05/11/2020 - 22:08

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Thảo luận, đề xuất giải pháp phát triển bền vững

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, sáng 5-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia. Nhiều giải pháp về phát triển bền vững đã được các đại biểu đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng phát triển sản xuất ở miền núi đã đạt ngưỡng, muốn chuyển đổi về chất chúng ta cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN). Đại biểu đề nghị sửa đổi luật KHCN, có chính sách KHCN phù hợp cho vùng miền núi,… Đề nghị Chính phủ ban hành chính sách đặc thù và đủ mạnh để thu hút nhà đầu tư tập trung vào các ngành, lĩnh vực mà vùng có thế mạnh như lâm nghiệp, nông nghiệp với những sản phẩm đặc trưng và liên kết theo chuỗi chế biến sâu, tạo thành những vùng hàng hóa tập trung, đảm bảo không bị giới hạn bởi rào cản địa giới hành chính từng tỉnh, hình thành không gian kinh tế vùng.

Trong phát triển kinh tế, đại biểu đề nghị chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cần tập trung đầu tư đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, phát triển các tập đoàn lớn làm trụ cột chuỗi giá trị, tăng đầu tư phát triển…

Đại biểu cho rằng thời gian qua công tác cơ cấu vùng kinh tế chưa được triển khai một cách rõ ràng hay xác định rõ bước đi, trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp với trình độ phát triển của địa phương, của từng tỉnh; chưa tạo được sự đột phá, liên kết phát triển vùng còn lỏng lẻo… Giai đoạn 2021-2026, Quốc hội cần có sự giám sát chặt chẽ hơn về lộ trình cơ cấu lại ngành ở các địa phương. Các địa phương cần có kế hoạch, quy hoạch cơ cấu lại ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế một cách có hệ thống theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Để cơ cấu lại nền kinh tế đạt được mục tiêu đề ra, cần thiết phải quan tâm đến vấn đề quy hoạch nguồn nhân lực, thực hiện theo phương châm Chính phủ hành động, địa phương bên cạnh thực hiện phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế cần chủ động tổ chức các giải pháp phát triển nguồn nhân lực.

Một trong những vấn đề nhiều đại biểu quan tâm đề cập là tình trạng thiên tai và những tác động từ các công trình thủy điện. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ rừng tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học; cân nhắc kỹ các dự án chuyển đổi rừng phát triển kinh tế, ưu tiên dự án thủy lợi; đánh giá tác động trồng rừng thay thế; giải quyết tình trạng di cư tự phát, đẩy nhanh giao đất gắn với giao rừng; đầu tư ngân sách để cảnh báo thiên tai, phát triển rừng, bảo tồn sinh học, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng…

Ngoài ra, các đại biểu còn thảo luận về những vấn đề: đạo đức xã hội, an toàn giao thông, phòng chống dịch COVID-19…

Theo Chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết