08/10/2021 - 11:32

Phục hồi du lịch - Thích ứng linh hoạt và phải an toàn 

Sau thời gian dài đóng băng do dịch COVID-19, ngành Du lịch Việt Nam đang có động thái bắt nhịp trở lại, với mục tiêu vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vừa đảm bảo an toàn trước COVID-19. Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) vừa tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành trọng điểm về du lịch, để xác định rõ những khó khăn và đề ra giải pháp hữu hiệu.

Loại hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp sẽ là xu hướng được lựa chọn khi kích hoạt du lịch trở lại. Trong ảnh: Bay dù lượn ngắm biển tại Vinpearl, Hòn Tre, Khánh Hòa.

Từng bước thích ứng

Trong tháng 9-2021, Bộ VHTT&DL có Kế hoạch số 3228/KH-BVHTTDL triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành trên cả nước. Trong đó có 6 nội dung: đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch; tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường; đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch. Trên cơ sở này, các tỉnh, thành cũng đã xây dựng và triển khai các giải pháp nhằm kích hoạt du lịch trở lại. Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du Lịch, cho biết: Trong điều kiện mới, an toàn trong các hoạt động du lịch là mục tiêu hàng đầu, trên cơ sở bám sát phương châm “an toàn đến đâu mở đến đó, mở cửa phải an toàn”. Lộ trình mở cửa này cũng theo tình hình thực tế của mỗi địa phương, từng giai đoạn, từ du lịch nội tỉnh, nội địa đến quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, cho biết: “TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức một số chuyến du lịch đến các vùng xanh Cần Giờ, Củ Chi. Ðây cũng là bước đầu thử nghiệm chương trình du lịch nội tỉnh theo mô hình khép kín. Theo lộ trình, du lịch TP Hồ Chí Minh triển khai du lịch nội vùng từ tháng 10, đến tháng 11 sẽ mở rộng liên tỉnh. Dự kiến đầu năm 2022 sẽ đón khách quốc tế và tập trung cho thị trường châu Á”. Theo đó, TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh tỷ lệ tiêm ngừa COVID-19 với mục tiêu đạt 80% trong cộng đồng, tạo điều kiện cho du lịch hoạt động trong tình hình mới.

Tương tự, Quảng Ninh cũng đã chính thức cho phép du lịch nội tỉnh từ ngày 21-9. Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, thông tin: “Tỉnh chuẩn bị kỹ cho lộ trình này với nhiều kế hoạch đang được triển khai, trong đó miễn hoàn toàn phí tham quan điểm đến trong năm 2021, tập trung cho du lịch nội tỉnh và nội địa. Trên cơ sở những hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ VHTT&DL, chúng tôi đang xây dựng bộ tiêu chí và quy trình đón khách du lịch an toàn”.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho biết: “Chúng tôi cũng đã triển khai kế hoạch thích ứng du lịch theo tình hình mới, gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 và 2 sẽ diễn ra từ tháng 10-11 tập trung cho du lịch nội tỉnh và liên vùng. Tháng 11 sẽ là giai đoạn 3, thử nghiệm đón khách quốc tế nếu được cho phép”. Theo đó, các điểm, khu vực được lựa chọn đón khách sẽ là những nơi biệt lập, dịch vụ đa dạng và cao cấp. Thị trường tập trung là nhóm khách nhỏ, gia đình. Khánh Hòa sẽ ưu tiên tiêm vaccine cho nhân lực ngành Du lịch để đạt tỷ lệ 100%. Với điều kiện tiên quyết là quy trình khép kín, hộ chiếu vaccine; địa phương cũng đang xây dựng bộ tiêu chí đánh giá an toàn và quy trình cụ thể khi đón các đối tượng khách khác nhau. Khánh Hòa cũng chỉ định các đơn vị dịch vụ đón khách trong giai đoạn thí điểm để rút kinh nghiệm và mở rộng mô hình. 

Bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết: “Chúng tôi cũng đã có kế hoạch thí điểm đón khách ở các điểm du lịch an toàn và lựa chọn Vietravel, Saigon Tourist xây dựng mô hình đưa đón khách kép kín. Bước đầu chúng tôi sẽ kết nối với các tuyến từ TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Bình Dương. Tập trung thị trường Ðông Nam Bộ và ÐBSCL”. Tiêu chí đón khách của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng dựa trên vùng xanh và vaccine. 

Thách thức và gỡ khó

Bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng chia sẻ cái khó là tỷ lệ tiêm vaccine của tỉnh chỉ đạt khoảng 8% mũi 2; trong khi đó những quy định về thẻ xanh, thẻ vàng, vùng xanh ở mỗi địa phương mỗi khác gây khó cho việc di chuyển, kết nối đưa đón khách. Ðồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL TP Cần Thơ, thông tin: “Ngành Du lịch Cần Thơ đã xây dựng kế hoạch hoạt động du lịch thích ứng với tình hình mới, nhưng tỷ lệ tiêm ngừa ở thành phố đạt khoảng 5% mũi 2”. Trong khi đó, Cần Thơ lại là cửa ngõ để kết nối các tour tuyến du lịch ÐBSCL. Lại thêm là sự chồng chéo trong các quy định đi lại giữa các địa phương, các tiêu chí về thẻ xanh, thẻ vàng, thời gian cách ly mỗi nơi mỗi khác... khiến việc kết nối du lịch càng khó. 

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP Ðà Nẵng, cho biết: “Chúng tôi có khảo sát, thăm dò thị trường và khả năng tái hoạt động trở lại của các doanh nghiệp. Tuy nhiên những khó khăn về quy trình đi lại, thẻ xanh, vaccine, thời gian cách ly khiến nhiều doanh nghiệp chưa thực sự sẵn sàng hoạt động trong quý IV này. Chúng tôi cân nhắc lựa chọn phương án phù hợp, phải đảm bảo an toàn, chủ động thích ứng với tình hình thực tế. Du lịch Ðà Nẵng sẽ áp dụng mô hình nội địa vùng xanh và thí điểm từ tháng 12, sau đó từng bước hoàn thiện các cơ chế, khung tiêu chuẩn”. Trong khi đó, Phú Quốc được chọn thí điểm đón khách quốc tế vào tháng 10 nhưng buộc phải thay đổi thời gian sang tháng 11 vì tỷ lệ tiêm vaccine chưa đạt. Bà Quảng Xuân Lụa, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Hiện địa phương đang tích cực tiêm vaccine cho người dân toàn đảo để đạt 100% vào tháng 11. Chúng tôi cũng đang xây dựng lại hệ thống các dịch vụ và khung giá, dự kiến sẽ có tour khảo sát vào ngày 20 đến 23-10, sau đó sẽ vận hành quy trình đón khách từ 20-11 tới”.

Ðể vượt khó, du lịch Kiên Giang đang cân nhắc việc hỗ trợ, cho phép miễn phí test COVID-19 ở các nơi thí điểm du lịch. Còn tại Quảng Ninh, để chuẩn bị lộ trình đón khách liên tỉnh và gỡ khó cho vấn đề đi lại giữa các địa phương, ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Quảng Ninh và Hải Phòng đang bàn thảo cơ chế phối hợp để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động du lịch giữa hai địa phương. Bước đầu chúng tôi thí điểm, nếu phù hợp sẽ mở rộng ở các địa phương lân cận”.

Quá trình bắt nhịp du lịch hiện nay cũng đang vượt qua những thách thức ở khâu quảng bá, xúc tiến và kết nối với các thị trường. Theo đó, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang có bước chuyển năng động, thích ứng với chuyển đổi số. Bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thông tin: “Chúng tôi đã thành lập sàn giao dịch thương mại điện tử riêng về du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu, dự kiến sẽ khai trương vào ngày 20-10. Sẽ tổ chức hai phiên hội chợ thương mại trực tuyến vào tháng 11 và tháng 12, đây là cơ hội để kết nối khách hàng và thị trường”. TP Cần Thơ cũng đang tích cực quảng bá du lịch qua các hội chợ du lịch trực tuyến, cụ thể trong tháng 10, địa phương đã tham gia hội chợ Busan (Hàn Quốc).

Theo lộ trình của ngành Du lịch Việt Nam, việc tái khởi động thị trường nội địa diễn ra từ tháng 10-2021. Ðến nay, các địa phương đều đã có kế hoạch và từng bước triển khai; dù vẫn còn không ít khó khăn bởi những quy định chống dịch bệnh ở mỗi địa phương, tỷ lệ tiêm vaccine không đồng đều... Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du Lịch, xác định: “Hoạt động du lịch trở lại trên cơ sở đảm bảo an toàn là yếu tố hàng đầu. Chúng tôi ghi nhận những ý kiến, đề xuất của các địa phương, từng bước rà soát lại các tiêu chí để có những hướng dẫn, quy định tiêu chí, quy trình chuẩn”. Theo đó, Tổng Cục Du lịch tiếp tục tổng hợp, đề xuất với Chính phủ và các Bộ, ngành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, người lao động trong ngành nhằm thực hiện mục tiêu vừa tái khởi động du lịch, vừa an toàn trước COVID-19. Ông Ðoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL đánh giá cao sự tích cực, chủ động của các địa phương; đề nghị tiếp tục thực hiện tốt các chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTT&DL, chính quyền; nhất là các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động trong ngành Du lịch. Lộ trình phục hồi du lịch cần từng bước từ nội tỉnh đến nội địa và quốc tế, yếu tố an toàn phải ưu tiên hàng đầu. Những khó khăn, kiến nghị từ các địa phương được ghi nhận và tiếp tục được đề xuất với các Bộ ngành hữu quan, từng bước tháo gỡ.

Quá trình kích hoạt du lịch trở lại đã vướng không ít khó khăn và cần có sự chung tay, nỗ lực vượt qua của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người lao động trong ngành.

Bài, ảnh: ÁI LAM

Chia sẻ bài viết