26/11/2009 - 08:34

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII

Thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư 2 dự án điện quan trọng

Sáng 25-11, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua với đa số phiếu tán thành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục; Luật Thuế tài nguyên; Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Nhà máy thủy điện Lai Châu; Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận nêu rõ: Quyết định chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, gồm 2 nhà máy, mỗi nhà máy có 2 tổ máy để cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước và tỉnh Ninh Thuận. Địa điểm xây dựng: Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận; Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Diện tích đất xây dựng sử dụng hợp lý và tiết kiệm diện tích nhất.

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận bao gồm 2 nhà máy với công suất trên 4.000 MW, phù hợp với công nghệ và thế hệ lò được chọn; công suất nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 khoảng 2.000 MW; công suất nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 khoảng 2.000 MW. Tổng mức đầu tư dự toán của dự án này khoảng 200.000 tỉ đồng (tại thời điểm lập dự án vào quý IV năm 2008. Nhà máy điện hạt nhân sử dụng công nghệ lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò điện đại nhất, đã được kiểm chứng, bảo đảm tuyệt đối an toàn và hiệu quả kinh tế tại thời điểm lập dự án đầu tư. Thời gian khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào năm 2014, đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020. Căn cứ vào tình hình chuẩn bị, Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định thời điểm khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.

Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án thủy điện Lai Châu nêu rõ: Quyết định chủ trương đầu tư Dự án thủy điện Lai Châu để cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia; góp phần cùng với các nhà máy thủy điện trên Sông Đà phục vụ chống lũ về mùa mưa, cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu, tỉnh Điện Biên và cả vùng Tây Bắc. Địa điểm xây dựng đập và nhà máy thủy điện Lai Châu là xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Giao Chính phủ tổ chức, chỉ đạo triển khai thi công trước các hạng mục chuẩn bị, công trình tạm, phụ trợ để đảm bảo tiến độ công trình; đồng ý cho áp dụng đối với Dự án thủy điện Lai Châu những cơ chế, chính sách đã phát huy hiệu quả tốt trong quá trình thực hiện Dự án thủy điện Sơn La. Trường hợp cần thiết phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt thì Chính phủ trình Quốc hội xem xét...

Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đánh giá qua hơn ba năm thực hiện, Luật Giáo dục đã góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật đã phát hiện một số điểm chưa phù hợp với thực tiễn và yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục...

Những vấn đề sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật đã tập trung giải quyết được ở mức độ nhất định một số vấn đề bức xúc hiện nay như: quy định việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư có hiệu quả và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non nói chung và trẻ em 5 tuổi nói riêng, đặc biệt ở vùng miền núi và các vùng kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn. Luật bổ sung một số quy định chặt chẽ hơn về việc biên soạn chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa; xác định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp phải bảo đảm có đủ giáo trình giảng dạy, học tập; bổ sung các quy định về yêu cầu công khai tiêu chuẩn chất lượng giáo dục...

Đối với Luật Thuế tài nguyên, về các loại tài nguyên thuộc diện chịu thuế Khoản 8, Điều 2 của Dự thảo Luật đã trình Quốc hội quy định đối tượng chịu thuế là: “Các loại tài nguyên thiên nhiên không thuộc quy định từ khoản 1 đến khoản 7 Điều này” nhằm điều chỉnh đối tượng phát sinh. UBTVQH đánh giá qua thực tế áp dụng luật, đã có trường hợp phát sinh đối tượng thuộc diện chịu thuế mà chưa được quy định trong luật. Để luật mang tính dự báo và ổn định, tránh sửa đổi, bổ sung nhiều lần thì cần có quy định điều chỉnh những vấn đề phát sinh. Tuy nhiên, trong luật phải quy định rõ cơ quan có thẩm quyền quyết định đưa tài nguyên vào đối tượng chịu thuế. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của UBTVQH, chỉnh sửa lại khoản 9 Điều 2 của Dự thảo luật mới như sau: “Tài nguyên khác do UBTVQH quyết định”.

* Chiều 25-11, Quốc hội làm việc tại Hội trường, góp ý kiến vào dự thảo Luật Trọng tài thương mại tập trung vào các nội dung phạm vi thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của trọng tài thương mại; thẩm quyền của Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; mô hình tổ chức của trọng tài Việt Nam; quản lý nhà nước về trọng tài, tiêu chuẩn của trọng tài viên ...

Các đại biểu Quốc hội tán thành với Tờ trình dự thảo Luật Trọng tài thương mại của Hội Luật gia Việt Nam và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về sự cần thiết ban hành Luật Trọng tài thương mại để tạo điều kiện giải quyết các tranh chấp thương mại một cách nhanh chóng, đơn giản và bảo đảm bí mật kinh doanh, góp phần tạo sức hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư, các thương nhân nước ngoài. Việc ban hành Luật nhằm thể chế hoá các đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế; mở rộng các hình thức giải quyết tranh chấp trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại và các quan hệ khác và khuyến khích các bên khi xảy ra tranh chấp lựa chọn hình thức trọng tài để giải quyết theo nguyên tắc cơ bản là thòa thuận và hòa giải.

Theo một số đại biểu, do chưa có chế tài xử lý thích đáng hành vi khởi kiện sai, nên nhiều khi bên bị phán quyết tùy tiện khởi kiện tại tòa án, cố tình kéo dài thời gian thực hiện phán quyết trọng tài; đề nghị có quy định về hoạt động của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam. Chi nhánh, văn phòng, đại diện của tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam ... cần tuân theo pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Các đại biểu cho rằng Luật Trọng tài thương mại phải phù hợp và đáp ứng được nhu cầu thực tiễn hoạt động kinh doanh và thực tiễn giải quyết tranh chấp hiện nay và dự báo trong thời gian tới khi nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta ngày càng mở rộng...

QUỲNH HOA-BÍCH THỦY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết