22/08/2018 - 21:03

Thị trường phân bón

Sức mua giảm, giá không giảm 

Dù nguồn cung các loại phân bón trên thị trường khá dồi dào và sức mua đang có chiều hướng giảm nhưng giá nhiều loại phân bón hiện vẫn không giảm. Trong khi đó, cùng kỳ các năm trước giá phân bón thường có xu hướng giảm mạnh trong mùa lũ do nhu cầu tiêu thụ ít và sự cạnh tranh giữa các thương hiệu trên thị trường.

Giá phân bón vẫn ở mức cao cùng nhiều điều kiện sản xuất bất lợi khác khiến nông dân lo lắng. Ông Trần Hoàng Khải, ngụ ấp Trường Đông, xã Trường Thành, huyện Thới Lai, cho biết: "Từ vụ sản xuất hè thu 2018 giá nhiều loại phân bón đã tăng hơn 50.000 đồng/bao và duy trì ở mức cao cho đến nay. Giá nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng 5.000-10.000 đồng/chai. Tôi tính toán sơ sơ thì chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong vụ lúa thu đông 2018 này đã vượt lên hơn 1,2 triệu đồng/công, tăng hơn khoảng 200.000 đồng/công so cùng kỳ năm trước". Anh Trần Thanh Vũ, ngụ ấp Đông Hiển, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, tính toán: "Vụ lúa thu đông năm rồi chi phí sản xuất cả vụ (gồm cả chi phí bơm nước) chỉ khoảng 1,3 triệu đồng/công nhưng năm nay phải từ 1,5 triệu đồng/công do giá phân thuốc tăng mạnh, lũ lại về sớm và mưa nhiều, phải tốn thêm chi phí bơm tát, tiêu thoát nước cho ruộng lúa".

Nguồn cung các loại phân bón trên thị trường đang rất dồi dào, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng (Trong ảnh: Mua bán phân bón tại cửa hàng vật tư nông nghiệp Phượng ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ).

Trước thông tin các loại phân Urê sản xuất trong nước hiện đảm bảo đáp ứng nhu cầu nội địa, thậm chí có dư để xuất khẩu, nhiều nông dân phấn khởi và nghĩ rằng sẽ mua được phân bón với giá rẻ. Thế nhưng thực tế lại khác, giá phân bón trong nước luôn "bám sát" giá thế giới; đặc biệt, từ vụ hè thu 2018 đến nay, phân Urê sản xuất trong nước có giá từ 360.000- 370.000 đồng/bao, cao hơn 60.000 đồng/bao so với cùng kỳ năm trước. Chi phí sản xuất lúa thu đông tăng trong khi chưa rõ giá lúa sắp tới ra sao, khiến nông dân khá lo lắng.

Trên thị trường, giá nhiều loại phân bón đang cao hơn 50.000- 100.000 đồng/bao 50kg so với hồi đầu năm nay và so với cùng kỳ năm 2017. Tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ, giá bán lẻ các loại phân Urê như: Urê Cà Mau (Đạm Cà Mau), Urê Phú Mỹ, Urê Hà Bắc và nhiều loại Urê nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia... hiện từ 350.000-370.000 đồng/bao, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ ở mức 290.000- 320.000 đồng/bao. Cùng kỳ năm trước, giá NPK 20-20-15 Bình Điền và NPK 20-20-15 Cò Bay là 520.000- 530.000 đồng/bao, nay tăng lên trên dưới 630.000 đồng/bao. Trong khi đó, giá bán lẻ NPK 16-16-8 Việt Nhật khoảng 460.000 đồng/bao. Trước đây, DAP (Trung Quốc, loại xanh hồng hà) chỉ khoảng trên dưới 540.000 đồng/bao, còn giờ là 640.000- 650.000 đồng/bao. Hiện DAP hạt đen Trung Quốc có giá khoảng 600.000 đồng/bao; DAP Đình Vũ ở mức 510.000- 520.000 đồng/bao; Kali miểng (Canada, Đức...) có giá 400.000- 410.000 đồng/bao...

Theo các chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ, dù sức mua nhiều loại phân bón trên thị trường giảm mạnh so với trước nhưng các cửa hàng bán lẻ phân bón không thể giảm giá do giá mua đầu vào ở mức cao. Các đơn vị sản xuất, cung ứng phân bón cho rằng giá chưa thể giảm do nguyên liệu nhập khẩu và nhiều loại chi phí đầu vào phục vụ sản xuất phân bón đang ở mức cao. Bên cạnh đó, giá nhiều loại phân bón nhập khẩu tăng do ảnh hưởng của việc áp thuế tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu. 

Bà Nguyễn Thị Cẩm Phượng, Chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Phượng ở xã Trường Thành, huyện Thới Lai, cho biết: "Giá bán buôn của nhiều loại phân bón vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Cửa hàng chúng tôi mua phân bón đầu vào giá cao nên buộc phải bán lẻ cho người tiêu dùng ở mức vậy...". Theo ông Nguyễn Mạnh Vân, Chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Nguyễn Vân ở thị trấn Thới Lai, sức tiêu thụ phân bón tại cửa hàng gần đây đã giảm đáng kể và dự báo còn tiếp tục giảm do bước vào mùa thấp điểm kinh doanh. Hiện tại, cửa hàng tập trung giải phóng hết lượng hàng tồn, với giá bán ổn định chứ chưa giảm được vì trước đó hàng lấy vào ở mức giá cao. Thời gian qua, phần lớn lượng phân bón được bán ra theo phương thức cho nông dân nợ đến cuối vụ mới thu tiền, do vậy cửa hàng mong muốn giá phân bón ổn định ở mức thấp để nhẹ vốn kinh doanh và người tiêu dùng cũng được hướng lợi khi giảm chi phí sản xuất.

Để kéo giảm giá phân bón, nông dân rất mong các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, quản lý thị trường, tránh trường hợp tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với các sản phẩm phân bón do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Mặt khác, cần có cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho người tiêu dùng được mua sản phẩm trực tiếp từ các nhà sản xuất phân bón trong nước để tránh tình trạng giá phân bón bị đẩy lên cao khi qua nhiều khâu trung gian. Hiện nay, không chỉ nông dân mà nhiều cửa hàng bán lẻ phân bón với quy mô nhỏ vẫn gặp khó trong việc mua hàng trực tiếp từ các doanh nghiệp sản xuất.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết