Ngày 26/10, tại TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết 17 năm Giải Báo chí Quốc gia và chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao năm 2022; triển khai chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao năm 2023 - 2024 đối với 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Các đồng chí chủ trì hội nghị.
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; Văn Công Hùng, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Tiền Giang.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; lãnh đạo Hội Nhà báo các tỉnh, thành khu vực phía Nam; lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương, khu vực phía Nam và phóng viên các cơ quan thông tấn, báo đài Trung ương và địa phương.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Tiền Giang có đồng chí Nguyễn Thành Diệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành tham dự
Hội nghị nhằm phân tích, đánh giá kết quả đạt được qua 17 năm tổ chức Giải Báo chí Quốc gia, cũng như những khó khăn, vướng mắc, bất cập hiện nay, trong quá trình tổ chức Giải, để từ đó đặt ra những đề xuất, giải pháp nhằm đổi mới hoạt động nhằm phù hợp với xu thế chuyển đổi số, nâng cao hơn nữa vị thế của Giải chuyên ngành lớn nhất cả nước. Đồng thời, hội nghị cũng nhằm đánh giá kết quả 01 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ chất lượng cao giai đoạn mới để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ các tác phẩm báo chí chất lượng cao trong các năm 2023 - 2024.
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu.
Tại hội nghị, các đại biểu, Hội Nhà báo tỉnh, thành phố tích cực tham luận và đóng góp ý kiến, làm rõ một số vấn đề sau:
Thứ nhất, là tập trung đánh giá kết quả của Giải báo chí Quốc gia qua 17 năm triển khai, những vấn đề vướng mắc và bất cập hiện nay cùng các giải pháp, kiến nghị nhằm đổi mới chất lượng của Giải.
Thứ hai, là về phạm vi đề tài được khuyến khích và sự phù hợp với môi trường tác nghiệp, tạo không gian sáng tạo thoải mái cho báo chí, phục vụ tốt công tác tuyên truyền của Đảng bộ, chính quyền địa phương.
Thứ ba, là đóng góp của Chương trình đối với việc củng cố chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ cho các nhà báo trong quá trình tác nghiệp, tăng cường chất lượng sản phẩm của cơ quan báo chí, phục vụ hiệu quả các kế hoạch công tác của đơn vị và nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Thứ tư, là về việc tuyển chọn các tác phẩm báo chí chất lượng cao tham gia Giải báo chí Quốc gia, giải báo chí tỉnh và các giải báo chí chuyên ngành khác.
Thứ năm, là về các quy trình, quy định trong thẩm định tác phẩm; thủ tục ký hợp đồng, thanh quyết toán và các vấn đề tài chính - kế toán.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Diệu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ghi nhận và đánh giá cao những kết quả hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí các tỉnh, thành khu vực phía Nam, các Văn phòng báo chí thường trú tại Tiền Giang trong thời gian qua. Phó Chủ tịch tỉnh tin tưởng và hy vọng rằng, trong thời gian tới, hoạt động của các cấp Hội Nhà báo và các quan báo chí sẽ đạt hiệu quả cao hơn, hướng đến mục tiêu “Xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại”.
Được biết, các năm qua đã có hàng nghìn tác phẩm báo chí từ Giải báo chí quốc gia, các tác phẩm báo chí chất lượng cao trên cả nước; trong số đó có nhiều tác phẩm viết về tỉnh Tiền Giang, đó là nguồn cổ vũ, động viên, những ý kiến phản ánh, đề xuất… rất hữu ích đối với tỉnh Tiền Giang trong quá trình lãnh chỉ đạo thực hiện và hoàn thanh nhiệm vụ chính trị địa phương.
17 năm Giải báo chí Quốc gia với những kết quả ấn tượng
Đồng chí Lê Quốc Minh cho biết, trải qua 17 năm tổ chức, Giải báo chí Quốc gia đã thu hút khoảng hơn 20.000 tác phẩm tham dự trong cả nước gửi về cho thấy sức hút của Giải ngày càng lớn, thu hút được sự quan tâm và tham gia của đông đảo giới báo chí và công chúng. Các tác phẩm đoạt giải cao là những tác phẩm có sự đầu tư nghiêm túc, công phu, nhiều cách thức thể hiện sáng tạo, sinh động, hấp dẫn bạn đọc, thể hiện rõ năng lực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo báo chí. Tuy nhiên, trong bối cảnh khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, công nghệ làm báo ngày càng đổi mới đặt ra những yêu cầu, thách thức mới trong quá trình tổ chức Giải.
Ngày 29 tháng 3 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 369/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Giải báo chí Quốc gia và giao cho Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông), Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) tham gia thực hiện. Tính đến năm 2023, Giải báo chí Quốc gia đã qua 17 năm thực hiện với những kết quả đáng ghi nhận và một số hạn chế cần được khắc phục, cải tiến để nâng tầm Giải báo chí Quốc gia thông qua việc nâng cao chất lượng, góp phần tăng cường sự đóng góp của báo chí cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng chí Trương Văn Chuyển, Chủ tịch Hội Nhà báo TP. Cần Thơ phát biểu tham luận.
Lễ trao Giải hằng năm được tổ chức đúng dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, có sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp, được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam đã trở thành ngày hội của giới báo chí cả nước. Giải báo chí Quốc gia tập hợp, đoàn kết đông đảo đội ngũ phóng viên, nhà báo làm việc trong các cơ quan báo chí và các cấp Hội Nhà báo trong cả nước. Giải báo chí Quốc gia thực sự là nguồn cổ vũ lớn lao đối với người làm báo, ghi nhận, tôn vinh thành quả lao động sáng tạo của những người làm báo nói chung và những người được giải nói riêng trong lĩnh vực hoạt động đặc thù của mình. Đồng thời, giải thưởng có tác dụng động viên, cổ vũ giới báo chí tiếp tục hăng hái thi đua, lao động sáng tạo, xứng đáng với vai trò, vị thế của báo chí là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng của Đảng và Nhà nước.
Có thể nói, Giải báo chí Quốc gia đã và đang có tác dụng to lớn, cổ vũ tinh thần thi đua giữa các nhà báo, giữa các cơ quan báo chí, qua đó đã phát hiện và tôn vinh những tài năng, sự tâm huyết của những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, theo đúng tinh thần của Chỉ thị 37-CT/TW ngày 13/8/2004 của Ban Bí thư “về tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới” và sau đó là Chỉ thị 43-CT/TW ngày 08/4/2020 của Ban Bí thư trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”.
Chương trình tạo nguồn tác phẩm có chất lượng tham dự các Giải báo chí
Thực hiện Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 08/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là “Chương trình”) và Hướng dẫn 3824/HD-BVHTTDL ngày 15/10/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; hằng năm, sau khi các cấp Hội Nhà báo ở địa phương nhận được thông báo cấp kinh phí của UBND cấp tỉnh, Hội Nhà báo Việt Nam có văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện hỗ trợ theo quy định.
Việc Chính phủ tiếp tục hỗ trợ cho hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao đã động viên, khích lệ lớn đối với hội viên, nhà báo, nhiều Hội Nhà báo khó khăn về tài chính đã có thêm kinh phí để đầu tư vào hoạt động sáng tạo tác phẩm chất lượng cao, đánh giá cao ý nghĩa của Chương trình.
Các tác phẩm báo chí được hỗ trợ là những tác phẩm tiêu biểu, từ các cấp hội, thuộc các mảng đề tài ưu tiên theo Chương trình. Nội dung các tác phẩm phản ánh kịp thời, sâu sát, có tính phát hiện những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm ở Trung ương và địa phương, phục vụ thiết thực sự nghiệp đổi mới, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là những tác phẩm báo chí giúp các nhà báo, hội viên học tập kinh nghiệm quý về nghiệp vụ báo chí, góp phần nâng cao trình độ nghiệp vụ, tiếp tục sáng tạo những tác phẩm có chất lượng tốt hơn nữa.
Hầu hết các Hội Nhà báo các địa phương thực hiện tốt công tác hỗ trợ, mang lại hiệu quả thiết thực, động viên hội viên sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao, tạo nguồn có chất lượng tham dự Giải báo chí Quốc gia hàng năm.
Nhà báo Trương Văn Chuyển, Chủ tịch Hội Nhà báo TP. Cần Thơ cho biết, đối với các Hội Nhà báo địa phương, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, tổ chức cho hội viên sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Từ chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao, Hội Nhà báo địa phương có thêm nguồn lực tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên, tổ chức cho hội viên đi thực tế thu nhập tư liệu, phát hiện đề tài, góp phần tạo nguồn tác phẩm có chất lượng cao phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền ở địa phương và tham gia các Giải báo chí quốc gia, khu vực bộ, ngành Trung ương...
Đặc biệt, chương trình cũng tạo ra nguồn cung ứng dồi dào cho các cuộc thi báo chí, giải báo chí ở địa phương và Trung ương. Phần lớn các tác phẩm đạt giải cao Giải Báo chí quốc gia, Giải Báo chí Búa liềm vàng, Giải Báo chí Phan Ngọc Hiển thành phố Cần Thơ, Giải Báo chí viết về Đồng bằng sông Cửu Long… đều từ nguồn kinh phí hỗ trợ từ Chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao (BCCLC).
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả chương trình, hằng năm Hội Nhà báo Việt Nam luôn có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện một cách chu đáo. Gắn hoạt động hỗ trợ tác phẩm BCCLC với công tác thi đua khen thưởng, cương quyết hạ bậc hoặc cắt danh hiệu thi đua nếu không bảo đảm các tiêu chí đề ra.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh đánh giá cao 06 ý kiến tham luận trong tổng số 24 tham luận gửi đến Hội nghị và rất nhiều ý kiến đánh giá, thảo luận tâm huyết từ các nhà báo, nhà quản lý từ Trung ương đến địa phương về nâng cao hơn nữa chất lượng giải báo chí quốc gia cũng như công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao. Chương trình hỗ trợ cho báo chí chất lượng cao đã và đang giúp hội viên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đồng thời nhấn mạnh vai trò của Hội Nhà báo các địa phương, nhiều tác phẩm báo chí địa phương rất xuất sắc đã đoạt giải báo chí quốc gia và các giải báo chí chuyên ngành. Qua hội nghị này, tiếp tục khẳng định, Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao đã được các cơ quan chuyên môn nghiệp vụ của Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam triển khai rất thành công. Trước mắt, Hội Nhà báo Việt Nam ghi nhận các ý kiến và sẽ ban hành các quy định một cách khoa học hiệu quả đến các cấp Hội, đồng thời kiến nghị với Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho công tác hỗ trợ báo chí chất lượng cao trong giai đoạn tiếp theo.
Quang cảnh hội nghị.
Đồng chí Lê Quốc Minh gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Hội Nhà báo tỉnh Tiền Giang đã đồng chủ trì tổ chức hội nghị rất có ý nghĩa, trong bối cảnh các cấp hội đang thực hiện rất tốt Quyết định số 558/QĐ-TTg về “Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021 - 2025” và Quyết định 348/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ.
Ngọc Bích (nguoilambao.vn)