22/11/2022 - 09:44

Quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc: 30 năm nhìn lại và định hướng phát triển trong bối cảnh mới 

Ngày 21/11, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đại sứ quán Hàn Quốc và Học viện Ngoại giao Hàn Quốc phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc: 30 năm nhìn lại và định hướng phát triển trong bối cảnh mới”.

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh hai nước đang có nhiều hoạt động kỷ niệm 30 năm Việt Nam - Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao (22/12/1992 – 22/12/2022).

  Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu khai mạc. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN
 

Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Hong Hyunik – Giám đốc Học viện Ngoại giao Hàn Quốc (KNDA); Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Oh Youngju đồng chủ trì phiên khai mạc Hội thảo.

Hội thảo diễn ra trong 1 ngày với sự tham dự trực tiếp của khoảng 500 đại biểu của Việt Nam và Hàn Quốc. Khoảng 100 đại biểu tham dự trực tuyến tại các điểm cầu Học viện khu vực trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại ba miền Bắc, Trung, Nam.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, với tầm nhìn chung về một thế giới và khu vực Đông Á hòa bình, hợp tác, cùng phát triển, ngày 22/12/1992, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Đại Hàn Dân quốc đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một trang sử mới cho quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc vốn có những mối bang giao tốt đẹp từ lâu đời.

Nhìn lại 30 năm qua, vượt qua những biến động của tình hình thế giới và khu vực, những thăng trầm của bối cảnh lịch sử, những khác biệt, rào cản đã từng ngăn trở quan hệ hai nước trong quá khứ, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã không ngừng phát triển, trở thành hình mẫu cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Đông Á và sự hợp tác thành công chưa từng có. Chưa đầy 10 năm sau ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, đến năm 2001, quan hệ giữa hai nước đã được nâng tầm thành Quan hệ đối tác toàn diện; đến năm 2009 đã trở thành Quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược, với đà phát triển ngày càng mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc.

Lĩnh vực kinh tế là trụ cột trong quan hệ hai nước. Việt Nam và Hàn Quốc đã trở thành những đối tác kinh tế hàng đầu của nhau. Năm 2015, hai nước ký Hiệp định Thương mại tự do song phương (VKFTA) và hiện đều là thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP). Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba, là nước đứng thứ nhất về đầu tư trực tiếp và đứng thứ hai về hợp tác phát triển (ODA) của Việt Nam; còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc.  

Hợp tác trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục đào tạo và giao lưu nhân dân hai nước ngày càng trở nên sâu sắc. Việt Nam là quốc gia có số du học sinh tại Hàn Quốc lớn thứ hai. Cộng đồng người Việt Nam ở Hàn Quốc và cộng đồng người Hàn Quốc ở Việt Nam đã thật sự trở thành cầu nối quan trọng trong mối quan hệ chặt chẽ và tình cảm gắn bó giữa nhân dân hai nước.

Hợp tác phát triển du lịch đang trở thành điểm sáng trong quan hệ Việt - Hàn. Trong những năm qua, Việt Nam là điểm đến yêu thích của nhiều người Hàn Quốc.

Hợp tác y tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã có những bước phát triển nổi bật. Hàn Quốc là một trong những nước đầu tiên hỗ trợ Việt Nam trong phòng dịch COVID-19. Đặc biệt, tháng 10/2021, Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ Chính phủ và nhân dân Việt Nam 1,1 triệu liều vaccine Astra Zeneca. Đây là đợt hỗ trợ vaccine song phương đầu tiên và lớn nhất của Hàn Quốc cho các đối tác trong bối cảnh khan hiếm vaccine trên toàn cầu, cũng như tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp ở Hàn Quốc.

Để có được những thành quả phát triển to lớn đó, theo Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, trước hết, Việt Nam và Hàn Quốc luôn nhận thức rõ về tầm quan trọng có ý nghĩa chiến lược của mối quan hệ Việt – Hàn đối với mỗi nước; sự phát triển năng động, ổn định của mỗi nước là điều kiện thuận lợi để hai nước mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương. Việt Nam và Hàn Quốc đều thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình, hữu nghị, đa phương hóa, đa dạng hóa, tích cực đóng góp cho hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

“Kế thừa những thành tựu to lớn đã đạt được trong 30 năm qua, quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc đang có một nền tảng vững chắc, những điều kiện thuận lợi và tiềm năng phát triển to lớn để nâng tầm thành Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong giai đoạn mới”, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng khẳng định.

  Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Oh Youngju phát biểu chào mừng. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Oh Youngju cho rằng, Chính phủ hai nước từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao cho đến nay đã luôn nhất quán trong quan điểm coi hai nước là những đối tác quan trọng. Theo Đại sứ, tại Hàn Quốc, kể từ Tổng thống Kim Young-sam năm 1996, tất cả 6 Tổng thống đã có chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam vào đầu nhiệm kỳ. Đây là một ví dụ rất hiếm, thể hiện rõ rằng tất cả các nhà lãnh đạo Hàn Quốc đều coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu. Việt Nam cũng vậy. Từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, các Lãnh đạo Việt Nam như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đều đến thăm Hàn Quốc, điều này thể hiện rõ Việt Nam duy trì chính sách nhất quán trong quan hệ với Hàn Quốc.

“Lập trường chính trị vững chắc về sự phát triển quan hệ song phương được chia sẻ ở cấp lãnh đạo hai nước đã trở thành động lực thúc đẩy hai nước phát triển, là đối tác quan trọng nhất của nhau trong vòng 30 năm và là nền tảng để thiết lập quan hệ song phương ở mức cao nhất. Tôi muốn gọi mối quan hệ song phương này là 'kỳ tích' trong lịch sử ngoại giao hai nước”, Đại sứ Oh Youngju  nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm của Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng và Đại sứ Oh Youngju, ông Hong Hyunik, Giám đốc Học viện Ngoại giao Hàn Quốc (KNDA) cho rằng, Việt Nam và Hàn Quốc là hai nước khá tương đồng. Quy mô quốc gia tương tự nhau, cùng nhau có mục tiêu chung là hướng đến phát triển và hòa bình chung của khu vực châu Á cũng như trên toàn thế giới.

Hai nước đang có nhiều điều kiện nền tảng thuận lợi để tăng cường hợp tác song phương như sự tương đồng về văn hóa, nho giáo, coi trọng giáo dục, sự cần cù của người dân, văn hóa ăn uống sử dụng đũa, văn hóa tâm linh, sự gắn bó, coi trọng gia đình… vì vậy, cần nỗ lực nhiều hơn trong sự phát triển song phương hướng tới nâng cấp lên quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Nhân dân hai nước cũng cần có sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau hơn nữa. “Tôi rất kì vọng vào thế hệ trẻ hai nước kết hợp với nhau và đưa ra nhiều sáng kiến hợp tác để thúc đẩy quan hệ song phương”, ông Hong Hyunik phát biểu.

Hội thảo “Quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc: 30 năm nhìn lại và định hướng phát triển trong bối cảnh mới” là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý hai nước nhìn lại, đánh giá kết quả của 30 năm quan hệ giữa hai quốc gia trên các phương diện kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, xã hội, thể thao, du lịch, an ninh, quốc phòng...

Bên cạnh đó, Hội thảo cũng là diễn đàn để trao đổi, thảo luận, làm rõ định hướng phát triển tiếp theo trong bối cảnh mới của quan hệ giữa hai quốc gia. Trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp khắc phục những tồn tại, phát huy những thành tựu để quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc được tiếp tục vun đắp và phát triển trong những năm sắp tới; xác định những lĩnh vực trọng tâm, cốt lõi nhằm phát huy tối đa tiềm năng hợp tác giữa hai quốc gia.

Hội thảo được tổ chức thành 2 phiên (phiên toàn thể và phiên chuyên đề) với 3 nhóm nội dung thảo luận chính: (i) quan hệ hợp tác chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng; (ii) quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; (iii) quan hệ hợp tác văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, báo chí truyền thông, du lịch, đối ngoại nhân dân. Mỗi phiên có những báo cáo tham luận và thảo luận bàn tròn giữa các chuyên gia, nhà khoa học và cơ quan quản lý Việt Nam và Hàn Quốc.

Những trao đổi tại Hội thảo đã làm nổi bật kết quả của 30 năm quan hệ giữa hai quốc gia về các nội dung trên và những định hướng mới để tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được,  khắc phục các rào cản, vướng mắc cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước trong những năm tới./.

Chia sẻ bài viết