13/08/2018 - 21:26

Tạo lập niềm tin, khẳng định chất lượng sản phẩm 

Sử dụng sản phẩm nông sản sạch, an toàn và có thương hiệu đã và đang trở thành xu thế. Chính vì vậy, TP Cần Thơ đã thực hiện bảo hộ hàng ngàn nhãn hiệu nông sản của thành phố. Hoạt động này được đánh giá thiết thực, mang lại hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, để thương hiệu nông sản TP Cần Thơ phát triển bền vững và vươn xa, cần đề ra nhiều giải pháp, cải thiện chất lượng nông sản, từ đó gây dựng niềm tin với người tiêu dùng.  

Nhiều lợi ích nhưng…

Tính đến tháng 5-2018, TP Cần Thơ đã thực hiện bảo hộ cho 3.331 nhãn hiệu. Trong đó, có 21 sáng chế/giải pháp hữu ích, 195 kiểu dáng công nghiệp, 3.115 nhãn hiệu. Một số sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu tiêu biểu của thành phố như: Dâu Hạ Châu Phong Điền, Làng nghề Hoa kiểng Phó Thọ- Bà Bộ, Hợp tác xã Giống nông nghiệp Thốt Nốt, Gạo thơm Đồng Vạn, Gạo Cần Thơ, Gạo Miss Can Tho, Hợp tác xã Rau an toàn Long Tuyền... Bà Trần Thị Thanh Điệp, Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cho biết: Việc bảo hộ nhãn hiệu nông sản mang đến lợi ích cho cả người sản xuất, người tiêu dùng lẫn cộng đồng. Trong đó, người sản xuất có lợi thế cạnh tranh trên thị trường; giúp duy trì lượng khách hàng truyền thống, thu hút khách hàng tiềm năng; chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh… Về phía người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thực, chất lượng bảo đảm; được chỉ dẫn bởi các dấu hiệu đã được bảo hộ…

Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên quảng bá sản phẩm trái cây sạch mang thương hiệu Đại Thuận Thiên. Ảnh: MỸ THANH
Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên quảng bá sản phẩm trái cây sạch mang thương hiệu Đại Thuận Thiên. Ảnh: MỸ THANH

Mặc dù mang lại nhiều lợi ích nhưng vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản TP Cần Thơ vẫn tồn tại nhiều bất cập. Ông Triệu Công Đỉnh, Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Long Tuyền, quận Bình Thủy, cho biết: “Đầu năm 2017, tất cả diện tích canh tác (10,2ha) của hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP và đăng ký nhãn hiệu Rau an toàn Long Tuyền. Sau khi có nhãn hiệu, sản phẩm rau an toàn của chúng tôi tạo được lòng tin đối với người tiêu dùng và giá bán sản phẩm cao hơn. Tuy nhiên, các thành viên trong Hợp tác xã sản xuất với diện tích nhỏ lẻ, số lượng không nhiều và không thể cung ứng sản phẩm liên tục nên chưa đáp ứng được yêu cầu từ các đơn vị thu mua”. Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng, giá bán sản phẩm nông sản an toàn, có thương hiệu hiện nay không ổn định; chính sách hỗ trợ từ Nhà nước chưa được phát huy; liên kết “4 nhà” lỏng lẻo... ảnh hưởng đến việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản của thành phố. 

Thực tế sản xuất cho thấy, nhiều nông dân hiện nay chưa hiểu được tầm quan trọng của việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và phát triển thương hiệu các mặt hàng nông sản. Trong khi đó, nông dân sản xuất nông sản sạch gặp khó trong khâu tiêu thụ do giá thành nông sản cao. Đó là chưa kể tâm lý người tiêu dùng chưa hoàn toàn tin tưởng đối với hàng nông sản an toàn, chưa chấp nhận các sản phẩm có nhãn hiệu hàng hóa... Ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên, chia sẻ: “Khó khăn nhất trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản hiện nay là thay đổi tập quán canh tác của người nông dân và làm thế nào để tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. “Nông dân cứ quen trồng một loại rau nhưng thị trường lại cần đa dạng chủng loại. Sản phẩm nông sản làm ra phụ thuộc vào thời tiết rất lớn. Thậm chí mỗi mùa sẽ cho ra sản phẩm chất lượng khác nhau. Mặt khác, với tình trạng sản xuất nhỏ lẻ thì làm sao có được sản phẩm đồng nhất, chất lượng ổn định được. Lúc đó người tiêu dùng lại không tin và nghi ngờ chất lượng sản phẩm”.  

