19/02/2009 - 08:25

Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan tư pháp với Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

*  Sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai để tránh hiện tượng đầu cơ

Ngày 18-2, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị phối hợp công tác giữa Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC), Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC), Bộ Tư pháp, Bộ Công an với Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đánh giá lại hoạt động phối hợp công tác năm 2008 và phương hướng, nhiệm vụ phối hợp công tác trong năm 2009.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Viện trưởng VKSNDTC Trần Quốc Vượng cho rằng, những năm qua, sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp đã có sự tăng cường và đạt nhiều tiến bộ mới. Sự phối hợp giữa VKSNDTC và Bộ Công an, TANDTC đã giúp công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, trong đó có các vụ án trọng điểm, phức tạp, án tham nhũng... được tiến hành đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Những thành công chung trên các lĩnh vực khác như giải quyết đơn thư khiếu tố, khiếu nại, thi hành án... cũng có sự đóng góp không nhỏ từ hoạt động phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tư pháp.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp với VKSNDTC, TANDTC, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; quản lý hoạt động luật sư. Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp tốt với Bộ Công an, VKSNDTC trong công tác giám định tư pháp; phối hợp với Bộ Ngoại giao, VKSNDTC trong các hoạt động tương trợ tư pháp...

Thay mặt lãnh đạo các cơ quan tham dự Hội nghị, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Minh, Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn- Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an đã nhất trí cho rằng, hoạt động phối hợp giữa các cơ quan chức năng nói trên là điều rất cần thiết và có ích cho công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm và chương trình cải cách tư pháp. Các đại biểu tham dự Hội nghị nhất trí trên nguyên tắc sẽ giao cho các bộ phận chức năng xây dựng chương trình, cơ chế hợp tác cụ thể cho hoạt động phối hợp công tác năm 2009.

* Ngày 18-2, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) tổ chức họp lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai nhằm hoàn chỉnh lại Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Luật này trước khi trình QH thông qua vào kỳ họp tháng 5 tới.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho rằng: sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai năm 2003 hết sức quan trọng và cần thiết, nhằm làm rõ những vấn đề liên quan đến quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Việc sửa đổi Luật bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ. Phó Chủ tịch cho rằng, thực tế có nhiều trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã nhờ người thân mua nhà, và đứng tên hộ quyền sở hữu nhà ở hoặc mua bán trao tay, ảnh hưởng đến nguồn thu của Nhà nước, làm phát sinh các tranh chấp về quyền sở hữu nhà ở giữa các bên. Cần làm rõ các đối tượng cư trú nào thì được sở hữu nhà...

Dự thảo sửa đổi Điều 126 của Luật Nhà ở lần này mở rộng hơn về đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam so với quy định hiện hành, cụ thể là mở rộng cho các trường hợp: người có quốc tịch Việt Nam (không phân biệt là nhà văn hóa, nhà khoa học hay người đầu tư...), nhà khoa học, nhà văn hóa (không cần điều kiện trở về làm việc thường xuyên tại Việt Nam như quy định hiện hành), người có kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu, người kết hôn với công dân Việt Nam ở trong nước và người được cấp Giấy miễn thị thực vào Việt Nam. Xung quanh vấn đề này, có ý kiến cho rằng việc mở rộng đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam như Ban soạn thảo quy định rất rộng, không hợp lý, vì sẽ tác động làm tăng giá nhà ở trong nước, gây khó khăn cho những người chưa có nhà ở.

Nhiều đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cần đánh giá tác động của thị trường bất động sản khi triển khai, thực hiện Điều 126 Luật Nhà ở và Điều 121 Luật Đất đai. Để có tính khả thi, Ban soạn thảo nên sửa đổi cả Luật Nhà ở và Luật Đất đai chứ không chỉ sửa đổi hai điều luật này; đồng thời nên lùi thời gian có hiệu lực thi hành từ 1-7-2009 như quy định trong dự thảo Luật...

XUÂN KHU - LƯU THỊ THOAN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết