24/01/2021 - 08:20

Thả diều mùa Xuân 

Thả diều là trò chơi truyền thống đã có từ thời thượng cổ và người xưa khẳng định chơi diều rất có ích. Sách “Tục bác vật chí” (một dạng sách bách khoa toàn thư thời xưa) cho biết: Người thả diều giấy lên cao cho trẻ con ngửa mặt lên trời, để cho nhiệt hỏa ở trong người trẻ tiết ra hơi thở. Ông Lê Quý Đôn cũng có lần nói: “Xem đó, ta đủ thấy cổ nhân làm đồ chơi nhỏ mọn như thế cũng có ý nghĩa lắm”.

Cánh diều tuổi thơ. Ảnh: DUY KHÔI

Thả diều, chọi diều không chỉ là một trò múa rối trên không, mà còn là thú chơi trí tuệ, vừa mỹ thuật, vừa nghệ thuật, nên đã sớm trở thành một dạng sinh hoạt văn hóa phát triển rộng và có sự giao lưu tại nhiều nước trên thế giới. Thú thả diều chẳng những để giải trí mà còn biểu hiện cho đặc điểm sinh hoạt văn hóa - thể thao hết sức sinh động, hấp dẫn và vận động trường là cả bầu trời mênh mông vô tận.

Là một trong những sinh hoạt văn hóa dân gian được ưa chuộng tại Việt Nam từ thuở xa xưa, để chơi diều được sôi nổi, hào hứng, nhiều nơi tổ chức cuộc thi chọi diều truyền thống, có thể lệ, giải thưởng và tất nhiên cũng có giám khảo như nhiều cuộc thi khác. Ðiểm khác biệt là trò chơi dân gian chọi diều không nguy hiểm, cũng không thấy có xảy ra chuyện cãi cọ, “ăn gian” nên không cần thiết phải có trọng tài.

Ở nhiều cuộc chọi diều trong dân gian, do diều dự thi đại diện màu cờ sắc áo của địa phương nên ngoài thành phần khán giả yêu thích môn này, lực lượng cổ động viên cũng có mặt đông đủ tại địa điểm tổ chức. Trước giờ giao đấu, từng cặp diều được thả bay sóng đôi, đồng thời tên những người điều khiển cũng được yết bảng để khán giả tiện theo dõi. Tuy điều lệ không bắt buộc “hạng cân”, nhưng để phô trương, “hớp hồn” đối phương và “vận động viên” diều có “thể lực” sẽ giành nhiều ưu thế trong thi đấu; nên bên cạnh chăm chút trang trí mỹ thuật để làm rạng rỡ địa phương, người ta còn phải chú trọng làm cho diều to, lanh lẹ và nhất là phải kiên cố.

Diều chọi khác hơn diều thả chơi là phải tung hoành chao lượn, càng lăng xăng càng hay, càng nghinh ngang càng tốt. Do đó, để “đi mây về gió”, người ta gắn cho mấy cái đuôi theo bí quyết riêng, cốt làm sao cho “cân bằng đường bay” mỗi khi cần vọt thẳng lên, hay chém vè hoặc đâm bổ xuống (miễn đừng xuống đất luôn).

Khi nắng vừa bớt gắt, lúc người ta có thể ngửa mặt lên theo dõi cuộc chơi mà không bị chói mắt, thì Ban tổ chức cho đánh “trống tựu” một hồi ba dùi để mọi người chuẩn bị, khởi động. Khoảng 15 phút sau, sáu tiếng trống lệnh nổi lên, hai người điều khiển bắt đầu nhổ cọc, phăng bớt dây cho diều hạ thấp xuống. Lúc này con nào cũng đảo lượn khá ngoạn mục. Con này bất thần xẹt qua đâm thủng con kia, rồi tùy thế mà ứng biến, hoặc thả dây cho bay bổng lên, hoặc miết dây để ngoáy vết thương của diều đối phương, hoặc thừa thế kè luôn xuống… Ðây là miếng hiểm nhất, bởi phải kè thế nào cho diều của mình không rơi xuống đất trước, vì tuy được điểm (tính theo vết rách con kia) nhưng nếu để diều rơi trước là kể thua. Vì vậy ít ai mạo hiểm thi triển kỹ thuật này, nhất là kết thúc trận đấu quá sớm sẽ bị phản ứng từ phía người xem.

Tuy xem chọi diều giữa trời cao lồng lộng, nhưng khán giả cũng phải cùng lúc xem cung cách của những người điều khiển trên sân. Các điệu bộ chạy, nhảy, phăng dây, xả dây… đều rất nghệ thuật, hấp dẫn và hào hứng. Diều chọi cũng có đòn hư, đòn thật, cho nên ngoài tinh ý, thông minh, người điều khiển cũng cần già dặn kinh nghiệm để tránh đòn, hoặc tấn công đúng lúc, ngoạn mục y như đấu võ đài. Cái hay là trò chơi mang tính chiến đấu ác liệt này là không hề có… tổn thương thật.

*   *   *

Gần Tết gió bấc thổi phần phật, chính là lúc đó đây trên trời cao bắt đầu chấp chới những cánh diều. Nhìn những cánh diều ung dung ẩn hiện trên trời mây, ai ai cũng cảm thấy tâm hồn mình lâng lâng bay bổng.

Còn nhớ vào những năm 60 thế kỷ trước, ở thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang ngày nay, hãy còn nhiều bãi đất trống, phong trào chơi diều rất thịnh hành, nhộn nhịp nhất là ở bãi cát cặp mé sông và bãi cỏ trước đình làng. Thời ấy muốn chơi diều, phải tự làm lấy vì không ai làm sẵn để bán. Nguyên vật liệu không gì khác hơn là uốn nan tre/trúc làm sườn, dán giấy lên. Trẻ con chơi diều nhỏ, tận dụng giấy nhựt trình; người lớn làm “diều chiến”, bay “tận mây xanh” gió rất mạnh nên phải dùng loại giấy dai, hay còn gọi giấy dầu mới không bị rách.

Ðầu Xuân, “phố diều” đường Mai Chí Thọ, quận Cái Răng lại nhộn nhịp. Ảnh: DUY KHÔI

Trong số những người lớn ấy, tôi còn nhớ rất rõ có ông Năm Thuẫn, ở mé sông đường số 4, ấp Trung 2, là chơi trội hơn hết và tất nhiên đối với bọn trẻ chúng tôi là vô cùng ấn tượng. Con diều của ông to bằng chiếc đệm, hoặc hơn, đặc biệt là không có hai sợi đuôi như bao con diều khác. Mặc dù được ông dạy, đây không phải con diều mà là “con thửng” (hay thuẫn), nhưng bọn nhỏ chúng tôi không ai dám gọi như vậy, vì Thuẫn là tên ông, sợ hỗn, nên thường nói tránh là con duẫn.

Nhìn con diều của ông Năm như chim én bay lượn giữa bầu trời xuân thật dễ thương, nhưng phải đâu chỉ có thế. Ông Năm còn có sáng kiến làm thêm chiếc máy bay nho nhỏ, rồi gắn kết cho nó “lướt gió” theo “đường bay” chỉ định là sợi dây diều. Máy bay bay cao vút lên “tận mây”, cho đến khi đụng mối dây lèo gần sát diều thì “tự động” rải giấy “Chúc mừng năm mới” xuống, tủa ra đầy trời, trông rất đẹp mắt. Ông mua giấy nhựt trình trắng, rọc ra hàng trăm tờ cỡ bao thuốc lá rồi biểu tôi viết 4 chữ ấy trên từng tờ. Mãi mươi, mười lăm phút sau mới thấy giấy xuống tới đọt cây, lượn qua lượn lại như vui đùa giỡn hớt. Người ta tranh nhau đón lấy, đem về treo lên cành mai, xem như ẵm gọn ba ông “Phước, Lộc, Thọ” vào nhà. Niềm vui từ thú chơi diều mà ông Năm tạo ra cho làng xóm vào dịp năm mới thật thú vị. Sáng kiến độc đáo của ông nhanh chóng lan ra mấy xã lân cận. Từ ấy, cứ vào dịp cuối năm, khi mà nhà nhà chuẩn bị đón Xuân sang thì làng trên xóm dưới thấy có xuất hiện “máy bay rải giấy”, trông rất vui mắt. Nhưng thật đáng tiếc, điều này chỉ diễn ra vài mùa thì biến mất. Hỏi ra mới biết do lúc ấy chiến sự đang khá ác liệt, người chơi sợ bị chính quyền thời đó chụp mũ là rải truyền đơn của cách mạng.

Thế là ông Năm quay sang chơi diều sáo, bằng cách gắn một loại “ống sáo” đặc biệt trên diều/thuẫn. Gió thổi, phát ra âm thanh vi vu, gọi sáo diều. Cả một vùng được nghe tiếng nhạc xuân từ trời cao với những âm thanh vô cùng trong trẻo, thiện lành.

Tùy bút: Hồng Hiệp

Chia sẻ bài viết