Nỗ lực

Có thể thấy, TP Cần Thơ có lợi thế đất đai, khí hậu phù hợp cho phát triển đa dạng các loại nông sản có chất lượng cao và được người tiêu dùng chấp nhận. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, tình trạng  “được mùa, mất giá”, nông dân sản xuất ra sản phẩm nông sản nhưng không có quyền định giá bán... thường xuyên xảy ra. Điều này là do hầu hết nông dân bán nông sản dưới hình thức sản phẩm thô, không có đặc điểm nhận dạng sản phẩm. Để khắc phục tình trạng này, bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ, cho biết: “Hội Nông dân thành phố sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động giúp hội viên, nông dân hiểu rõ hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của nhãn hiệu hàng hóa nông sản trong tình hình hiện nay. Đồng thời, tích cực quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng về chất lượng nông sản có nhãn hiệu hàng hóa để tạo lòng tin đối với khách hàng và phát triển thương hiệu nông sản thành phố trong tương lai”. 

Thương hiệu Gạo Miss Can Tho của Công ty cổ phần Gentraco. Ảnh: MỸ THANH
Thương hiệu Gạo Miss Can Tho của Công ty cổ phần Gentraco. Ảnh: MỸ THANH

TP Cần Thơ ở vị trí trung tâm của vùng ĐBSCL mức độ hội tụ hàng hóa, hoạt động giao thương diễn ra nhộn nhịp. Cũng từ đây, vấn đề khẳng định chất lượng sản phẩm và định vị thương hiệu nông sản để tạo thế cạnh tranh là hết sức bức thiết. Thành phố nên giao cho đơn vị tư nhận uy tín, tâm huyết trong từng mảng (trái cây, rau màu, gạo...) giữ vai trò trọng tâm để tạo liên kết theo chuỗi giá trị, từ đó làm nền tảng xây dựng thương hiệu nông sản.  Ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên, khẳng định: “Đại Thuận Thiên luôn xác định xây dựng lòng tin khách hàng là yếu tố sống còn. Và để có được niềm tin này, ngoài việc tạo ra sản phẩm đa dạng, khác biệt; chiến lược giá, thị trường, kênh phân phối, Đại Thuận Thiên đặc biệt quan tâm xây dựng thương hiệu cho cá nhân, cho từng dòng sản phẩm. Bên cạnh đó, vấn đề quảng bá thương hiệu cũng phải thực hiện chính xác, trung thực”.

Ông Triệu Công Đỉnh, Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Long Tuyền, quận Bình Thủy, kiến nghị: “UBND thành phố cần chỉ đạo các sở, ngành có liên quan tổ chức Phiên chợ Nông sản an toàn. Nơi đây chỉ dành riêng cho các sản phẩm nông sản có nhãn hiệu hàng hóa, được chứng nhận an toàn và thực hiện theo quy trình VietGAP. Đồng thời, tăng cường công tác thanh, kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm để tạo sự công bằng cũng như mở đường tiêu thụ cho các loại nông sản sạch, an toàn, có thương hiệu”. Ngoài ra, chính sách xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản của thành phố cần gắn liền với chính sách hỗ trợ quảng bá sản phẩm thông qua các lớp tập huấn, hội thảo về “xây dựng, phát triển và giữ vững thương hiệu”, “một số giải pháp về quảng bá thương hiệu nông sản”... Về phía doanh nghiệp, nông dân, phải nâng cao nhận thức và trách nhiệm về việc phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông sản của thành phố, bởi đây là xu thế tất yếu trong bối cảnh nông sản Việt hội nhập kinh tế quốc tế.

MỸ THANH

Chia sẻ bài viết