16/04/2017 - 17:17

Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động Trường ĐH Y Dược Cần Thơ

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Theo Đề án, học phí tối đa năm học 2017 - 2018 là 18 triệu đồng/ sinh viên; đến năm học 2020-2021 sẽ tăng lên 21,6 triệu đồng/ sinh viên.

Khánh thành các hạng mục công trình Trường ĐH Y Dược Cần Thơ vào tháng 1-2017. Ảnh: B.NGỌC 

Theo Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Trường sẽ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các nội dung: thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh; tổ chức bộ máy, nhân sự; tài chính; chính sách học bổng, học phí; đầu tư, mua sắm; cơ chế giám sát.

 Sinh viên Trường ĐH Y Dược Cần Thơ trong giờ học thực hành. ảnh: T.Hằng

Về thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh, Trường quyết định mở ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ đại học, bác sĩ nội trú, chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ, tiến sĩ theo nhu cầu xã hội khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, phù hợp với định hướng phát triển của Trường. Căn cứ trên yêu cầu, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và nhu cầu xã hội, xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh theo đề án của Trường, bảo đảm công khai, minh bạch và thực hiện chế độ ưu tiên trong tuyển sinh theo quy định. Quyết định chương trình đào tạo; phương pháp giảng dạy; ngôn ngữ giảng dạy; phương pháp thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập; giáo trình, học liệu và quản lý đào tạo; thiết kế, in phôi bằng, quản lý và cấp phát văn bằng, chứng chỉ; bảo đảm chuẩn đầu ra mà Trường đã cam kết. Quyết định hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao khoa học công nghệ với các cơ sở đào tạo, cơ sở y dược trong và ngoài nước; khuyến khích nghiên cứu các đề tài, dự án ứng dụng và chuyển giao công nghệ bằng các hợp đồng liên doanh, liên kết.

Về tổ chức bộ máy, nhân sự, Hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện quyền sở hữu của Trường, có nhiệm vụ quyền hạn theo quy định. Hội đồng Trường bầu Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng; Bộ trưởng Bộ Y tế phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng.

Về tài chính, Trường thực hiện cơ chế thu, quản lý học phí theo quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 và quy định tại Quyết định này.

Cụ thể, mức thu học phí bình quân tối đa (của chương trình đại trà, trình độ đại học, chính quy) năm học 2017-2018 là 18 triệu đồng/ sinh viên; năm học 2018-2019 là 19,2 triệu đồng/ sinh viên; năm học 2019-2020 là 20,4 triệu đồng/ sinh viên; năm học 2020-2021 là 21,6 triệu đồng/ sinh viên.

Trường quyết định mức thu học phí đối với ngành đào tạo bác sĩ, dược sĩ, cử nhân theo nhu cầu xã hội trên cơ sở ký kết và không vượt quá mức trần học phí tương ứng quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 2-10-2015 của Chính phủ.

Trường quyết định mức trần học phí đối với trình độ đào tạo tiến sĩ, chuyên khoa II bằng 2,5 lần; thạc sĩ, chuyên khoa I, Nội trú bằng 1,5 lần mức học phí của chương trình nêu trên.

Về chính sách học bổng, học phí, ngoài các đối tượng được miễn, giảm học phí theo chính sách của Nhà nước, Trường xây dựng, thực hiện chính sách học bổng, khuyến khích học tập dành cho sinh viên học tập xuất sắc, sinh viên nghèo vượt khó, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và sinh viên là đối tượng đào tạo đặc biệt, đối tượng chính sách.

Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ hướng đến 6 mục tiêu cụ thể:

- Đổi mới hệ thống tổ chức và nhân sự của Trường theo mô hình trường đại học định hướng ứng dụng hiện đại; bảo đảm năng lực quản trị, lãnh đạo và quản lý hiệu quả, phát huy tối đa những tiềm năng và thế mạnh của Trường;…

- Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học theo hướng hội nhập quốc tế;…

- Phát triển, hoàn thiện các ngành và chuyên ngành đào tạo, các chương trình đào tạo ở các trình độ đào tạo trên cơ sở chương trình đào tạo của các trường đại học y dược có uy tín trên thế giới;…

- Tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển, hoàn thiện các ngành và chuyên ngành đào tạo, hướng tới các chương trình đào tạo đạt chuẩn mực quốc tế;…

- Sử dụng có hiệu quả kinh phí đầu tư của Nhà nước, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực của xã hội, xây dựng cơ chế quản lý tài chính minh bạch, bảo đảm năng lực tài chính vững mạnh;…

- Thực hiện trách nhiệm xã hội của trường đại học công lập…

Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, việc cho phép các cơ sở giáo dục đại học công lập được tự chủ trong việc mở chuyên ngành đào tạo, liên kết đào tạo và định hướng nghiên cứu phát triển sẽ tạo cơ hội cho các trường chủ động đổi mới toàn diện chương trình và phương pháp giảng dạy phù hợp với mô hình đào tạo. Tự chủ về tài chính cũng là điều kiện để các trường xác định lại mức học phí cụ thể đối với từng ngành, nghề, chương trình đào tạo của trường theo nhu cầu người học và chất lượng đào tạo. Từ đó, các trường có điều kiện huy động các nguồn lực xã hội trong đầu tư phát triển nhà trường. Thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động cũng là cơ hội để các trường đại học mở rộng hoạt động chuyển giao công nghệ và các dịch vụ khác. Qua đó, nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm điều kiện thực hiện tốt các biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.

PV

Chia sẻ bài viết