30/04/2020 - 08:48

Tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án hình sự 

Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tối cao vừa ban hành Chỉ thị 05/CT-VKSTC về việc tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án hình sự, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.

Một phiên tòa sơ thẩm của TAND TP Cần Thơ.

Thực hiện chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, trong những năm qua, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành các chỉ thị để tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, hoạt động công tố của Viện Kiểm sát (VKS) vẫn còn những mặt hạn chế nhất định. Trước những yêu cầu mới, trong điều kiện Luật Tổ chức VKSND 2014, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định nhiệm vụ, thẩm quyền của VKS được mở rộng, tăng thêm, cần thiết phải tăng cường trách nhiệm công tố trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Để tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án hình sự, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu các đơn vị thực hành quyền công tố thuộc VKSND tối cao, VKS Quân sự và VKSND các cấp phải tăng cường đổi mới, nâng cao trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án hình sự; thực hiện có hiệu quả các biện pháp chống oan, sai trong tố tụng hình sự; bảo đảm việc truy cứu trách nhiệm hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả thực hành quyền công tố trong giải quyết các vụ án hình sự, nâng cao chất lượng công tác giải quyết điều hành; xây dựng lề lối làm việc khoa học; tăng cường vai trò của cấp phó, gắn trách nhiệm của cấp phó với hiệu quả công tác thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.

Trong giai đoạn xác minh tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố, phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan có thẩm quyền điều tra, kiểm sát chặt chẽ 100% tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố do cơ quan có thẩm quyền điều tra thụ lý, giải quyết. Nâng cao trách nhiệm trong việc xét xử, phê chuẩn áp dụng các biện pháp ngăn chặn, các biện pháp cưỡng chế, chủ động đề ra các yêu cầu xác minh để làm rõ sự việc, kiên quyết yêu cầu hoặc trực tiếp quyết định hủy bỏ các quyết định không khởi tố vụ án hình sự không đúng pháp luật của Cơ quan điều tra; tăng cường trực tiếp xác minh tố giác theo quy định tại khoản 3 Điều 145 Bộ luật Hình sự khi phát hiện vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án, phải nắm chắc tiến độ điều tra vụ án, chủ động đề ra yêu cầu điều tra xác minh để hỗ trợ Điều tra viên thu thập chứng cứ làm rõ vụ án; thận trọng khi xét, phê chuẩn các lệnh, quyết định tố tụng. Trường hợp người bị bắt, người bị khởi tố không nhận tội hoặc tài liệu chứng cứ có mâu thuẫn, thì phải trực tiếp lấy lời khai, hỏi cung bị can trước khi phê chuẩn, bảo đảm chống oan hoặc bỏ lọt tội phạm; thực hiện nghiêm và đầy đủ biện pháp trực tiếp kiểm sát khi Điều tra viên tiến hành các hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra, khám xét. Kiểm sát chặt chẽ và tuân thủ nghiêm túc việc hỏi cung bị can, lấy lời khai có ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh tại trụ sở Cơ quan điều tra, VKS các cấp và các cơ sở giam giữ chấp hành nghiêm quy định việc đóng dấu bút lục tài liệu chứng cứ theo quy định. Ngoài ra, chủ động thực hiện các hoạt động số hóa hồ sơ vụ án theo quy định ở những nơi có đủ điều kiện; tăng cường kiểm sát chặt chẽ việc quyết định đình chỉ điều tra (miễn trách nhiệm hình sự hoặc do hành vi không cấu thành tội phạm), kiên quyết yêu cầu hoặc trực tiếp hủy bỏ Quyết định đình chỉ không đúng pháp luật của Cơ quan điều tra.

Trong giai đoạn xét xử vụ án, phải nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. VKS phải nắm chắc nội dung của vụ án, các chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội, dự kiến các vấn đề cần xét hỏi, xây dựng kế hoạch tranh luận, đối đáp tại phiên tòa và dự thảo bản luận tội ngay từ giai đoạn chuẩn bị xét xử. Tại phiên tòa, phải chủ động xét hỏi, tranh luận làm rõ các tình tiết của vụ án, khi tranh luận cần lưu ý đưa ra những chứng cứ, tài liệu và lập luận để đối đáp đầy đủ các ý kiến của bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa. Nâng cao trách nhiệm, nắm chắc đầy đủ chặt chẽ các vụ án, bị can, bị cáo đã tạm đình chỉ, thường xuyên rà soát, xử lý kịp thời, bảo đảm khi có căn cứ phục hồi hoặc đình chỉ vụ án thì xử lý, giải quyết theo đúng quy định pháp luật.

Hoàng Yến (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết