02/03/2009 - 08:39

Sự cống hiến thầm lặng

Bên cạnh những y, bác sĩ trực tiếp đóng góp cho ngành y, chăm lo sức khỏe cho cộng đồng còn có những người cống hiến thầm lặng cho y học. Đó là những người tình nguyện hiến máu, hiến xác. Họ thuộc nhiều thành phần trong xã hội nhưng có chung tấm lòng nhân ái, muốn đóng góp cho khoa học, cho sự sống của người khác.

* Giọt máu - tấm lòng...

Lý Quốc Ánh đang chuẩn bị cho đợt thực tập ra trường. Ảnh: K.LOAN. 

Từ lúc học năm thứ 2, Lý Quốc Ánh, sinh viên ngành Y - Khóa 29, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, đã tham gia hiến máu nhân đạo. Nhưng theo anh, lúc bấy giờ chỉ tham gia cho vui. Khi được học về huyết học, Quốc Ánh càng hiểu được tầm quan trọng của máu đối với y học và bệnh nhân. Anh còn nhớ mãi những câu chuyện giảng viên đã kể về những người bệnh không phải vô phương cứu chữa, nhưng phải tử vong vì không có máu truyền.

Quốc Ánh đã tích cực tham gia phong trào hiến máu nhân đạo của trường, rồi trở thành chủ nhiệm CLB Hiến máu nhân đạo của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Từ đó đến nay, Quốc Ánh đã tham gia hiến máu nhân đạo 15 lần, trong đó, có hơn nửa số lần là tham gia hiến máu trực tiếp để cứu những người bệnh mất máu trầm trọng. Mỗi lần nhận thông tin từ bệnh viện hoặc cố vấn của CLB: có bệnh nhân cần truyền máu tươi, dù bất cứ lúc nào, Quốc Ánh cũng tức tốc huy động các bạn sinh viên có mặt ngay tại Trung tâm Huyết học Truyền máu khu vực Cần Thơ để sẵn sàng cho máu. Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Thị Tuyết, Phó Giám đốc Trung tâm Huyết học Truyền máu khu vực Cần Thơ, cố vấn CLB hiến máu nhân đạo, khen: “Quốc Ánh tham gia CLB rất nhiệt tình, nhanh nhẹn. Các khâu tổ chức vận động sinh viên tham gia hiến máu tình nguyện rất tốt. Mỗi khi tôi báo tin có bệnh nhân cấp cứu cần máu tươi là em huy động có ngay, đủ số sinh viên theo yêu cầu”.

Lần hiến máu đáng nhớ nhất đối với Quốc Ánh là đợt sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ. Sau khi sự cố xảy ra, ngay trong buổi sáng, Quốc Ánh tức tốc có mặt cùng khoảng 30 – 40 sinh viên khác đến để hiến máu cứu người. Chỉ riêng lần đó, Ánh hiến 1 đơn vị đến 450ml máu. Khi đó, có rất đông sinh viên và người dân tham gia hiến máu. Dù mệt, Quốc Ánh cùng các thành viên trong CLB vẫn ở lại Trung tâm Huyết học Truyền máu để tiếp việc tổ chức, lấy máu. Sau cái ngày kinh hoàng đó, lại có thêm nhiều sinh viên tham gia vào CLB Hiến máu nhân đạo. Đến nay, CLB đã có khoảng 1.000 sinh viên đăng ký tham gia hoạt động ngân hàng máu sống và có 50 – 100 sinh viên thường xuyên hiến máu trực tiếp khi có ca cấp cứu.

Mười mấy lần hiến máu nhưng chỉ có một lần Quốc Ánh được gặp mặt và vài lần được nắm rõ thông tin về người sẽ nhận máu của mình. Anh tâm sự: “Điều quan trọng đối với tôi là bệnh nhân qua được nguy kịch. Trong những dịp lễ tết, nguồn máu dự trữ thường thiếu hụt. Những bệnh nhân cấp cứu, cần máu luôn chờ đợi, hy vọng những giọt máu ấm áp tình người từ chúng ta. Mong rằng ngày càng có nhiều người sẵn lòng hiến một ít máu - thay vì đến thời kỳ nó sẽ tự hủy để tái tạo lại – để cứu được một mạng sống”.

* Sống mãi sau khi chết

Hiến xác cho y học là việc làm rất có ý nghĩa và thiêng liêng, ngày càng được nhiều người ủng hộ. Sau khi qua đời, xác của người hiến sẽ phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu của sinh viên ngành y, bác sĩ hay chuyên gia y tế. Tại Cần Thơ, nơi tiếp nhận đơn tình nguyện hiến xác là Bộ môn Giải phẫu, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Hàng năm, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đều tổ chức “Lễ tri ân những người hiến thân xác cho khoa học - y học” (Lễ hội Macchabée). Chúng tôi đã có dịp dự lễ hội này và nghe được nhiều câu chuyện cảm động về những người tình nguyện hiến xác. Phía sau sự cống hiến cao cả đó là những cuộc đời bình dị trong cuộc sống.

Cô giáo Trần Tín Nghĩa đang dạy học.
Ảnh: LỆ THU. 

Một người mẹ có con gái 6 tuổi bị hôn mê sâu và trở thành người thực vật suốt 20 năm vì một căn bệnh về não mà y học đành bó tay. Con gái bà đã lặng lẽ ra đi lúc 26 tuổi. Người mẹ ấy đã làm đơn hiến xác con mình cho y học với hy vọng cháy bỏng: các bác sĩ, sinh viên ngành y sẽ học tập, nghiên cứu để có thể tìm ra phương pháp chữa trị căn bệnh quái ác đó. Bà mong muốn sẽ không còn những người chết như con gái bà... Hay câu chuyện về ông cụ 83 tuổi, lặn lội từ huyện Cờ Đỏ đến Trường Đại học Y Dược Cần Thơ để đăng ký hiến xác và còn vận động thêm nhiều người tham gia...

Cô Trần Tín Nghĩa, giáo viên Trường Dạy trẻ khuyết tật Cần Thơ đã làm đơn tình nguyện hiến xác vì cô hiểu, thông cảm sâu sắc với những người bệnh tật, bất hạnh. Hằng ngày tiếp xúc, dạy dỗ cho các em bị khiếm thính, cô Nghĩa càng cảm thông hơn với những đứa trẻ không may, thiệt thòi trong cuộc sống. Cô mong muốn y học sẽ can thiệp, tìm ra được giải pháp chữa trị cho các em khiếm khuyết, cho những người phải đau đớn vì bệnh tật. Cô Nghĩa tâm tình: “Mình chết rồi mà đem chôn thì không có lợi gì cả. Tôi hiến xác cho y học để các em sinh viên và cán bộ ngành y có điều kiện nghiên cứu, học tập thuận lợi. Khi mình không còn tồn tại trên đời mà vẫn còn có ích cho xã hội thì tại sao không làm”. Lần đầu tiên dự lễ tri ân những người hiến xác, được nhìn tận mắt những xác chết ngâm hóa chất, cô Nghĩa không tránh khỏi cảm giác sờ sợ. Nhưng, cô nghĩ: đã chết đi rồi thì còn gì mà sợ, trong khi những người sống vẫn đang cần nhiều sự hy sinh giống như mình. Cô đã vượt qua được rào cản tâm lý đó và cảm thấy thoải mái, tự tin với quyết định của mình.

Bà Nguyễn Thị Minh Trang, hơn 50 tuổi, làm nghề uốn tóc ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, cũng là một người tình nguyện hiến xác. Bà Trang cho biết: Bà nghe nói chuyện hiến xác này cách đây 7 năm. Bà đã đến Trường Đại học Y Dược Cần Thơ tìm hiểu và được cán bộ của trường giải thích ý nghĩa của việc hiến xác. Từ đó, bà quyết định nộp đơn... Bà tâm sự: “Con gái tôi ủng hộ tôi hiến xác cho y học khi qua đời. Nhiều người có quan niệm: chết rồi mà bị mổ xẻ là không nên. Tôi cho rằng mình giúp sinh viên thực tập, nâng cao kiến thức, tay nghề để sau này trở thành bác sĩ giỏi cứu người thì không có gì phải kiêng kỵ hay tiếc nuối. Tôi còn cảm thấy tự hào vì khi chết mà vẫn làm điều có ích cho xã hội. Quan trọng là mình sống sao cho hợp đạo lý, chứ khi chết rồi tất cả là vô thường”.

Bà Nguyễn Thị Minh Trang với công việc
làm tóc cho khách thường ngày. Ảnh: LỆ THU. 

Cô Nguyễn Thị Thanh Phượng, Trưởng Bộ môn Giải phẫu, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, cho biết: “13 năm qua, trường đã nhận được trên 330 đơn tình nguyện hiến xác của người dân trong và ngoài TP Cần Thơ. Hiện nay, Bộ môn Giải phẫu có 11 xác cho sinh viên thực tập, nghiên cứu. Chúng tôi và các em sinh viên xin gửi lời tri ân đến tất cả những người đã tham gia vào phong trào hiến xác cho y học, giúp cán bộ, sinh viên của trường học tập, nghiên cứu được thuận lợi hơn. Những người ấy khi chết không có nghĩa là trở về với cát bụi, là hết. Họ vẫn còn sống mãi...”.

KIM – THU

Chia sẻ bài viết