30/04/2014 - 20:53

THỐT NỐT

Tận dụng lợi thế “cửa ngõ” để phát triển kinh tế

Nằm ở phía Bắc của TP Cần Thơ, dọc tuyến quốc lộ 91 và ven sông Hậu, Thốt Nốt là đầu mối giao thương quan trọng kết nối thành phố với các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp. Thốt Nốt còn là địa phương đứng thứ 2 của TP Cần Thơ về số lượng doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực... Với lợi thế này, Thốt Nốt tập trung xây dựng cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, từng bước khẳng định vai trò quận "cửa ngõ" của TP Cần Thơ.

* Phát huy lợi thế sẵn có

Quận Thốt Nốt hiện có 1.248 DN, cơ sở sản xuất công nghiệp hoạt động ở 45 danh mục ngành nghề. Trong đó chủ yếu là các DN xay xát, lau bóng gạo, chế biến, xuất khẩu gạo, thủy sản xuất khẩu, sản xuất đồ gỗ, xi măng, cơ khí, đóng tàu,… Bà Nguyễn Thị Nương, Phó phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, cho biết: "Thế mạnh công nghiệp của Thốt Nốt tập trung chủ yếu ở các ngành sản xuất, chế biến thủy sản đông lạnh, lương thực, thực phẩm với giá trị đạt gần 2.463 tỉ đồng trong quý I/2014 và chiếm trên 83% so giá trị toàn ngành. Đặc biệt, Thốt Nốt thuộc địa bàn trọng điểm về sản xuất, kinh doanh lúa gạo do có vị trí tiếp giáp với các huyện Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) và 3 tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp nên hoạt động thu mua, chế biến và tiêu thụ lúa gạo diễn ra rất sôi động. Toàn quận hiện có 32 nhà máy xay xát, tổng công suất thiết kế trên 2,3 triệu tấn lúa/năm, 48 DN lau bóng gạo với tổng công suất thiết kế khoảng 3,2 – 3,5 triệu tấn gạo/năm cùng 14 DN xuất khẩu gạo trực tiếp, chiếm hơn ½ số thương nhân xuất khẩu gạo của TP Cần Thơ".

Dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu của Công ty TNHH Trung An.

Ở lĩnh vực thương mại-dịch vụ, quận Thốt Nốt có 4.937 DN, hộ kinh doanh. Trong đó, nổi bật là các dịch vụ về vận chuyển hàng hóa, kinh doanh xăng dầu, kinh doanh vật tư nông nghiệp, mua bán tạp hóa.... Đặc biệt, để đáp ứng kịp thời nhu cầu nhiên liệu phục vụ cho các phương tiện vận tải hàng hóa và hành khách, mạng lưới 43 cửa hàng kinh doanh xăng dầu phân bố rộng khắp trên cả tuyến đường thủy và đường bộ thuộc quận. Anh Phan Đại Hiệp, Chủ DNTN Phan Văn Hộ, chuyên kinh doanh xăng dầu phường Thốt Nốt, cho biết: "Trung bình mỗi tháng, cửa hàng bán từ 2.000-3.000 lít xăng dầu. Trong đó có khoảng 50% là khách vãng lai. Ngoài ra, khi vào vụ thu hoạch lúa, cửa hàng còn giao thêm dầu đến tận nhà cho các hộ chạy máy gặt đập liên hợp nên sản lượng bán ra tăng hơn so với ngày thường. Do lượng khách hàng cố định chiếm đến 50% sản lượng bán ra nên để cạnh tranh với các cơ sở kinh doanh xăng dầu lân cận, ngoài việc đảm bảo chất lượng xăng dầu, cửa hàng còn nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hình thức thanh toán, giao hàng tận nơi nhằm giữ uy tín và giữ mối".

Nhìn chung, một số ngành nghề kinh doanh thương mại-dịch vụ trên địa bàn quận Thốt Nốt có sự gắn kết chặt chẽ và hỗ trợ, thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghiệp. Theo đó, quận thường xuyên tổ chức triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ DN, đặc biệt là các DN chế biến nông, thủy sản tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, thông tin đến DN các chính sách ưu đãi của Chính phủ liên quan đến việc miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp thuế. Phòng Kinh tế quận đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhất là đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu, gas, vật tư nông nghiệp... nhằm phát hiện và xử lý các trường hợp gian lận thương mại, buôn bán hàng gian, hàng giả, kém chất lượng ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

* Tăng sức cạnh tranh cho DN

Tính đến cuối quý I/2014, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của quận Thốt Nốt đạt gần 2.959 tỉ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tăng 8,76% so cùng kỳ. Tổng mức hàng hóa bán ra 3.722 tỉ đồng, tăng 16,08% so cùng kỳ. Đạt được kết quả trên là do các DN trên địa bàn quận đã chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường; nâng cao chất lượng sản phẩm; thực hiện khá tốt các tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; tạo được uy tín và đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, các DN vẫn gặp không ít khó khăn do thị trường tiêu thụ thường xuyên biến động. Trên địa bàn quận có 4 DN xuất khẩu thủy sản với tổng công suất thiết kế của các nhà máy 378.000 tấn cá tra nguyên liệu/năm. Tuy nhiên, công suất hoạt động hiện chỉ dao động từ 470-500 tấn cá/ngày, đạt khoảng 50% công suất thiết kế. Theo bà Nguyễn Thị Nương, Phó phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, các DN thủy sản vừa khó về đầu ra vừa chịu tác động bởi nguồn nguyên liệu cá tra phục vụ chế biến chưa ổn định trong khi lực lượng lao động thường xuyên biến động. Vì thế, vai trò của Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt là nỗ lực tạo điều kiện kết nối giữa DN thủy sản với nông dân để nuôi cá tra nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy chế biến và hỗ trợ nông dân về kỹ thuật nuôi để quản lý tốt chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào.

Ngành xay xát, lau bóng, xuất khẩu gạo là một trong những thế mạnh của Thốt Nốt và đóng góp đáng kể vào giá trị sản xuất công nghiệp của quận. Hoạt động trong ngành này đều là các DN kinh doanh lâu năm trên địa bàn nên việc đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ vững thị trường tiêu thụ rất được chú trọng. Theo ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An, sản phẩm gạo của công ty đã xuất khẩu sang nhiều thị trường ở châu Âu, châu Mỹ và một số nước châu Á. Các mặt hàng xuất khẩu của Trung An chủ yếu là gạo 5% tấm, gạo Jasmine và nếp. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Công ty tập trung liên kết đầu tư cho cánh đồng lớn và ký hợp đồng bao tiêu lúa với nông dân nhằm quản lý chất lượng gạo xuất khẩu từ khâu sản xuất đầu vào đến đầu ra. Chỉ tính riêng vụ hè thu 2014, Công ty tổ chức bao tiêu các cánh đồng lớn ở TP Cần Thơ và một số tỉnh lân cận với diện tích 3.500ha. Song song đó, công ty cũng tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kho chứa để chủ động nguồn cung cho xuất khẩu.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, cho biết, để tạo đà phát triển kinh tế theo định hướng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, quận phân bổ hợp lý các nguồn vốn xây dựng cơ bản để nâng cấp đồng bộ mạng lưới giao thông liên phường, đáp ứng nhu cầu lưu chuyển hàng hóa của DN. Bên cạnh đó, quận tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của Trung tâm thương mại quận Thốt Nốt và tích cực mời gọi đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại Thuận Hưng, một số chợ trên địa bàn như chợ Lân Thạnh, chợ Phước Lộc, chợ Bò Ót… Song song với quá trình hoàn thiện cơ sở hạ tầng, quận cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi để các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực yên tâm hoạt động để cùng góp sức vào sự phát triển của địa phương.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết