12/01/2008 - 22:27

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng:

Phòng chống HIV/AIDS có hiệu quả sẽ góp phần đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững

Nhân dịp đầu năm 2008, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã trả lời phỏng vấn TTXVN về công tác quan trọng này. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

* Kính thưa Phó Thủ tướng, vì sao Việt Nam lại chọn chủ đề truyền thông “Tăng cường lãnh đạo; Giữ vững cam kết; Quyết tâm ngăn chặn HIV/AIDS” trong năm 2008?

- Chủ đề của Chiến dịch truyền thông phòng, chống AIDS năm nay được Chương trình phối hợp của Liên Hiệp Quốc đưa ra trên toàn thế giới là: “Tăng cường lãnh đạo; Giữ vững cam kết; Quyết tâm ngăn chặn HIV/AIDS”. Việt Nam lựa chọn chủ đề này cũng là thể hiện sự cam kết nhất quán và nỗ lực thực hiện của chúng ta với cộng đồng quốc tế.

Với chủ đề phòng, chống HIV/AIDS năm nay cho thấy vai trò lãnh đạo, sự cam kết và thực hiện cam kết của các nhà lãnh đạo là hết sức quan trọng trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Thực tế chứng minh rằng ngay từ khi phát hiện người nhiễm HIV đầu tiên, chúng ta đã nhanh chóng có nhiều biện pháp phòng ngừa tích cực và đạt được những tiến bộ quan trọng trong việc đối phó với đại dịch HIV. Đồng thời, những thành tích chúng ta đã đạt được trong thời gian qua là kết quả của sự lãnh đạo, cam kết và các biện pháp thực hiện đồng bộ.

Tuy nhiên, vẫn còn một số lãnh đạo chưa quan tâm thực hiện tốt vai trò của mình trong chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS. Thực tế, có rất nhiều cam kết, lời hứa đã không được thực hiện. Do vậy, chủ đề “Tăng cường lãnh đạo; Giữ vững cam kết; Quyết tâm ngăn chặn AIDS” trong Chiến dịch phòng, chống AIDS toàn cầu năm nay sẽ nhắc nhở mỗi người, đặc biệt là các nhà lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương phải nâng cao vai trò lãnh đạo trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời, chủ đề này cũng sẽ khuyến khích các nhà lãnh đạo trở thành những tấm gương trong công tác phòng chống HIV/AIDS ở từng địa phương, mỗi quốc gia và trên toàn thế giới.

* Xin Phó Thủ tướng cho biết vai trò, vị trí của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam và cam kết với cộng đồng quốc tế trong thời gian qua và sắp tới?

- Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm có nhiệm vụ giúp Chính phủ: Chỉ đạo xây dựng chiến lược, chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; Chỉ đạo, triển khai thực hiện, đôn đốc, kiểm tra và đánh giá hoạt động của các Bộ, ngành, địa phương về công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; Tổ chức và chỉ đạo sự phối hợp hoạt động giữa các Bộ, ngành, địa phương, các đoàn thể; lồng ghép, phối hợp các chương trình, kế hoạch và nguồn lực của công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm theo yêu cầu và mục tiêu chung. Đồng thời chỉ đạo các Bộ, ngành, các đoàn thể Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nhiệm vụ được giao và báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; Chỉ đạo các hoạt động hợp tác quốc tế và tổng hợp, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện lĩnh vực này.

Trong thời gian qua, chúng ta đã có rất nhiều cam kết với cộng đồng quốc tế, cụ thể là:

Ở cấp độ toàn cầu, chúng ta đã ký các cam kết:-Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ; Tuyên bố cam kết toàn cầu về HIV/AIDS (UNGASS); Tuyên bố Chính trị tiếp tục thực hiện UNGASS.

Ở cấp độ khu vực, chúng ta đã ký cam kết: Tuyên bố chung Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN năm 2002; Khung Kế hoạch hành động của ASEAN về HIV/AIDS; Các sáng kiến, thỏa thuận giữa các quốc gia tiểu vùng sông Mekong... Tuyên bố chung Hội nghị APEC (Hà Nội,11-2006).

Một vấn đề cần phải nói thêm là, không chỉ cam kết với cộng đồng quốc tế bằng việc ký các văn bản như đã đề cập mà chúng ta đã triển khai các cam kết với cộng đồng quốc tế bằng một loạt các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Có thể điểm lại một số các văn bản quan trọng từ khi Việt Nam phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên cho đến nay là: Nghị quyết 20/CP của Chính phủ ban hành năm 1993; Chỉ thị 52-CT/TW ngày 11-3-1995 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về lãnh đạo công tác phòng, chống AIDS; Pháp lệnh phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn năm 1995; Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 36/2004/QĐ-TTg ngày 17-3-2004; Chỉ thị 54-CT/TW ngày 30 tháng 11 năm 2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới; Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2006; Nghị định số 108/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người HIV/AIDS...

Cùng với những văn bản nêu trên, hơn 80 văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến công tác phòng, chống HIV/AIDS đã được các cơ quan có thẩm quyền (như Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài Chính...,) ban hành.

Thực tế đã minh chứng và khẳng định Đảng và Nhà nước ta không chỉ cam kết bằng ban hành văn bản mà đã thể hiện bằng rất nhiều các hành động cụ thể như củng cố hệ thống tổ chức làm công tác phòng, chống AIDS; tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và đầu tư nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Trong thời gian tới, điều quan trọng nhất là dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, trực tiếp của Đảng, Nhà nước chúng ta tiếp tục huy động toàn thể cộng đồng cùng tích cực biến các cam kết trên thành các hành động thật cụ thể và có hiệu quả.

* Theo Phó Thủ tướng, những phong trào, những hoạt động nào có tác động sâu rộng và mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của chúng ta? Thời gian tới, những hoạt động nào sẽ là then chốt về phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta?

- Công tác phòng, chống HIV/AIDS là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong điều hành của Chính phủ và luôn luôn cần thiết phải có sự tham gia của toàn xã hội. Chính vì vậy, Chính phủ không chỉ đề ra các giải pháp mà còn thường xuyên quan tâm chỉ đạo chính quyền các địa phương phải lồng ghép công tác phòng, chống HIV/AIDS vào các chương trình phát triển kinh tế xã hội cũng như coi trọng giải pháp phối hợp liên ngành và huy động cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 là “Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2010 và không tăng sau 2010; giảm tác hại của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội”, chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ và có hiệu quả 9 Chương trình hành động quốc gia bao gồm: Chương trình thông tin giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS; Chương trình can thiệp giảm thiểu tác hại phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS; Chương trình chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS; Chương trình giám sát HIV/AIDS, theo dõi, đánh giá chương trình; Chương trình tiếp cận điều trị HIV/AIDS; Chương trình dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS từ mẹ sang con; Chương trình quản lý và điều trị các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục; Chương trình an toàn truyền máu; Chương trình tăng cường năng lực và hợp tác quốc tế trong phòng, chống HIV/AIDS.

Hiện nay cũng như trong những năm trước mắt, chúng ta vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin dự phòng HIV. Do vậy, việc thực hiện tốt Chương trình hành động quốc gia về thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS chính là vắc xin hữu hiệu nhất giúp mỗi người chúng ta phòng, chống HIV/AIDS một cách hiệu quả, đồng thời nó cũng sẽ hỗ trợ các Chương trình hành động khác được triển khai thành công, góp phần đảm bảo phát triển kinh tế -xã hội bền vững.

* Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!

NGUYỄN THỊ THÚY (thực hiện)

Chia sẻ bài viết