07/08/2018 - 20:31

Đầu tư công nghệ cho nông nghiệp

Tăng giá trị, khả năng cạnh tranh sản phẩm 

Trong những năm qua, việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất, kinh doanh là một trong những nguyên nhân then chốt đóng góp vào những thành tựu của ngành nông nghiệp ĐBSCL. Bên cạnh các chương trình, dự án phát triển KH&CN do Trung ương và địa phương triển khai, đã có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư và ứng dụng KH&CN vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực của vùng. Và trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở ĐBSCL, không thể thiếu sự tham gia nghiên cứu, đầu tư về KH&CN của các doanh nghiệp.

Đưa KH&CN vào sản xuất

Theo Vụ Phát triển KH&CN địa phương, trong giai đoạn 2016 - 2018, Bộ KH&CN đã hỗ trợ các địa phương trong vùng triển khai 91 nhiệm vụ KH&CN với tổng kinh phí hơn 1.177,6 tỉ đồng, trong đó kinh phí từ ngân sách sự nghiệp KH&CN Trung ương hỗ trợ: 600,699 tỉ đồng, kinh phí địa phương đối ứng (doanh nghiệp, ngân sách sự nghiệp KH&CN địa phương) 576,905 tỉ đồng. Cũng trong giai đoạn này, các địa phương trong vùng đã triển khai 631 đề tài, dự án KH&CN. Các đề tài, dự án được xây dựng và triển khai thực hiện đã bám sát các Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh/thành phố, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, tạo ra nhiều kết quả có khả năng ứng dụng và nhân rộng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương. Các nhiệm vụ KH&CN phần lớn đều tập trung vào thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực của quốc gia, vùng và của địa phương theo chuỗi giá trị, như: chuỗi giá trị cá tra, chuỗi giá trị tôm, chuỗi giá trị cây dừa, chuỗi giá trị cây ăn trái…

Dầu ăn Ranee, sản phẩm giá trị gia tăng của Tập đoàn Sao Mai được trưng bày, giới thiệu bên lề Hội nghị KH&CN vùng ĐBSCL tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh: MINH HUYỀN
Dầu ăn Ranee, sản phẩm giá trị gia tăng của Tập đoàn Sao Mai được trưng bày, giới thiệu bên lề Hội nghị KH&CN vùng ĐBSCL tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh: MINH HUYỀN

Bên cạnh các nhiệm vụ KH&CN do Trung ương và địa phương triển khai, các doanh nghiệp ở ĐBSCL cũng ngày một năng động trong đầu tư đổi mới công nghệ, tạo ra giá trị gia tăng cho chuỗi giá trị nông sản của vùng. Ông Phan Quốc Nam, Giám đốc Công ty TNHH Long Uyên, cho biết: Sản phẩm của Công ty là các loại trái cây, củ quả đông lạnh chế biến với hơn 40 loại mặt hàng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chất lượng cao, trong đó các sản phẩm từ xoài cát chu, thanh long, chôm chôm, khóm, chuối, dừa, chanh dây… là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực đang cung cấp cho các kênh phân phối, chuỗi siêu thị lớn tại các quốc gia. Thị trường xuất khẩu của công ty gồm các nước Mỹ, Canada, Úc, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc và các nước ASEAN.

Có thể nói, việc ứng dụng các tiến bộ KH&CN ở ĐBSCL đã tác động rất mạnh mẽ, lan tỏa trong sản xuất, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Việt-Úc, Tập đoàn Sao Mai, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Lương Quới, Công ty Tôm King, Tổng Công ty Việt Nam Food… cùng tham gia trong các chuỗi giá trị của các sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Đầu tư theo chiều sâu

Theo các chuyên gia, hàng nông sản Việt Nam còn nhiều tồn tại và phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Phần lớn lượng hàng nông sản Việt Nam xuất ra thị trường thế giới phải thông qua trung gian bằng các “thương hiệu” nước ngoài, sản phẩm hầu hết được xuất thô, ít hàm lượng giá trị gia tăng. Bên cạnh đó là rào cản chống bán phá giá, môi trường, rào cản kỹ thuật tại “sân chơi” hội nhập mà hàng hóa nước ta phải đối mặt, mà thường gặp là rào cản kiểm soát dịch hại, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

 Ông Phan Quốc Nam, Giám đốc Công ty TNHH Long Uyên, cho rằng: Khoa học, công nghệ có ý nghĩa then chốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong sản xuất chế biến nông sản sau thu hoạch, nông sản thực phẩm chế biến xuất khẩu. Theo đó, không thể tiếp tục hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hình thức nhỏ lẻ, manh mún và dựa vào thâm dụng lao động phổ thông trong sản xuất, chế biến. Bộ KH&CN cần tiếp tục đẩy mạnh chương trình hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ thiết thực, kịp thời cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới thông qua các hình thức tài trợ kinh phí, hỗ trợ vốn vay ưu đãi dài hạn để đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ. Cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang xuất khẩu ổn định và phát triển tốt tại các thị trường mục tiêu tiếp tục hoàn thiện công nghệ sản xuất, cải thiện sản lượng và chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch, đầu tư công nghệ phát triển sản phẩm mới giá trị gia tăng đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của thị trường và tăng năng lực cạnh tranh hàng hóa.

Cá tra là 1 trong 5 sản phẩm chủ lực quốc gia và đã được xuất khẩu đi hơn 150 quốc gia, đóng góp bình quân từ 1,5-1,8 tỉ USD mỗi năm vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Theo ông Trương Vĩnh Thành, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai, trong 10 năm tham gia vào chuỗi giá trị cá tra, Tập đoàn xác định chiến lược giai đoạn đầu là phát triển theo chiều rộng để khép kín chuỗi sản xuất, tham gia làm chủ tất cả các khâu nhằm kiểm soát, đảm bảo chất lượng đến giá thành sản phẩm, xác lập lợi thế cạnh tranh từ đó tạo tiền đề vững chắc để phát triển lâu dài. Định hướng trong giai đoạn tiếp theo là Sao Mai sẽ đầu tư nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ sâu rộng hơn trong việc khai thác tối đa các giá trị thiên phú mà tự nhiên đã ban tặng cho con cá tra của ĐBSCL, góp phần giải bài toán nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, trở thành một trong những doanh nghiệp tiên phong trong thực thi chương trình tái cơ cấu nông nghiệp của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, khẳng định: Việc thúc đẩy nâng cao nhận thức tiếp cận các tiến bộ KH&CN ở ĐBSCL là đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tái cơ cấu nông nghiệp và hội nhập. Bộ KH&CN được giao làm đầu mối hỗ trợ các địa phương tiếp cận công nghệ 4.0 và về thực chất việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất ở ĐBSCL không chỉ thực hiện theo phong trào mà phải đi vào thực chất, phải phát huy được tính khả thi. Để hình thành chuỗi liên kết sản xuất các sản phẩm chủ lực của vùng, vai trò của các doanh nghiệp đầu đàn là rất quan trọng. Bộ KH&CN cùng các bộ ngành liên quan có trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận, đầu tư tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ trong vấn đề sở hữu trí tuệ, xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm… Đồng thời, chuỗi giá trị của các sản phẩm chủ lực ở ĐBSCL cũng cần được định vị lại, gắn với định hướng quy hoạch vùng nguyên liệu, hình thành các mô hình tổ chức sản xuất để triển khai ứng dụng khoa học công nghệ đồng bộ.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết