Thời gian gần đây, tình trạng bạo lực học đường (BLHĐ) có chiều hướng gia tăng ảnh hưởng không tốt đến tâm lý và học tập của học sinh. Ngành giáo dục Cần Thơ đã có nhiều nỗ lực với nhiều giải pháp phòng chống tình trạng này, nhưng vẫn còn không ít khó khăn.
Học sinh Trường Tiểu học Ngô Quyền trong giờ hoạt động ngoại khóa.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến BLHĐ
Chỉ riêng tháng 4-2019, trên địa bàn TP Cần Thơ đã xảy ra 2 vụ BLHĐ. Tại Trường THCS Lê Lợi (quận Ô Môn), hai học sinh L.V.L (lớp 8) và T.N.T.P (lớp 9) do mâu thuẫn cá nhân đã cự cãi, rồi thách thức đánh nhau. Sau khi bị P. đánh, L. dùng dao để sẵn trong người gây thương tích cho P. ở tay và bụng. Do mất máu nhiều nên P. bất tỉnh, được gia đình đưa đến phòng khám tư nhân gần đó để băng bó vết thương. May mắn là P. không bị ảnh hưởng tính mạng.
Một vụ khác xảy ra tại Trường THCS An Thới (quận Bình Thủy). Nữ sinh X. (lớp 7A6) không thích nữ sinh D. (lớp 6A4) nên đã đăng hình D. trên trang mạng xã hội và cùng một nhóm bạn khác nói xấu D. Vào khoảng 15 giờ ngày 18-4, D. bị X. kéo vào phòng công nghệ thông tin của trường, tại đây D. bị 3 học sinh (trong đó có X.) đánh trực tiếp vào mặt; một học sinh dùng điện thoại di động quay lại diễn biến vụ việc và gửi đoạn phim đến 3 học sinh khác. Qua xác minh của Phòng Giáo dục và Đào tạo và Công an quận Bình Thủy, các học sinh nhận đã quay phim, sau đó xóa bỏ, không phát tán trên mạng xã hội. Sự việc trên đã được nhà trường, Ban Đại diện cha mẹ học sinh xử lý theo quy định.
Theo lãnh đạo ngành giáo dục quận Bình Thủy, nguyên nhân vụ việc xuất phát từ việc nói xấu nhau trên facebook. Tuy vụ việc đã được giải quyết kịp thời nhưng vẫn ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trong trường học, gây hoang mang, lo lắng cho phụ huynh và học sinh. Ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng Phòng Chính trị - tư tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ, cho rằng: 80% vụ học sinh đánh nhau là do sự phát triển sớm tâm lý giới tính học sinh, cũng như do ảnh hưởng của xã hội, phim ảnh bạo lực, thiếu những sân chơi lành mạnh; gia đình ít quan tâm con em; học sinh thiếu vốn sống, kiến thức xã hội, kỹ năng sống…
Chung tay phòng chống BLHĐ
Thời gian qua, ngành GD&ĐT thành phố Cần Thơ thực hiện nhiều giải pháp để phòng chống BLHĐ, thông qua chương trình 100% trường học triển khai thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa; tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo; thành lập Tổ Tư vấn tâm lý học đường - nơi “gỡ rối tơ lòng” cho học sinh khi gặp khó khăn, vướng mắc, mâu thuẫn… Dù vậy, ghi nhận ở các trường học, công tác phòng chống BLHĐ vẫn còn một số khó khăn.
Đơn cử như, các trường học chỉ tập trung truyền thụ kiến thức, ít có các hoạt động giáo dục về kỹ năng sống cần thiết; chưa có tiết học về tâm lý giới tính. Các trường phổ thông có Tổ Tư vấn tâm lý học đường nhưng vẫn chưa có giáo viên chuyên trách. Theo thầy Trương Thế Bảo, Hiệu trưởng Trường THCS An Khánh, trường có nhiều hoạt động để phòng chống BLHĐ cũng như nâng cao hoạt động của Tổ Tư vấn tâm lý học đường, nhưng giáo viên phụ trách là kiêm nhiệm, làm nhiều việc, nên ít nhiều gặp khó khăn. Cao Anh Thư, học sinh Trường THCS An Khánh (Ninh Kiều), cho biết: Ở trường không có tiết học giáo dục giới tính, hướng dẫn những kỹ năng như kiềm chế cảm xúc, kỹ năng hòa giải. Nếu có tiết học giới tính sẽ giúp chúng em có thêm kỹ năng xã hội hơn.
Tương tự, Trường THCS An Thới cũng đa dạng các hoạt động Tổ Tư vấn tâm lý học đường. Song, giáo viên phụ trách phải thực hiện công tác chuyên môn lẫn phong trào. Cô Trần Thị Phương Mỹ, Hiệu trưởng Trường THCS An Thới, nói: “Nếu như có được giáo viên chuyên trách, hoạt động của Tổ tư vấn tâm lý học đường sẽ đạt hiệu quả hơn”. Cô Nguyễn Thị An, giáo viên chủ nhiệm lớp 7A6, Trường THCS An Thới, cho rằng sau sự việc của em X. (lớp 7A6) và em D. (lớp 6A4), bản thân cô xem đây là bài học kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy, công tác chủ nhiệm, cần theo sát việc học tập lẫn tâm sinh lý của học sinh nhiều hơn. Cô An nói: “Hiện, tiết học về tâm lý lứa tuổi giới tính được dạy lồng ghép vào một số môn học hoặc hoạt động ngoại khóa. Nếu được nên đưa nội dung này vào học chính khóa sẽ có ích rất nhiều trong việc phòng chống BLHĐ”.
Bên cạnh nhà trường cần sự hợp tác của gia đình để ngăn chặn tình trạng BLHĐ xảy ra. Chị Nguyễn Thảo Như, Ban đại diện Cha mẹ học sinh Trường THCS An Khánh, cho rằng: Các vụ việc BLHĐ gần đây, bên cạnh nguyên nhân từ học sinh, tôi nghĩ gia đình rất quan trọng. Phụ huynh cần quan tâm các em nhiều hơn, theo sát việc học hành, tâm lý của các em sẽ phòng tránh BLHĐ xảy ra.
****
TP Cần Thơ có hơn 226.000 học sinh, hơn 15.000 cán bộ, giáo viên, nên công tác tuyên truyền đảm bảo an ninh trường học, cũng như phòng chống BLHĐ không chỉ riêng ngành giáo dục làm được, mà cần có sự phối hợp chặt chẽ từ gia đình - nhà trường - xã hội. Nhà trường cần có nhiều hoạt động phong trào, ngoại khóa hơn nhằm giúp học sinh nâng cao kỹ năng sống, tránh sa đà vào các trang mạng xã hội. Theo ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng Phòng Chính trị - tư tưởng, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, để ngăn chặn tình trạng BLHĐ, ngành chỉ đạo các trường cung cấp đường dây nóng (Tổng đài điện thoại bảo vệ trẻ em - 111); cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết phòng tránh BLHĐ, khuyến khích các em học sinh tham gia các câu lạc bộ học thuật, văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao... Với học sinh nên xây dựng văn hóa ứng xử bản thân, như biết cảm ơn, biết xin lỗi, biết chào hỏi tạo nên giao tiếp thân thiết mọi người, tránh mâu thuẫn có thể xảy ra.
Bài, ảnh: B.Kiên