15/06/2009 - 09:27

Phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết (SXH) là một trong những bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm gây dịch ở nước ta, đặc biệt là tại ĐBSCL- nơi lúc nào dịch SXH cũng có nguy cơ bùng phát.

Mặc dù các nhà khoa học đã có nhiều công trình nghiên cứu, nhưng cho đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh SXH. Bệnh SXH diễn biến phức tạp, nếu phát hiện trễ thì việc điều trị khó khăn và dễ tử vong. Cho đến nay cũng chưa có vắc-xin phòng bệnh SXH. Vì vậy, SXH là một trong những bệnh có tỷ lệ mắc và chết cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm gây dịch ở nước ta; những năm rơi vào chu kỳ dịch, có hàng trăm ngàn ca mắc trong đó số chết có thể lên đến hàng trăm ca.

Bệnh SXH không những ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng mà còn gây thiệt hại kinh tế gia đình bệnh nhân. Cứ 1 người bệnh SXH nặng phải tốn trung bình từ 2-3 triệu đồng điều trị, chưa kể phải có 2-3 người nuôi bệnh. Những năm có dịch, chính quyền các cấp phải cấp bổ sung thêm hàng tỉ đồng để chống dịch, chưa kể chi ngân sách cho các giường bệnh tại các bệnh viện.

Thường xuyên giữ vệ sinh môi trường trong và quanh nhà để phòng bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: K.LOAN 

Hiện nay đang là mùa mưa nên lăng quăng và muỗi truyền bệnh SXH tăng cao. Lăng quăng của muỗi truyền bệnh SXH phát triển mạnh nhất trong nước mưa; nước mưa có thể ứ đọng trong các vật phế thải xung quanh nhà: lu hũ bể, hộp lon, vỏ chai, lọ, vỏ dừa, lốp xe cũ... là những nơi muỗi thích đẻ trứng. Đó là điều kiện thuận lợi để dịch SXH bùng phát. Đồng thời, ở Cần Thơ năm nay có sự thay đổi typ huyết thanh gây bệnh: Typ Dengue 3 xuất hiện sau 4 năm (2005) và rơi vào chu kỳ dịch 5 năm (năm 2004 là năm có ca bệnh tăng).

Để chủ động phòng chống dịch SXH, ngành y tế cần giám sát chặt chẽ ca bệnh, điều tra xử lý ca bệnh kịp thời, giám sát huyết thanh, côn trùng, đường cong chuẩn để dự báo dịch, chuẩn bị sẵn thuốc, dịch truyền, hóa chất, máy phun... sẵn sàng dập dịch. Tổ chức những đợt diệt lăng quăng phòng chống SXH dựa vào cộng đồng... Bên cạnh đó, mỗi người dân, mỗi gia đình nên dành ít thời gian thực hiện 4 biện pháp sau đây:

1- Trước tiên phải diệt hết lăng quăng. Diệt hết lăng quăng thì không còn muỗi và sẽ không còn bệnh SXH. Để diệt lăng quăng, nên thường xuyên kiểm tra tất cả dụng cụ chứa nước trong và xung quanh nhà. Nếu thấy có lăng quăng thì có thể thả cá bảy màu, cá lia thia vào hồ, bồn, lu, khạp, kiệu, thùng phuy...; dùng tấm ni lông bịt trên lu, khạp..., sau đó đậy nắp kín hoặc sang nước có vải lược. Ngoài ra, hàng tuần nên xúc rửa lu, khạp... Đổ nhớt cặn hoặc bỏ muối vào các thố rọng nước ở các chân tủ chén, thường xuyên thay nước ở các bình bông.

2- Triệt bỏ những nơi muỗi đẻ trứng và trú đậu. Muỗi truyền bệnh SXH thường đẻ trứng rồi phát triển thành lăng quăng ở những nơi chứa nước trong và thường trú đậu trong nhà trên các nền vải. Do đó, nên dọn dẹp tất cả những vật có chứa nước nhưng không sử dụng xung quanh nhà bằng cách chẻ nhỏ gáo dừa, úp các lu hũ bể, đập giẹp hộp lon. Khai thông không để nước ứ đọng. Trong nhà, phải sắp đặt ngăn nắp; quần áo sắp xếp gọn gàng, không treo móc bừa bãi, nhất là quần áo lao động để muỗi không có nơi trú đậu. Nhà cửa phải thông thoáng bằng cách mở toang cửa sổ ra cho có ánh sáng và thoáng khí.

3- Xua diệt muỗi bằng cách hun khói hoặc dùng nhang xua muỗi. Nếu gia đình có điều kiện dùng bình xịt muỗi hoặc vợt bắt muỗi, chú ý ở nơi tối như trong buồng, dưới gầm giường, kẹt tủ.

4- Phòng chống muỗi đốt: Đặc điểm của muỗi truyền bệnh SXH là đốt cả ban ngày lẫn ban đêm, nhất là lúc sáng sớm và trời sập tối. Do đó cần phòng chống muỗi đốt bằng cách luôn luôn ngủ mùng kể cả ban ngày, mặc quần dài áo tay dài.

Những biện pháp kể trên vừa hiệu quả vừa dễ làm nhưng ít tốn kém, mọi gia đình đều có thể tự thực hiện nhưng phải làm đồng loạt cả xóm, cả khu vực mới hiệu quả vì muỗi truyền bệnh SXH có thể bay gần 200 mét. Do đó, nếu trong xóm có vài hộ gia đình không làm thì nguy cơ truyền bệnh vẫn còn.

BS. NGUYỄN TRUNG NGHĨA
(Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết