02/02/2017 - 21:33

Rủ nhau lên núi ngắm hoa mai anh đào

Mỗi độ mai anh đào khoe sắc, phố núi nhuốm màu hồng lãng mạn xen lẫn vào màu thông xanh mượt mà và mặt hồ lục thủy phẳng lặng. Năm nay, lần đầu tiên xứ sở ngàn hoa tổ chức Lễ hội Hoa mai anh đào (từ 11 đến 13-2-2017), miền đất này lại thêm một mùa xuân…

Đà Lạt quanh năm đầy hương sắc nhưng chỉ có mùa xuân mới nhuốm hồng mơ mộng. Bờ hồ Xuân Hương- trái tim giữa lòng phố Đà Lạt, có nhiều cội mai anh đào lâu năm, vươn ra mặt hồ rợp một màu hồng của hoa. Tiếc rằng, có một thời gian, người ta di dời hoặc chặt bỏ loài hoa này trong phố để thay bằng các loại cây và hoa khác. Nhưng sau đó, những người Đà Lạt và hội những người yêu Đà Lạt đề xuất trồng lại loài hoa này để giữ lại trọn vẹn Đà Lạt như nó vốn có. Khắp bờ hồ, nhiều cây mới được trồng lại trong vài năm gần đây, giờ đã trổ hoa rực rỡ. Đường biệt thự cổ Trần Hưng Đạo cũng có nhiều gốc mai anh đào mới trồng nay đã có dáng cây đẹp, giăng hàng trước những ô cửa sổ cổ kính. Riêng tuyến đường Đống Đa, có nhiều cội mai anh đào già nở hoa rợp cả một góc trời. Khu vực quanh hồ Tuyền Lâm, suốt chiều dài hơn mười cây số, là không gian mai anh đào rực rỡ, được chọn làm nơi tổ chức lễ hội tôn vinh loài hoa này.

Du khách và hoa mai anh đào.

Mai anh đào là loài hoa đặc trưng của miền hoa Đà Lạt. Chúng là loài cây dại, được mang về phố trồng sau khi Bác sĩ Yersin phát hiện vùng đất "Đạh Lạch" (tên gọi xưa của Đà Lạt) và phát triển làm nơi nghỉ dưỡng cho quan chức Pháp ở Đông Dương thời bấy giờ. Khi đó, khắp các tuyến đường trung tâm, trong khuôn viên những ngôi biệt thự nằm vút trên đồi cao hay sâu hun hút dưới thung lũng đều rợp bóng mai anh đào. Sau đó, người dân Đà Lạt mới mang loài hoa này về trồng trước nhà cùng với cây đào, cây mận có nguồn gốc từ miền Bắc. Tuy nhiên, những không gian đó ngày nay đã hiếm. Chỉ có một số ít nhà dân giữ lại những cội mai anh đào già. Các ngôi biệt thự cổ hầu như vắng bóng hoặc chỉ mới được trồng lại gần đây. Riêng không gian của Ana Mandara Villas Dalat, nằm cạnh con dốc cao lên nhà thờ Sơn Cước, vẫn giữ được những cội hoa già cỗi gắn liền với những ngôi biệt thự cổ kính đầy rêu phong. Băng ngang khu resort này là lối đi dân sinh của người địa phương, nên du khách có thể vào chiêm ngưỡng không gian đậm chất Đà Lạt xưa này nhưng cần giữ chừng mực, tránh làm phiền du khách đang nghỉ dưỡng tại đây. Hoặc du khách có thể lên lối đi ở tầng đường phía trên khu resort này để chiêm ngưỡng toàn cảnh không gian cổ kính từ trên cao.

Cành mai anh đào bên cửa sổ.

Chọn không gian hồ Tuyền Lâm làm điểm chính để tổ chức Lễ hội Hoa mai anh đào là một cách để "giãn khách" ở khu vực trung tâm, quảng bá nhiều lựa chọn mới khi đến Đà Lạt. Đà Lạt còn có những không gian khác, những sản phẩm du lịch khác: chèo thuyền (cao su) dạo trên hồ lục thủy đi tìm lá phong huyền thoại, ngắm mai anh đào nhuộm đồi núi hay tận hưởng một không gian mai anh đào rực rỡ tại những khu resort. Lễ hội ở xứ sở này luôn ngập tràn rượu vang và sắc màu của muôn hoa. Lần đầu tiên, 100 bức ảnh về mai anh đào được trưng bày bên bờ hồ thơ mộng giữa trời hay nghệ thuật sắp đặt "Người đẹp và hoa" ở làng nghệ sĩ Đào Nguyên. Ảnh của nhiếp ảnh gia "cuồng" Đà Lạt là MPK luôn hiện diện trong các cuộc triển lãm ảnh lễ hội, lần này lại gắn với triển lãm bộ sưu tập xe cổ tại Pini Coffee, một quán nổi tiếng nằm gần đập nước hồ Tuyền Lâm. Đó là chưa kể những vũ điệu Zumba, hóa trang và lễ hội đường phố, âm thanh, ánh sáng được tổ chức đan xen với các chương trình chính, tạo không khí hội hè miên man cho du khách ăn Tết muộn vì sự kiện diễn ra ngay sau Tết Nguyên đán, từ 11 đến 13-2-2017.

Nếu dã quỳ vàng là thiên sứ "báo đông" thì hoa mai anh đào là vị thần mùa xuân của Đà Lạt. Mai anh đào sâu trong tâm khảm của người Đà Lạt là hoa đặc trưng nhất: vừa mang sắc hồng của đào miền Bắc và cánh hoa của mai miền Nam. Đi dạo trên con đường đầy màu hồng của hoa tỏa bóng trên mặt hồ lục thủy những ngày đầu năm, sẽ thấy sự bình yên và viên mãn.

Bài, ảnh: Miên Hạ

Chia sẻ bài viết