03/04/2018 - 21:24

Qua giám sát của Ban Văn hóa - xã hội HĐND Thành phố

Quan tâm chất lượng xây dựng, sửa chữa các trường đạt chuẩn quốc gia 

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố vừa kết thúc đợt giám sát công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp các cơ sở giáo dục công lập đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn thành phố. Trước khi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, Đoàn giám sát đã tìm hiểu tình hình thực tế tại một số trường và có cuộc giám sát về công tác trên tại các quận Thốt Nốt, Ô Môn, Ninh Kiều, Cái Răng và huyện Phong Điền. Qua giám sát cho thấy, nhiều trường học trên địa bàn thành phố được nâng cấp khang trang, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Tuy nhiên, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cũng còn một số khó khăn, hạn chế...

Nỗ lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia

Hiện nay, toàn thành phố có 281 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia (ĐCQG), chiếm 61% tổng số trường trên địa bàn thành phố (bao gồm cả 48 trường ngoài công lập). Hầu hết các trường được công nhận ĐCQG đều có khuôn viên rộng rãi, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học khá đầy đủ, hiện đại. Chẳng hạn, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, quận Ô Môn  (là trường tiểu học được công nhận ĐCQG mức độ 2 đầu tiên ở TP Cần Thơ và khu vực ĐBSCL vào năm 2007) có diện tích trên 7.000m2, 30 phòng học, 17 phòng chức năng với 52 cán bộ, giáo viên có trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu dạy và học. Cô Nguyễn Thị Bích Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, cho biết: “Năm 2007 đến nay, Trường nhiều lần được tái công nhận ĐCQG mức độ 2. Để nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường tiếp tục tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tiếp tục duy trì các câu lạc bộ viết chữ đẹp, mỹ thuật và nhiều hoạt động trải nghiệm để nâng cao chất lượng dạy và học...”.

Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố khảo sát khu nhà ăn tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, quận Ô Môn.

Trường THPT Thốt Nốt, quận Thốt Nốt cũng là một trong những trường được Đoàn giám sát đánh giá cao về kết quả thực hiện các tiêu chí trường ĐCQG. Trường THPT Thốt Nốt được công nhận ĐCQG vào năm 2014. Trường có 43 phòng học, với diện tích 48m2/phòng, bàn ghế học sinh, giáo viên, bảng đúng quy cách; phòng học thoáng mát, đủ ánh sáng và an toàn; các phòng chức năng đều đạt chuẩn, khu sân chơi được tráng bê tông và trồng cây xanh… Trường có lắp đặt wifi và 18 camera để phục vụ công tác quản lý, dạy học… Nhiều trường khác cũng được đầu tư khang trang, thiết bị dạy học đầy đủ, góp phần phục vụ tốt công tác dạy và học.

Đoàn giám sát ghi nhận những nỗ lực của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố và các đơn vị liên quan, nhất là đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho UBND thành phố trong công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp các cơ sở giáo dục công lập ĐCQG; ghi nhận lãnh đạo các quận, huyện rất quan tâm thực hiện đúng quy định phân bổ nguồn vốn trong việc đầu tư xây dựng trường ĐCQG.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, xây dựng

Bên cạnh những kết quả đạt được,  Đoàn giám sát cũng nhận thấy có một số trường ĐCQG không đảm bảo chất lượng xây dựng, một số hạng mục mau xuống cấp, hư hỏng. Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng) được đưa vào hoạt động từ tháng 8-2017, nhưng đến nay có nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp. Hiện tại, gạch lót nền, gạch dán tường ở một số phòng học bị bong tróc, trang thiết bị ở nhà vệ sinh dễ bị hư hỏng, hệ thống thoát khí ở nhà vệ sinh hoạt động không đảm bảo… Ông Lê Văn Thưởng, thành viên Đoàn giám sát, nêu thắc mắc: “Trường mới được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động chưa đến 1 năm mà đã xuống cấp thì không thể chấp nhận...”.

Tương tự, khảo sát thực tế tại Trường THCS Trung Kiên, quận Thốt Nốt, Đoàn giám sát cũng nhận thấy chất lượng xây dựng chưa đảm bảo. Trường mới đưa vào hoạt động chưa được 1 năm nhưng gạch lót nền nhiều phòng ở tầng trệt bị sụp, lún... Các thành viên Đoàn giám sát đề nghị chủ đầu tư, lãnh đạo các trường cần phối hợp chặt chẽ để khắc phục tình trạng xuống cấp ở các trường, hạn chế thấp nhất tình huống đáng tiếc có thể xảy ra.

Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát, trả lời vấn đề đoàn đặt ra về tình trạng một số trường mới đưa vào sử dụng đã bị xuống cấp, hư hỏng, bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, cho biết: “Những trường được đầu tư mới có dấu hiệu bị hư hỏng, bong tróc, sụp lún… đều còn trong giai đoạn bảo hành. Những trường hợp trên sẽ được đơn vị thi công sửa chữa, khắc phục trong thời gian tới...”. Trong đợt giám sát này, Đoàn giám sát cũng nhận thấy một số địa phương còn gặp khó khăn trong xây dựng, sửa chữa trường ĐCQG. Nguyên nhân là do thiếu kinh phí đầu tư; công tác bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng còn chậm; việc thi công chưa đảm bảo tiến độ;...

Đoàn giám sát đề nghị lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, các đơn vị liên quan và các địa phương sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng, nâng cấp các cơ sở giáo dục công lập ĐCQG; đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo kế hoạch đề ra; quan tâm công tác duy tu, sửa chữa và đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất để phục vụ cho công tác giáo dục được tốt hơn…

Thanh Thư

Chia sẻ bài viết