05/07/2012 - 21:43

Ren luyện kỹ năng sống tự lập

Thực tế cho thấy, khi đứng trước những hoàn cảnh, tình huống khó khăn, những thanh niên sớm có các kỹ năng sống tự lập sẽ dễ dàng tìm ra cách ứng phó và xử lý tình huống nhanh, dễ dàng hơn những thanh niên luôn trông cậy vào sự che chở, bảo bọc của gia đình. Tuy nhiên, kỹ năng sống tự lập không thể có trong một sớm, một chiều, mà là cả quá trình giáo dục, rèn luyện và một phần phụ thuộc vào ý thức tự lực vượt khó, vươn lên ở mỗi người. Điều đáng nói là một số bạn trẻ cứ nghĩ đơn giản một khi rời gia đình, dọn ra ở riêng thì tự khắc có kỹ năng sống tự lập. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy…

* Đòi ra riêng để “tự lập”

Học kỳ quân đội là chương trình huấn luyện thường xuyên được Thành đoàn Cần Thơ tổ chức, nhằm trang bị kỹ năng sống nhất là kỹ năng tự lập cho thanh thiếu niên.  

Mỹ Xuyên (quê ở Ô Môn, TP Cần Thơ) là học viên một trường trung cấp tại Cần Thơ. Sinh ra trong gia đình khá giả lại chỉ có hai mẹ con nên từ nhỏ Xuyên được mẹ hết mực cưng chìu. Dù đã 19 tuổi nhưng tất cả mọi việc trong nhà từ quét dọn đến rửa chén, giặt quần áo, mẹ Xuyên đều làm thay con. Khi Xuyên nhập học ở một trường trung cấp trong nội ô thành phố, mẹ Xuyên không muốn cho con ở trọ mà muốn mỗi ngày Xuyên về nhà để tiện chăm sóc. Có điều kiện tiếp xúc với môi trường mới, thích cuộc sống tự lập, cộng với sự rủ rê của bạn bè, Xuyên nài nỉ mẹ xin thuê nhà trọ ở riêng. Nhiều lần không được, Xuyên viện đủ lý do, như: lịch học nhiều, đường sá xa xôi, phải học thêm ban đêm...

Thấy ở trọ cũng nhiều tiện lợi nên dù còn chút lo lắng cho con nhưng mẹ Xuyên cũng đồng ý. Hơn 3 tháng nay, Xuyên cùng với 3 người bạn được tự do làm những gì mình thích, như: nghe nhạc, xem phim cả ngày, tha hồ đi chơi, ăn uống xong cũng chẳng cần rửa chén ngay. Do được bao biện từ nhỏ nên khi sống tự lập, Xuyên chẳng hề biết chuyện bếp núc, ăn uống thất thường. Thương con gái, mỗi tuần 2 – 3 lần, mẹ Xuyên phải lỉnh kỉnh mang thức ăn “chu cấp”. Đáng trách hơn, cứ mỗi lần mẹ Xuyên lên thăm thì cô “nhờ” mẹ giặt luôn cả thau quần áo.

Nguyễn Văn Thành (quê ở thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang), sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, tâm sự: “Mình không muốn bị cha mẹ quản thúc, đi thưa về trình nên muốn sống riêng để tự lập, thoải mái hơn”. Vì muốn có cuộc sống tự do nên dù nhà ngoại của Thành ở ngay đường Tầm Vu (quận Ninh Kiều) nhưng cậu vẫn một mực thuê nhà trọ mặc cho gia đình khuyên giải. Thoát khỏi sự quản lý của gia đình, Thành có cơ hội vui chơi thâu đêm cùng bạn bè. Phòng trọ của Thành hầu như tuần nào cũng có tiệc tùng, cờ bạc. Hễ chủ nhà trọ nhắc nhở thì Thành tìm thuê nhà trọ khác “dễ dãi” hơn. Sống “tự lập” nhưng vài hôm hết tiền Thành lại cầu viện gia đình với đủ thứ lý do... Khi có tiền, lại tiêu xài phung phí...

