03/12/2024 - 15:33

Tại sao người trên 50 tuổi cần bổ sung kẽm? 

Theo các chuyên gia sức khỏe, cách mà chúng ta đối xử với cơ thể ở thời điểm hiện tại có thể ảnh hưởng đến sức khỏe từ độ tuổi 50 trở đi. Trong đó, việc bổ sung những dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể - đặc biệt là kẽm - rất quan trọng đối với sức khỏe người lớn tuổi.

Vai trò của kẽm đối với hệ miễn dịch

Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Frontiers in Nutrition, từ giữa những năm 40 tuổi, chúng ta bắt đầu đối mặt quá trình suy giảm chức năng miễn dịch và tăng tình trạng viêm trong cơ thể. Hệ vi sinh đường ruột, vốn đóng vai trò hỗ trợ sức khỏe tiêu hóa và tinh thần, cũng có những thay đổi đáng kể làm ảnh hưởng đến hệ miễn dịch.

Nhóm thực phẩm giàu kẽm. Ảnh: Lifelinelaboratory.com

Chuyên gia dinh dưỡng Jana Greene Hand từ Trung tâm dinh dưỡng Helping Hand Nutrition (Mỹ) cho biết kẽm là dưỡng chất quan trọng đối với hệ miễn dịch. Nhưng ở người lớn tuổi, cơ thể trở nên kém hiệu quả hơn trong việc hấp thụ các dưỡng chất thiết yếu, làm tăng nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng, tức bao gồm nguy cơ thiếu kẽm. “Kẽm hỗ trợ sự phát triển và hoạt động của các tế bào miễn dịch. Vì vậy, nếu cơ thể thiếu kẽm, bạn có thể nhận thấy rằng mình thường xuyên bị bệnh hơn hoặc không chống lại nhiễm trùng tốt”, bà Hand giải thích.

Ngoài việc tăng nguy cơ nhiễm trùng, tình trạng thiếu kẽm ở người lớn tuổi còn có thể dẫn đến thay đổi khẩu vị, làm chậm quá trình lành vết thương, gây phát ban, giảm cảm giác thèm ăn và dẫn đến rụng tóc.

Vai trò của kẽm đối với sức khỏe tim và não

Việc dung nạp nồng độ kẽm thấp hơn cũng liên quan đến các vấn đề về tim và suy giảm nhận thức. Như trong một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Antioxidants, các chuyên gia đã đánh giá chế độ ăn uống và sức khỏe tim mạch của hơn 200 người tham gia có tuổi trung bình là 80. Họ phát hiện những người hấp thụ nhiều kẽm hơn có mô tim khỏe mạnh hơn và giảm áp lực lên tim. Điều này chứng tỏ hấp thụ đầy đủ lượng kẽm được khuyến nghị hằng ngày giúp chức năng tim tốt hơn. Theo khuyến nghị, mức bổ sung kẽm hằng ngày đối với nam là 11mg và với nữ là 8mg.

Còn trong một nghiên cứu năm 2022, các chuyên gia đã điều tra mối liên hệ giữa thiếu kẽm và tình trạng suy giảm nhận thức ở người lớn tuổi, bằng cách phân tích dữ liệu từ gần 600 người trên 60 tuổi. Họ phát hiện những người có mức dung nạp kẽm thấp hơn có khả năng bị suy giảm nhận thức cao gấp 4 lần.

Theo một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Lão khoa, tình trạng thiếu kẽm cũng có thể làm tăng nguy cơ suy nhược cơ thể. Sau khi theo dõi hơn 3.000 người lớn trên 60 tuổi trong nhiều năm, các chuyên gia nhận thấy so với những người tiêu thụ ít kẽm nhất, những người tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều kẽm nhất (từ 9,5- 21mg kẽm/ngày) ít có nguy cơ mắc các khuyết tật về thể chất và suy nhược.

Những cách giúp bổ sung thêm kẽm qua chế độ ăn

Để tăng lượng kẽm hấp thụ, mọi người hãy thử ăn nhiều động vật có vỏ (nghêu, hàu, sò, ốc), trứng, các chế phẩm từ sữa, thịt đỏ (bò, cừu, dê) và thịt gà. 

Những người ăn chay dễ dàng bổ sung kẽm từ các loại thực phẩm nguồn gốc thực vật, bao gồm các loại đậu (đậu lăng, đậu đen, đậu gà, đậu đỏ), ngũ cốc nguyên cám (gạo lứt và yến mạch), hạt bí và hạt điều. Ngoài ra, các loại rau như măng tây, nấm và cải xoăn cũng là nguồn bổ sung tốt về kẽm.

AN NHIÊN (Theo HealthDigest)

Chia sẻ bài viết