15/08/2023 - 20:59

Tạo sự đồng thuận, đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả

(TTXVN) - Hội nghị phổ biến các văn bản mới nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững đã diễn ra sáng 15-8 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tới 61 điểm cầu.

Tại hội nghị, Ban tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung các văn bản mới của ngành du lịch tới cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch hoặc có liên quan.

Ðó là các văn bản: Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Nghị quyết này nêu 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai theo quan điểm “tất cả các chủ thể có liên quan phải đề cao trách nhiệm, chung tay tháo gỡ khó khăn”.

Quyết định số 440/QÐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) phê duyệt Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 nhằm quảng bá, định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực Ðông Nam Á, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Quyết định số 1894/QÐ-BVHTTDL của Bộ VHTT&DL về Ðề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm nhằm phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm để phát triển sản phẩm du lịch đêm ở Việt Nam đa dạng, đặc sắc, bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao; tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Ðoàn Văn Việt nêu rõ: Trong 7 tháng qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6,6 triệu lượt. Khách nội địa vẫn đang trên đà phát triển mạnh mẽ, ước đạt khoảng 76,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 416.600 tỉ đồng. Việt Nam được đánh giá là 1 trong những quốc gia có mức độ cải thiện chỉ số xếp hạng cao nhất thế giới... Hội nghị lần này cũng góp phần nâng cao vai trò, đề cao trách nhiệm của toàn ngành trong việc triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn; tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của toàn ngành du lịch, các ngành liên quan, địa phương, doanh  nghiệp và nhân dân.

Thứ trưởng Ðoàn Văn Việt đề cập đến việc tăng tốc, quyết liệt hành động nhằm tạo ra đột phá trong phát triển du lịch, trong đó có kịp thời nắm bắt cơ hội do chính sách visa thông thoáng hơn làm đòn bẩy giúp ngành du lịch phát triển vượt bậc, tăng nhanh lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Cùng với đó, ngành phát huy tính năng động, sáng tạo và vai trò động lực của doanh nghiệp trong phục hồi, phát triển du lịch...

Hội nghị đã ghi nhận 11 ý kiến đóng góp, thảo luận của các địa phương trọng điểm du lịch như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Lâm Ðồng, Ninh Bình, Kiên Giang... Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, Bộ VHTT&DL, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cần tiếp tục thực hiện vai trò “nhạc tưởng” trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Bởi lẽ, việc này cần sự thống nhất để đạt hiệu quả cao nhất trong việc thu hút khách từ các thị trường quốc tế đến Việt Nam...

Từ nay đến cuối năm, Bộ VHTT&DL sẽ trình Chính phủ Quy hoạch hệ thống phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bộ phê duyệt một số đề án như Phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; nghiên cứu, xây dựng Ðề án thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, trước mắt tại một số thị trường du lịch trọng điểm.

THANH GIANG

 

Chia sẻ bài viết