Tại hội thảo khoa học “CNH, HĐH trên nền tảng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) - Những vấn đề lý luận và thực tiễn ở ĐBSCL” mới đây, các chuyên gia nhận định, KH,CN&ĐMST giữ vai trò là động lực, nền tảng quan trọng thúc đẩy tiến trình CNH, HĐH. Đối với ĐBSCL, việc áp dụng mô hình CNH, HĐH dựa trên KH,CN&ĐMST không chỉ cần thiết mà còn đặc biệt quan trọng trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu và yêu cầu phát triển hài hòa bài toán kinh tế - xã hội - môi trường.
Bám sát mục tiêu
Theo TS Lê Xuân Tạo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV, tiếp nối thành quả đạt được trong giai đoạn trước, Ðại hội XIII của Ðảng đề ra chủ trương “Tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH trên nền tảng của tiến bộ KH,CN&ĐMST”. Cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII, ngày 11-5-2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17-11-2022 tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng xác định: hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phát triển KH,CN&ĐMST phù hợp với thực tế Việt Nam và thông lệ quốc tế; đẩy nhanh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng KH,CN&ĐMST… Như vậy, có thể thấy Đảng và Nhà nước ta xác định quá trình CNH, HĐH sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trên nền tảng KH,CN&ĐMST.

Dây chuyền sản xuất hiện đại được ứng dụng tại Nhà máy Sữa Cần Thơ thuộc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk).
Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, quá trình CNH, HĐH vùng ĐBSCL đạt được nhiều thành tựu quan trọng; KH,CN&ĐMST từng bước có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP của ĐBSCL đạt 6,37%, đứng thứ 2/6 vùng kinh tế; cơ cấu kinh tế vùng tiếp tục chuyển dịch tích cực; môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Toàn vùng có 8/13 địa phương nằm trong nhóm 30 địa phương có Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tốt nhất. Hoạt động khoa học công nghệ ở vùng ĐBSCL đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi...
Bên cạnh thành tựu đạt được, quá trình CNH, HĐH dựa trên nền tảng KH,CN&ĐMST ở vùng ĐBSCL còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế. KH,CN&ĐMST chưa thực sự tạo nền tảng tốt trong thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế vùng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm; tỷ trọng nông nghiệp còn cao. Nguồn lực đầu tư dành cho KH,CN&ĐMST từ ngân sách nhà nước mặc dù đã được quan tâm, song vẫn còn thấp so với yêu cầu thực tế… Ông Nguyễn Thành Duy, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Theo quy định của Chính phủ, hằng năm mức chi cho hoạt động khoa học công nghệ là 2% tổng chi ngân sách. Tuy nhiên trên thực tế tại nhiều địa phương trong năm qua, chi cho khoa học, công nghệ chỉ trên dưới 1% và tại tỉnh Sóc Trăng chỉ ở mức 0,12% tổng chi ngân sách. Bên cạnh đó, trình độ, chất lượng lao động chưa đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trên nền tảng KH,CN&ĐMST; liên kết giữa viện, trường và doanh nghiệp chưa có sự gắn kết nên các đề tài nghiên cứu khoa học, công nghệ khó ứng dụng vào thực tế…
Tăng liên kết, đầu tư thỏa đáng
Từ thực tiễn CNH, HĐH của nhiều quốc gia trên thế giới hầu hết đều tiến hành trên nền tảng KH,CN&ĐMST và mang lại thành công rực rỡ. Đây cũng chính là kinh nghiệm quý giá cho Việt Nam, đặc biệt là ĐBSCL trong sự phát triển đi lên thông qua quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH. Nhiều ý kiến cho rằng, chính quyền địa phương phải chú trọng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chiến lược, chính sách KH,CN&ĐMST phù hợp và dựa trên yêu cầu của thị trường. Đồng thời, xây dựng các sàn giao dịch công nghệ để đẩy mạnh giao dịch, phát triển và hình thành các tổ chức trung gian để kết nối cung - cầu KH,CN&ĐMST giữa các viện, trường với các doanh nghiệp. Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ, trên cơ sở xây dựng chiến lược, nội dung, kế hoạch hợp tác phù hợp. Thí điểm xây dựng một số viện nghiên cứu khoa học và công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài tại ĐBSCL, đồng thời hình thành một số trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ trên cơ sở hợp tác dài hạn giữa các tổ chức nghiên cứu khoa học của ĐBSCL và các nước có nền khoa học tiên tiến.
Theo Ths Nguyễn Thị Thanh Thư, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Phạm Hùng, để thúc đẩy CNH, HĐH trên nền tảng KH,CN&ĐMST, mỗi địa phương cần chú trọng đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, liên kết với các điểm mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ trẻ tài năng có thể phát triển năng lực của bản thân và góp phần tích cực hơn cho tổ chức hoặc doanh nghiệp của họ. Ngoài ra, cần xây dựng các cơ chế khuyến khích và ưu đãi đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước và các tập đoàn đa quốc gia, để thúc đẩy sự tham gia của nhân viên vào hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. ĐBSCL cần tiếp tục thực hiện mở rộng hợp tác, tích cực thu hút các đối tác quốc tế có uy tín để hỗ trợ nhiều doanh nghiệp ở ĐBSCL tiếp cận nguồn lực đổi mới sáng tạo, nhất là nâng cao năng lực nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế số và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ông Nguyễn Thành Duy, nhấn mạnh: “Từ khóa cho tiến trình CNH, HĐH trên nền tảng KH,CN&ĐMST tại ĐBSCL là “liên kết”. Mỗi địa phương trong vùng có đặc thù riêng nhưng xét về thổ nhưỡng, tiềm lực, con người vẫn có nét tương đồng, đều là “người miền Tây”. Vì vậy, thay vì mỗi địa phương đều có các đề tài nghiên cứu na ná giống nhau thì chúng ta nên có đề tài nghiên cứu chung tầm khu vực như xâm nhập mặn, nước ngầm, biến đổi khí hậu, giảm phát thải… Đây là những vấn đề cả đồng bằng quan tâm, để tránh tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lắp lãng phí nguồn lực”. Mặt khác, theo ông Nguyễn Thành Duy, Cần Thơ cũng cần phát huy vai trò động lực của mình trong tiến trình CNH, HĐH của vùng. Chẳng hạn, TP Cần Thơ có thể hình thành trung tâm liên kết sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và kết nối với các tỉnh trong vùng để làm vệ tinh cung cấp nguồn nguyên liệu sạch, hữu cơ hoặc có thể làm đầu tàu trong việc hình thành lực lượng doanh nghiệp khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…
Bài, ảnh: MỸ THANH