28/11/2008 - 09:49

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Tập trung mọi nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế

* Doanh nghiệp nhà nước phải đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu

* Hai Tổng Công ty lương thực làm đầu mối thu mua hết lúa cho nông dân ĐBSCL

Ngày 27-11, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thường trực Chính phủ đã họp bàn các giải pháp khắc phục suy giảm, phục hồi đà tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Tại cuộc họp, các thành viên Chính phủ đều cho rằng, tình hình kinh tế thế giới đang trên đà suy giảm nghiêm trọng, nhất là các quốc gia lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản... đang triển khai các gói giải pháp mà chủ yếu là đưa các nguồn tiền để cứu nền kinh tế. Đối với nước ta dấu hiệu suy giảm đã rõ, tác động trực tiếp đến sản xuất kinh doanh, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đầu tư và việc làm của người lao động. Các thành viên Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa suy giảm và coi đây là mục tiêu hàng đầu cho năm 2009.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, kinh tế thế giới suy giảm, trong đó một số chuyển sang suy thoái đã tác động tiêu cực, gây khó khăn cho kinh tế nước ta như: giá trị sản xuất công nghiệp giảm, xuất khẩu 3 tháng giảm liên tục, dịch vụ (du lịch, vận tải, xây dựng tổng mức luân chuyển hàng hóa, nông nghiệp.. giảm rõ rệt), thu ngân sách giảm… chiều hướng hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế tiếp tục suy giảm, ảnh hưởng lớn đến thu nhập và đời sống của người dân. Tình hình này đặt ra cho Chính phủ là phải tập trung mọi nỗ lực để ngăn chặn suy giảm kinh tế, ngăn chặn đình trệ của sản xuất kinh doanh có như vậy mới duy trì được tăng trưởng, Thủ tướng nhấn mạnh. Đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Chính phủ trong tháng 12 và cả năm 2009.

Để ngăn chặn suy giảm kinh tế, Thủ tướng đã nêu bật 5 nhóm giải pháp đó là: Các giải pháp thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu (vốn, thị trường, tỷ giá, thuế, cơ cấu...), kích cầu đầu tư và tiêu dùng (đầu tư nhà nước và doanh nghiệp), thực hiện các chính sách tài chính và tiền tệ (tỷ suất, lãi , cơ cấu lại nợ, các chính sách thuế), các chính sách an sinh xã hội (bảo hiểm thất nghiệp, triển khai hỗ trợ 61 huyện nghèo và các vùng bị thiên tai...), tổ chức điều hành và can thiêp của nhà nước (dự báo nắm chắc tình hình, các thủ tục (đầu tư XDCB, nhất là đất đai, hoàn thuế). Trên tinh thần này, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước xây dựng phương án trình Chính phủ quyết định về miễn, giảm và giãn thuế cho doanh nghiệp, tiếp tục giảm lãi suất, điều hành tỷ giá, dự trữ và quỹ hỗ trợ…Tập trung kích cầu đầu tư nhà nước vào các công trình quan trọng và đầu tư nhà ở cho người nghèo, đồng thời hoàn thiện các văn bản pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và thu hút nhiều lao động. Doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các Tập đoàn và Tổng Công ty ( chiếm 40% GDP) phải đẩy mạnh sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu, Thủ tướng yêu cầu. Riêng đối với việc thu mua lúa gạo cho nông dân, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước tính toán cụ thể theo phương án không tính lãi suất mua mới trong 3 tháng và giao cho 2 Tổng Công ty lương thực miền Bắc và Nam làm đầu mối thu mua hết lúa cho nông dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (theo báo cáo hiện lượng lúa còn tồn trong dân khoảng 1 triệu tấn). Thủ tướng giao cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện bảo lãnh cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thủ tướng lưu ý lãnh đạo các Bộ cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, không đưa một chiều, sai sự thật gây thiệt hại cho nhân dân và đất nước.

THIỆN THUẬT (TTXVN)

Chia sẻ bài viết