31/12/2012 - 16:35

Sáng tạo vì nông dân

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lộc (áo Blouse trắng) chuyển giao quy trình sản xuất chế phẩm trừ sâu sinh học cho nông dân An Giang.

Hơn 10 năm nghiên cứu, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lộc, công tác tại Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chế tạo thành công 2 chế phẩm sinh học (nấm trắng và nấm xanh) trừ sâu bệnh, đặc biệt là rầy nâu hại lúa. Đến nay, quy trình sản xuất 2 chế phẩm này đã hoàn thiện, có thể sản xuất quy mô lớn và chuyển giao cho hàng chục ngàn nông dân vùng ĐBSCL tự sản xuất để nâng cao hiệu quả trồng lúa. Thành công này có được nhờ nhiệt huyết, lòng đam mê của nhà khoa học nữ gắn bó với bà con nông dân.

Duyên nợ với nấm ký sinh

Việc sử dụng nấm ký sinh phát triển thành chế phẩm sinh học phòng trừ rầy nâu đến với Tiến sĩ Lộc như một cơ duyên và may mắn. Khoảng năm 1990, khi đang học tập, nghiên cứu ở Ấn Độ, tình cờ Tiến sĩ Lộc đi ngang qua ruộng lúa cháy rầy nâu và phát hiện trên thân những con rầy nâu chết mọc nhiều nấm trắng. Bà liền thu thập những mẫu vật này về nghiên cứu. Do không phải là chuyên ngành đang theo học nên việc nghiên cứu về nấm trắng ký sinh gặp rất nhiều khó khăn, Tiến sĩ Lộc phải tự mày mò nghiên cứu tài liệu, trao đổi với đồng nghiệp, thầy giáo về nấm ký sinh trên côn trùng. Quá trình nghiên cứu nhận thấy, nấm trắng ký sinh có tiềm năng lớn có thể phát triển thành chế phẩm sinh học trong việc phòng trừ các loại sâu hại nói chung, rầy nâu nói riêng. Tiến sĩ Lộc quyết định chuyển sang nghiên cứu về nấm trắng ký sinh và bảo vệ luận án tiến sĩ về loại nấm này tại Ấn Độ với kết quả xuất sắc.

Mang kết quả về Việt Nam năm 1995, với vị trí Trưởng bộ môn Sinh thái côn trùng và Phòng trừ sinh học (Viện Lúa ĐBSCL), Tiến sĩ Lộc cùng với các cộng sự đi nhiều nơi nghiên cứu về các loài nấm ký sinh có khả năng diệt côn trùng hại lúa. Hơn 7 năm nghiên cứu, Tiến sĩ Lộc đã thu thập, phân lập và định danh 5 chủng nấm xanh, 6 chủng nấm trắng có hiệu lực diệt côn trùng cao. Từ đó, Tiến sĩ Lộc sử dụng 2 loại nấm này sản xuất thành công 2 chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh hại lúa với tên thương mại là Ometar và Biovip được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh mục thuốc sinh học bảo vệ thực vật.

Năm 2006, nông dân ĐBSCL phải đối mặt với dịch rầy nâu phá hoại lúa nghiêm trọng, diện tích lúa nhiều tỉnh, thành bị cháy rầy trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến đời sống nông dân. Các loại thuốc hóa học phun trừ rầy nâu được sử dụng nhiều, khối lượng khá lớn nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Đặc biệt, nhiều nông dân lạm dụng thuốc hóa học, không tuân thủ nguyên tắc 4 đúng làm rầy nâu biến thể kháng thuốc. Trước tình hình này, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Lúa ĐBSCL thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm "Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất hai chế phẩm trừ sâu sinh học Ometar và Biovip" từ kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Lộc. Kết quả nghiên cứu và thử nghiệm chứng minh: Hai chế phẩm sinh học Ometar và Biovip có hiệu quả cao trong phòng trừ rầy nâu và bọ xít hại lúa. Hai sản phẩm này không ảnh hưởng tới các loại thiên địch có lợi trên ruộng lúa, có khả năng lây lan nhanh nên có tác dụng lâu bền trong quản lý, phòng trừ rầy nâu hại lúa. Từ đó, quy trình sản xuất hai chế phẩm sinh học hoàn thiện, thành 1 dây chuyền sản xuất mới hoàn hảo với chất lượng cao, khối lượng lớn giúp nông dân phòng trừ rầy nâu hiệu quả, tiết kiệm và an toàn. Sử dụng chế phẩm sinh học này, nông dân chỉ tốn chi phí 200.000 đồng/ha/lần phun (trong khi sử dụng thuốc hóa học tốn 500.000 đồng/ha/lần phun) nhưng có tác dụng diệt rầy lâu dài không gây hại môi trường, ảnh hưởng sức khỏe nông dân. Từ quy trình công nghệ này, Tiến sĩ Lộc cùng các cộng sự đã sản xuất hơn 45 tấn chế phẩm sinh học trừ rầy nâu hiệu quả cho hàng ngàn héc-ta lúa ở ĐBSCL.

Sáng tạo vì nông dân

Từ kết quả trên, để chế phẩm sinh học đến với đông đảo nông dân, Tiến sĩ Lộc đã nghiên cứu và sáng tạo ra "Quy trình sản xuất nhanh chế phẩm nấm xanh Ometar ở quy mô nông hộ", rất đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp với điều kiện của nông dân. Quy trình sản xuất tóm tắt như sau: Sử dụng 300 gram tấm bỏ vào bọc ni lông chịu nhiệt, cho lượng nước từ 120-180ml vào, rồi bỏ vào nồi hấp. Sau 2 tiếng lấy ra để nguội làm xốp tấm, rồi đem vào tủ cấy nấm. Cuối cùng rắc bào tử nấm trần đã chín chứa sẵn trong ống vào tấm đã chín. Sau 2 tuần nấm phát triển và có thể sử dụng được. Sản xuất chế phẩm sinh học Ometar theo quy trình này, mỗi héc-ta lúa nông dân chỉ tốn khoảng 50.000 đồng, hiệu quả phòng trừ rầy nâu rất cao. Quy trình này, Tiến sĩ Lộc và nhóm cộng sự chọn tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh là nơi có đông nông dân Khmer để chuyển giao. Nhiều nông dân Khmer qua hướng dẫn của Tiến sĩ Lộc, cán bộ khuyến nông địa phương đã sản xuất thành công chế phẩm sinh học Ometar tại nhà để phòng trừ rầy nâu cho ruộng lúa của mình rất hiệu quả.

Từ năm 2008 đến nay, Tiến sĩ Lộc và nhóm cộng sự đã chuyển giao quy trình sản xuất nấm xanh cho cán bộ kỹ thuật và hàng chục ngàn nông dân ở 7 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và 2 tỉnh Bình Thuận và Bình Định, đem lại lợi nhuận cho bà con nông dân hơn 170 tỉ đồng. Hiện nhiều tỉnh, thành trong cả nước đăng ký với Tiến sĩ Lộc để chuyển giao trong thời gian tới. Hai chế phẩm trừ sâu sinh học Ometar và Biovip cũng đã ứng dụng thành công trong phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa ở tỉnh Trà Vinh, TP Cần Thơ và tỉnh Tiền Giang; trừ bọ trĩ hại nho ở Ninh Thuận và bọ xít hại chè ở Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lộc cho biết: Để 2 chế phẩm sinh học Ometar và Biovip được nông dân tin dùng, thay thế dần các loại thuốc hóa học trừ rầy nâu trên thị trường phải trải qua 1 quá trình rất gian nan. Vì từ trước tới nay, nông dân vùng ĐBSCL có thói quen hễ thấy ruộng lúa bị sâu rầy là dùng thuốc hóa học phun xịt, rầy chết nhanh. Còn sử dụng 2 chế phẩm sinh học này không mang lại hiệu quả tức thời mà từ 3-5 ngày thuốc mới phát huy tác dụng nên lúc đầu nông dân chưa tin tưởng. Để thuyết phục nông dân, Tiến sĩ Lộc tiến hành thực nghiệm trên ruộng lúa cùng nông dân và đối chiếu với ruộng lúa phun xịt thuốc hóa học. Kết quả, sử dụng chế phẩm sinh học chỉ phun 1 lần hiệu quả diệt rầy cao, giá thành thấp, năng suất lúa ổn định, trong khi ruộng đối chiếu phải phun thuốc hóa học diệt rầy từ 2-3 lần, chi phí cao hơn từ 3-5 lần.

Theo đánh giá của Hội đồng Khoa học và Công nghệ quốc gia, hai chế phẩm trừ sâu sinh học Ometar và Biovip đã ứng dụng công nghệ mới để tạo ra bào tử trần chín và sử dụng bào tử này nhân nuôi trên môi trường thứ cấp (tấm, gạo) với kỹ thuật "rắc bào tử" rất đơn giản, dễ thực hiện và ít bị tạp nhiễm. Nhờ vậy, việc sản xuất 2 chế phẩm sinh học Ometar và Biovip ở quy mô lớn, gấp nhiều lần quy trình cũ, sản phẩm chất lượng cao, hòa tan được trong nước rất tiện dụng cho bà con nông dân. Đặc biệt, bước sáng tạo đột phá nhất là đề xuất "quy trình sản xuất nhanh chế phẩm nấm xanh Ometar ở quy mô nông hộ" rất đơn giản, dễ áp dụng để chuyển giao cho nông dân nhằm xã hội hóa việc sản xuất chế phẩm trừ sâu sinh học, giúp phòng trừ rầy nâu hiệu quả, an toàn và bền vững.

Với những đóng góp lớn cho khoa học mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao, công trình "Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất 2 chế phẩm trừ sâu sinh học Ometar và Biovip" của Tiến sĩ Nguyễn Thị Lộc được trao giải Nhì cuộc thi sáng tạo khoa học công nghệ toàn quốc năm 2011, vinh dự nhận giải thưởng WIPO dành cho tác giả nữ xuất sắc của tổ chức Sở Hữu trí tuệ thế giới 2011, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có nhiều đóng góp cho khoa học phục vụ nông dân…

Vậy là ước mơ hơn 30 năm của Tiến sĩ Lộc khi từ Hà Nội vào công tác vùng ĐBSCL là sản xuất ra chế phẩm sinh học trừ sâu thay thế thuốc hóa học nhằm giảm ô nhiễm môi trường, nhất là nguồn nước kênh rạch, bảo vệ sức khỏe cho nông dân đã thành hiện thực. Chia sẻ với chúng tôi về công trình khoa học của mình, Tiến sĩ Lộc tâm đắc nhất là sáng tạo ra quy trình sản xuất chế phẩm sinh học ở quy mô nông hộ bằng cách "rắc bào tử nấm" (chứ không sử dụng que cấy) rất đơn giản, dễ thực hiện. Nhờ đó, lần đầu tiên nông dân Việt Nam có thể tự sản xuất ra chế phẩm trừ sâu sinh học để diệt rầy nâu và các loại sâu hại khác, góp phần hỗ trợ nông dân phòng trừ rầy nâu hiệu quả, an toàn, tiết kiệm...

Năm nay bước sang tuổi 56 nhưng Tiến sĩ Nguyễn Thị Lộc vẫn đam mê và sáng tạo với công việc. Để công trình, chế phẩm trừ sâu sinh học đến với đông đảo nông dân cả nước, Tiến sĩ Lộc tiếp tục gắn bó với các cộng sự của mình thêm 5 năm nữa ở Viện Lúa ĐBSCL để chuyển giao kỹ thuật sản xuất chế phẩm trừ sâu sinh học đến đông đảo nông dân cả nước, giúp nông dân phòng trừ rầy nâu hiệu quả, tiết kiệm, an toàn. Đây cũng là cách Tiến sĩ Lộc bày tỏ lòng tri ân của mình đối với vùng đất, con người mà mình gắn bó cả đời cho khoa học để phục vụ nông dân.

Bài, ảnh: MINH THANH

Chia sẻ bài viết