghiệp và đối với diện tích vượt trên hạn mức giao đất nông nghiệp bởi một số lý do: đất đai là tài nguyên quốc gia, thuộc sở hữu toàn dân. Về nguyên tắc, đã sử dụng tài nguyên thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Để thúc đẩy nông nghiệp phát triển, cần áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ và thuế chỉ là một trong những công cụ góp phần giải quyết khó khăn tài chính trước mắt cho tổ chức, cá nhân được giao đất để sản xuất. Với mục tiêu khuyến khích phát triển nông nghiệp, việc thu thuế không nhằm mục tiêu thu ngân sách. Tuy nhiên, Nhà nước cần thông qua công cụ thuế để đáp ứng yêu cầu quản lý, điều tiết hợp lý việc sử dụng đất, đặc biệt, bảo đảm đường lối nông dân có ruộng theo đúng chủ trương của Đảng đề ra, khuyến khích người dân sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân đối với diện tích đất được giao. Việc miễn, giảm thuế chỉ nên áp dụng đối với từng đối tượng và tại từng thời điểm nhất định; nếu miễn toàn bộ đối với mọi đối tượng sử dụng đất thì sẽ làm giảm ý nghĩa của việc miễn, giảm, không bảo đảm tính trung lập của chính sách thuế.

Về sửa những nội dung thật cần thiết liên quan đến công tác bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp cùng một ngày. Về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân, nhiều ý kiến tán thành như quy định của dự thảo Luật nhưng đề nghị cần khẩn trương nghiên cứu để sửa đổi cơ bản, toàn diện hai Luật về bầu cử trong thời gian tới và có thể hợp nhất hai Luật thành Luật bầu cử đại biểu dân cử. Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định về quyền bầu cử, ứng cử của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và điều kiện, quy trình tự ứng cử, vận động bầu cử; việc lấy tín nhiệm của cử tri ở nơi cư trú, việc công khai tài sản của người ứng cử đại biểu; xác định cụ thể tỷ lệ số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp là phụ nữ ngay trong Luật; tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố Hà Nội do mở rộng địa giới hành chính tăng số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh ở những địa phương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quân, phường...

Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy những vấn đề được các vị đại biểu Quốc hội nêu là những vấn đề lớn, quan trọng; trong đó có những vấn đề liên quan hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp đến quy định của Hiến pháp năm 1992 và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước cần được nghiên cứu để có hướng giải quyết một cách tổng thể; đồng thời có những vấn đề thuộc trách nhiệm hướng dẫn trong quá trình tổ chức bầu cử. Mặt khác, như báo cáo Quốc hội trong Tờ trình về dự án Luật thì trong lần sửa đổi này chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung một số vấn đề thật sự cần thiết liên quan đến công tác tổ chức bầu cử khi tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trong cùng một ngày, đảm bảo sự thành công của cuộc bầu cử.

Về không quy định thủ tục thỏa thuận mang tính bắt buộc trong tố tụng hành chính, về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy quan hệ hành chính là quan hệ giữa một bên là cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thi hành quyền lực hành chính công và một bên là cá nhân, cơ quan, tổ chức, đối tượng chịu sự quản lý, điều hành khác với quan hệ dân sự. Đây là điểm khác biệt căn bản giữa tố tục hành chính và tố tụng dân sự. Trong tố tụng hành chính, mặc dù các bên bình đẳng với nhau về quyền và nghĩa vụ, nhưng quan hệ bị tranh chấp giữa các bên liên quan đến nội dung quản lý hành chính, do đó không thể quy định thủ tục thỏa thuận mang tính bắt buộc trong quá trình tố tụng tại Tòa án như tố tụng dân sự mà chỉ nên quy định mang tính khuyến khích để các bên tự do lựa chọn nếu thỏa thuận được thì bên khởi kiện rút đơn, Tòa án đình chỉ việc giải quyết, quy định như vậy là phù hợp với nguyên tắc chung về đối thoại trong Luật khiếu nại, tố cáo.

Hôm nay, các đại biểu Quốc hội làm việc theo Chương trình.

QUỲNH HOA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết