14/03/2008 - 10:02

Tăng giá, cán bộ đoàn thể “thắt lưng buộc bụng”

Thời gian qua, lực lượng cán bộ đoàn thể từ quận, huyện đến xã, phường, thị trấn đã tích cực tham gia nhiều hoạt động, phong trào, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, với mức lương trợ cấp hiện nay, đời sống cán bộ đoàn thể đang gặp nhiều khó khăn trước tình hình giá cả thị trường tăng cao. Dù vậy, họ vẫn không xao lãng công tác, tự lập kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” tiết kiệm tối đa chi tiêu để cuộc sống gia đình không xáo trộn và an tâm công tác...

* Tìm cách xoay xở!

Chúng tôi tới nhà đúng lúc chị Nguyễn Thị Mới, Chi hội trưởng phụ nữ ấp Phú Thọ, xã Trường Xuân, huyện Cờ Đỏ vừa tan buổi chợ. Quệt mồ hôi lấm tấm trên trán, chị nói: Sau Tết đến nay, mặt hàng nào cũng lên giá gấp đôi. Chị Mới từng làm nhiều nghề: nữ hộ sinh, bán quán cà phê để kiếm sống. Sau khi lập gia đình, có 2 con nhỏ, chị mua miếng đất nhỏ cất nhà gần chợ Trường Xuân để tiện việc buôn bán và tham gia công tác Hội Phụ nữ, với mức trợ cấp 100.000 đồng/tháng. Mấy năm nay, mỗi ngày, vợ chồng chị Mới phải thức từ 2 giờ sáng làm bánh lọt nước dừa và nấu sữa đậu nành vô bịch sẵn mang ra chợ bán, lời được trên 50.000 đồng. Năm 2007, chị Mới vay ngân hàng 6 triệu đồng, nuôi 4 con heo. Chị chịu khó đi lấy thức ăn thừa ở các quán ăn, nhà dân trong chợ, tiết kiệm được tiền mua thức ăn cho heo. Mỗi đợt xuất chuồng, trừ chi phí, chị còn lời 4 triệu đồng. Giọng chị Mới âu lo: “Bây giờ, nuôi heo phải tính toán chi ly. Thức ăn gia súc tăng giá vùn vụt, lỗ như chơi!”. Lấy miếng thịt trong giỏ ra, chị nói: “Ráng mua miếng thịt bồi dưỡng 2 đứa nhỏ. Mình quen ăn cực, còn tụi nhỏ cần ăn đủ chất mới mau lớn, khỏe mạnh”.

Nhờ nghề “tay trái” soi ếch, chuột, nhiều năm qua, anh Nguyễn Thành Tích, cán bộ phụ trách công tác Thương binh - Xã hội (TB-XH) xã Trường Xuân A, huyện Cờ Đỏ có thêm thu nhập lo tiền chợ, tiền học cho 3 đứa con. Năm 1991, sau thời gian đi bộ đội, anh Tích xuất ngũ về địa phương, cưới vợ và làm ruộng, giăng câu kiếm sống. Năm 2005, anh tham gia công tác TB-XH ở xã, mức lương 420.000 đồng/tháng. Vợ anh Tích làm nghề thợ may, thu nhập tạm ổn định. Thế nhưng, mấy tháng gần đây, giá các mặt hàng sản xuất, tiêu dùng tăng liên tục, đời sống gia đình anh Tích thật sự gặp khó khăn. Bữa ăn của gia đình anh thường là ếch, chuột, ngán thì xoay qua trứng chiên, trứng luộc, rau luộc... Anh Tích tâm sự: “Ăn uống kham khổ được, nhưng nỗi lo hiện nay là tiền học hành của các con”.

Chị  Nguyễn Thị Mới chế biến bánh lọt nước dừa bỏ mối hằng ngày để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. 

Mấy năm nay, nghề làm bánh bông lan đã giúp gia đình chị Tô Thị Diêm, Chi hội trưởng phụ nữ khu vực Yên Hạ, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng có cuộc sống khá ổn định. Sau khi trừ chi phí, mẹ con chị kiếm được trên 40.000 đồng/ngày. Chị Diêm còn nhận làm bánh cho đám tiệc, giỗ quảy để kiếm thêm tiền phòng khi hữu sự. Mẹ con chị Diêm cố gắng buôn bán để trả dần số nợ vay để chữa trị bệnh cho chồng chị. Hiện nay, giá cả nguyên liệu làm bánh tăng vọt, việc buôn bán càng khó khăn. Con gái chị đi bán cả ngày mới hết mâm bánh, tiền lời vỏn vẹn 20.000 đồng. Trong đó, 5.000 đồng đóng tiền học mẫu giáo cho cháu ngoại, 10.000 đồng tiền ăn cho cả nhà, còn lại 5.000 đồng chi gia vị cho bữa ăn...

