18/01/2012 - 21:43

Thất vọng mùa hành sớm

Giá hành tím đầu vụ ở Sóc Trăng từ 10.000 đồng/kg bắt đầu giảm dần. Những ngày cận Tết Nguyên đán, giá hành tím xuất khẩu chỉ còn 5.200 đồng/kg và hành chợ (tiêu thụ nội địa) khoảng 6.000 đồng/kg. Giá hành tuột dốc nhanh chóng đã làm tan biến những hy vọng về một vụ hành sớm bội thu cả về năng suất lẫn giá bán...

* NĂNG SUẤT, GIÁ BÁN CÙNG GIẢM

Các doanh nghiệp tích cực thu mua nhưng giá hành vẫn xuống thấp. (Trong ảnh: Thu hoạch hành tím tại huyện Vĩnh Châu).
 

Ông Hà Hùng Kiệt, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Trần Đề, cho biết: Năm nay, những trận mưa trái vụ làm giảm năng suất một số diện tích hành thu hoạch sớm. Không chỉ có năng suất giảm, giá hành từ đầu vụ đến nay cũng không cao, có khi chỉ còn 5.200-10.000 đồng/kg, tức giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Do ở vụ hành năm ngoái, nông dân trúng mùa, trúng giá đậm nên năm nay diện tích trồng hành của huyện Trần Đề tăng lên trên 400ha. Kết quả thu hoạch 260ha hành sớm năm nay, năng suất chỉ từ 600-1.200kg/công.

Dọc theo tuyến đường từ cầu Mỹ Thanh về trung tâm thị xã Vĩnh Châu, huyện Vĩnh Châu, năm nay, người dân tận dụng bờ bao, đất ta luy ven lộ trồng hành tím khá nhiều. Nhiều quầy hành tím dã chiến bán cho khách vãng lai giá khá thấp. Ông Trần Minh Trí, Trưởng trạm Khuyến nông Khuyến ngư thị xã Vĩnh Châu, cho biết: “Giá hành năm nay thấp quá, chỉ 6.000-10.000 đồng/kg, trong khi chi phí sản xuất mỗi công ít gì cũng 8-10 triệu đồng”. Trúng mùa trúng giá, diện tích trồng hành của Vĩnh Châu đến thời điểm 13-1-2012 đã lên đến 5.247ha, tức xấp xỉ cả năm 2011, dù giá hành giống luôn ở mức 45.000-55.000 đồng/kg. Ông Trần Minh Trí cho biết thêm: “Năm nay, nông dân tận dụng bờ bao vuông tôm và diện tích cặp đê biển, bờ kênh trồng được trên 900ha. Tuy nhiên, kết quả thu hoạch 877ha cho năng suất bình quân chỉ 1,39 tấn/công. Với năng suất và giá hành như hiện nay, xem như người trồng hành không có lời bao nhiêu”. Tại DNTN Đức Vinh, giá hành thu mua chỉ ở mức 5.200-6.000 đồng/kg. Anh Trịnh Đức Vinh, chủ doanh nghiệp cho biết: “Cách nay một tuần, giá hành chợ còn được 10.000 đồng/kg, nhưng hiện giờ loại tốt nhất cũng chỉ khoảng 6.000 đồng/kg vì nhu cầu thị trường nội địa là không lớn”.

* VÌ SAO GIÁ GIẢM MẠNH?

Vụ hành năm nay tuy năng suất không cao, nhưng diện tích tại hầu hết các địa phương đều tăng đáng kể. Tại tỉnh Sóc Trăng, ngoài thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề, các huyện khác như Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên... cũng phát triển diện tích hành tím. Năm nay tỉnh Trà Vinh cũng phát triển mạnh diện tích trồng hành và cả vùng lúa-tôm của tỉnh Kiên Giang cũng bắt đầu thử nghiệm đưa cây hành tím vào sản xuất. Theo anh Trịnh Đức Vinh, chủ DNTN Đức Vinh, năm nay, không chỉ trúng mùa, hành tím Phan Rang (Ninh Thuận) cũng được cải thiện rất nhiều về chất lượng, màu sắc. Hơn nữa, các nước trồng hành trong khu vực như: Indonesia, Thái Lan đều trúng mùa đậm. Chi phí trồng hành tím tại các nước này thấp hơn so với chi phí của nông dân Việt Nam rất nhiều. Như vậy, có thể thấy, giá hành năm nay giảm mạnh ngoài sự tăng đột biến trong nước, còn chịu sự tác động từ một số nước trong khu vực. Đặc biệt, Indonesia - nước nhập khẩu hành từ Vĩnh Châu hàng năm rất lớn, nhưng năm nay nhiều khả năng cũng sẽ giảm do thuận mùa.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu hành tím tại Vĩnh Châu, giá hành không thể tăng còn do chi phí vận chuyển tăng. Anh Trịnh Đức Vinh chia sẻ: Hiện nay, tại hầu hết các tuyến đường trên địa bàn Vĩnh Châu đều giới hạn tải trọng. Vì vậy, doanh nghiệp phải trung chuyển nhiều lần mới đến được TP Hồ Chí Minh để đóng container. Chỉ cần được đóng container ngay trên tuyến Nam sông Hậu, chi phí sẽ giảm đi rất nhiều và doanh nghiệp có thể tăng giá thu mua lên ít nhất cũng phải 500 đồng/kg. Không những thế, do trung chuyển qua nhiều công đoạn nên lượng hao hụt, hư hỏng hành cũng tăng lên và tất cả đều được doanh nghiệp hạch toán vào chi phí đầu vào. Cũng theo các doanh nghiệp, hiện nay, đường Nam sông Hậu đã hoàn thành, nhưng giới hạn tải trọng tại một số cây cầu trên tuyến đường còn rất thấp, nên xe container không thể về đến Vĩnh Châu được. Hầu hết, các doanh nghiệp đều kiến nghị các địa phương trên tuyến đường Nam Sông Hậu nên tháo gỡ vấn đề này để nông dân trồng hành tím Vĩnh Châu không bị thiệt thòi và doanh nghiệp cũng được lợi nhờ hàng hóa lưu thông thuận tiện.

Bài, ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Chia sẻ bài viết