Đã ngoài 23 tuổi nhưng Trương Thanh Trường (quê ở Trà Vinh) – nhân viên kế toán một doanh nghiệp ở TP Cần Thơ, lại hành xử hồn nhiên như “trẻ con”. Cứ mỗi khi gặp khó khăn, thiếu hụt tiền chi xài, Trường đều gọi điện về gia đình để cầu cứu. Mới đây, cả nhà trọ đều lắc đầu ngao ngán khi Trường xảy ra xích mích chuyện tiền nong với bạn bè ở chung phòng thì gọi điện nhờ cha mẹ lên giải quyết. Ngay cả việc chuyển nhà trọ, Trường cũng gọi cha mẹ ở quê lên tìm nhà trọ. Ngây ngô hơn, chỉ cần bị đứt tay, Trường sợ hãi gọi điện cầu cứu đến cha mẹ...

* Chìa khóa thành công

Thực tế để sống tự lập, nhiều bạn trẻ phải vượt qua không ít khó khăn ban đầu và rất cần sự giúp đỡ, động viên của gia đình. Nhưng chính quá trình “tự nuôi sống” bản thân sẽ giúp mỗi bạn trẻ trưởng thành hơn. Nguyễn Khắc Phiên (24 tuổi) – chủ quán cơm 91B (đường Nguyễn Văn Linh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) là một trong trường hợp như thế. Những năm đầu thời sinh viên, mọi chi phí đều xin gia đình, Khắc Phiên rất ngại. Nghĩ vậy, Khắc Phiên nảy ra ý định mình sẽ tự kiếm tiền để trang trải chi phí sinh hoạt. Sau thời gian đi làm thêm ở quán cơm sinh viên, Khắc Phiên bàn bạc với gia đình thuê một mặt bằng mở quán cơm. Lợi nhuận từ quán cơm tuy chưa nhiều nhưng cũng khá dư để Khắc Phiên học tập. Sau khi tốt nghiệp đại học, Khắc Phiên tập trung cho kinh doanh và học thêm tiếng Anh.

Theo nhiều sinh viên, khi mới chập chững bước vào ngưỡng cửa đại học, thấy các anh chị khóa trước dù sống xa gia đình nhưng vẫn có thể tự nuôi sống bản thân, vừa có thể học tốt trên giảng đường, vừa tích lũy thêm kỹ năng sống... đã thôi thúc các bạn hướng đến cuộc sống tự lập để khẳng định bản thân. Nguyễn Thị Ngọc, sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, là một trong số những bạn trẻ sớm biết tự lập và tự tin hoạch định tương lai cho mình. Ngoài giờ học trên lớp, Ngọc tranh thủ thời gian đi làm gia sư, chủ động kiếm tiền để giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Ngọc tự thiết lập cho mình kế hoạch cụ thể cho từng công việc, như: một tháng lương phải chi tiêu bao nhiêu cho tiền điện, nước, tiền ăn uống, tiền học. Ngọc bộc bạch: “Điều quan trọng khi sống tự lập là phải cân đối được chi tiêu. Bên cạnh đó, mỗi người phải dành dụm một số tiền phòng khi có sự cố bất ngờ như: bệnh tật, xe hư,...”. Theo Ngọc, quá trình sống tự lập giúp bản thân hiểu biết nhiều hơn, tự tin hơn, đồng thời có đủ bản lĩnh để vượt qua khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

***

Để trang bị kỹ năng sống, nhất là kỹ năng sống tự lập cho thanh thiếu niên, thời gian qua, Thành đoàn Cần Thơ đã tổ chức nhiều hoạt động huấn luyện cho thanh thiếu niên. Mới nhất là lớp huấn luyện Học kỳ quân đội, lồng ghép trong các chương trình huấn luyện, dã ngoại hay các lớp tập huấn cán bộ Đoàn. Ngoài ra, các diễn đàn “Thanh niên sống đẹp, sống có ích”, “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam”... cũng được các cấp bộ Đoàn lồng ghép mời diễn giả nói về kỹ năng sống trong đó có kỹ năng tự lập cho học sinh, sinh viên... Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia tâm lý, kỹ năng sống tự lập được hình thành chủ yếu qua quá trình giáo dục, rèn luyện và phụ thuộc vào ý thức vượt khó, tự lực vươn lên của mỗi người...

Bài, ảnh: DÂN AN

Chia sẻ bài viết