Vất vả nhất là cán bộ Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) ở cơ sở. Với mức trợ cấp 100.000 đồng/tháng/người, khó “lên” được kế hoạch chi tiêu. Đa số cán bộ Hội CTĐ đều phải làm thêm đủ nghề để kiếm sống và đeo đuổi công tác. Chị Nguyễn Thị Mỹ Thanh, Chi hội trưởng CTĐ khu vực Thạnh Mỹ, tâm sự: “Để có thêm thu nhập, ai mướn gì tôi cũng làm, nhưng công việc cũng không thường xuyên”. Trước đây, bữa ăn của gia đình chị Thanh thường là cá đồng, rau vườn, lâu lâu mới có được lát thịt, nay phải tính toán giảm nữa. Ông Lê Thanh Phong, Chủ tịch Hội CTĐ phường Thường Thạnh, cho biết: “Hiện tôi đang lo cuộc sống của 4 chi hội trưởng CTĐ khu vực thuộc diện nghèo và cận nghèo. Vật giá cứ leo thang như vậy, chắc chắn sẽ gặp khó khăn”.

* Thắt lưng buộc bụng

Cán bộ đoàn thể đã có thói quen chi tiêu tiết kiệm nên việc “thắt lưng buộc bụng” để cuộc sống không xáo trộn cũng không quá khó khăn. Chị Tô Thị Diêm bộc bạch: “Tôi tự nhủ phải tiết kiệm, chi xài đúng chỗ, ưu tiên dành vốn liếng buôn bán”. Chị Nguyễn Thị Mới tính toán cẩn thận hơn: “Tiền lời hằng ngày ít hơn thì phải tiêu xài căn cơ thôi. Tôi lên kế hoạch rồi, phải siêng đi lấy thức ăn cặn nuôi heo, tận dụng đất trồng các loại rau vừa thêm dinh dưỡng vừa đỡ tốn tiền mua”. Còn anh Tích chuẩn bị kế hoạch tăng thêm thu nhập để ứng phó với “bão giá” là: nuôi thêm cá, heo, trồng rau màu, chăm đi soi ếch, chuột... Anh Tích cho biết: “Không chỉ riêng tôi mà các cán bộ ở xã đều có kế hoạch tiết giảm chi tiêu mới ổn định cuộc sống và tiếp tục công tác. Hầu hết đều có việc làm phụ để tăng thu nhập”.

Không chỉ tự động viên bản thân và gia đình, nỗ lực làm ăn để sống chung với giá, các cán bộ đoàn thể còn động viên các hội viên phải an tâm, không chao đảo, tiếp tục sử dụng hiệu quả vốn vay, nỗ lực tăng gia sản xuất, buôn bán, đảm bảo hoàn trả vốn, lãi đúng kỳ hạn. Trước mắt, các hội viên phải thực hành tiết kiệm, có kế hoạch chi tiêu căn bản. Ông Bùi Hữu Bé, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Thường Thạnh, chia sẻ: “Giá cả tăng vọt mà tiền lương cán bộ đoàn thể không tăng, anh em đều bức xúc. Nhưng để tồn tại, chúng tôi xác định phải triệt để tiết kiệm... để động viên nhau cùng làm việc”.


* Lắng nghe và chia sẻ

Thời gian qua, Hội Phụ nữ huyện Cờ Đỏ đã kết hợp với các ngành, đoàn thể chức năng tổ chức khá nhiều hoạt động giúp chị em tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập. Năm 2007, Hội Phụ nữ huyện Cờ Đỏ phát vay trên 34 tỉ đồng vốn giúp trên 8.000 cán bộ, hội viên có điều kiện làm ăn, mở rộng các mô hình làm ăn hiệu quả; duy trì khá tốt các mô hình giải quyết việc làm tại chỗ, như: đan đát, thảm lục bình, thảm vải, may gia dụng; giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp cho con em cán bộ, hội viên.

Bà Trần Thị Kim Thủy, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Vật giá leo thang đã làm xáo trộn đời sống của nhiều gia đình cán bộ, hội viên, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác”. Thấu hiểu tâm trạng chị em, ngoài việc động viên tinh thần, Hội Phụ nữ kết hợp Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện đang bàn giải pháp tăng vốn vay giúp chị em tạo việc làm, ổn định thu nhập hằng ngày.

Bà Bùi Thị Thu Cúc, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, nói: “Mấy tháng gần đây, giá cả thị trường liên tục biến động, ảnh hưởng đến việc làm ăn, buôn bán của chị em. Đáng lo nhất là thu nhập giảm nhưng giá tiêu dùng tăng cao”. Năm 2007, Hội Phụ nữ phường Thường Thạnh đã phát vay trên 2,9 tỉ đồng, giúp 376 chị phát triển kinh tế, ổn định thu nhập, duy trì tốt các mô hình tạo việc làm tại chỗ. Hội Phụ nữ phường đang lập danh sách cán bộ Hội phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ vốn sản xuất, ổn định kinh tế gia đình. Còn ông Lê Thanh Phong, Chủ tịch Hội CTĐ phường Thường Thạnh, bộc bạch: “Chúng tôi chuẩn bị cất nhà tình thương thứ tư cho cán bộ Hội CTĐ có hoàn cảnh khó khăn trong phường. Hễ có nguồn là chúng tôi hỗ trợ ngay gạo, nhu yếu phẩm cho cán bộ CTĐ các khu vực, nhằm động viên tinh thần làm việc của anh em.

Không chỉ có các cấp Hội Phụ nữ quan tâm đến đời sống cán bộ, hội viên trước biến động giá cả, các đoàn thể khác đã, đang và sẽ nghiên cứu các giải pháp tăng cường các hoạt động vay vốn, dạy nghề, từng bước giúp cán bộ, hội viên phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống, công việc.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết