30/07/2018 - 21:43

Phát triển thương mại lên tầm cao mới 

6 tháng đầu năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn thành phố ước thực hiện 63.135 tỉ đồng, đạt 53,7% kế hoạch, tăng 13,25% so với cùng kỳ. Thành phố cũng thường xuyên tổ chức nhiều hội chợ, sự kiện thương mại và du lịch, tạo thuận lợi cho việc mua bán hàng hóa tại địa phương và thu hút được nhiều người tiêu dùng đến từ các tỉnh ĐBSCL và khách du lịch gần xa.

Hướng đến tiện ích và hiện đại

Giữ vai trò trung tâm của TP Cần Thơ, quận Ninh Kiều đã và đang phát triển mạnh lĩnh vực thương mại-dịch vụ, đóng góp quan trọng vào giá trị chung của lĩnh vực thương mại-dịch vụ thành phố. Toàn quận hiện có hơn 22.400 cơ sở kinh doanh thương mại-dịch vụ, thu hút hơn 42.000 lao động. Trong đó, có 11.661 cơ sở thương mại; 57 cơ sở du lịch; nhà hàng và khách sạn 4.956 cơ sở, dịch vụ 5.727 cơ sở. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng qua của quận Ninh Kiều đạt hơn 49.662 tỉ đồng, chiếm gần 60% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ của thành phố.

Trung tâm thương mại Vincom Plaza Xuân Khánh ở đường 30/4, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG
Trung tâm thương mại Vincom Plaza Xuân Khánh ở đường 30/4, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Thời gian qua, quận Ninh Kiều luôn quan tâm tạo thuận lợi cho việc mua bán của người dân, tăng cường kêu gọi đầu tư để phát triển chợ và hạ tầng thường mại. Đến nay, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn quận Ninh Kiều được doanh nghiệp đầu tư nâng cấp, tham gia quản lý, khai thác. Đồng thời, trên địa bàn quận cũng ngày càng xuất hiện nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích và các khu phố chuyên doanh như phố thời trang, ăn uống... Ông Phan Hiển Đạt, Phó Trưởng Phòng kinh tế quận Ninh Kiều, cho biết: “Hiện nay, phòng tiếp tục tham mưu UBND quận đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa đầu tư, phát triển hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, tạo thành một hệ thống liên kết các chợ, tổ chức cung cầu hàng hóa ra thị trường. Khuyến khích phát triển các dịch vụ chất lượng cao, xây dựng nhà hàng, khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế, phát triển các dịch vụ du lịch mới. Quan tâm, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh-dịch vụ phát triển, hỗ trợ phát triển hệ thống các cửa hàng tiện ích trên địa bàn...”. Hiện trên địa bàn quận Ninh Kiều có hơn 40 cửa hàng tiện ích như: Co.op Food, SatraFoods, VinMart... Đây là những mô hình điểm, tạo thói quen mua sắm văn minh hiện đại, đảm bảo an toàn thực phẩm, đồng thời giúp giảm áp lực tại các chợ truyền thống, dần hướng đến thay thế chợ truyền thống. Hiện một số chợ truyền thống, chợ tạm, chợ tự phát gặp khó khăn trong việc chỉnh trang, nâng cấp do thiếu quỹ đất công và nơi để quy hoạch; nhà đầu tư cũng không thiết tha đầu tư do khó giải phóng mặt bằng và chậm thu hồi vốn.

Tại các quận, huyện khác của thành phố hiện cũng xuất hiện ngày càng nhiều cửa hàng tiện ích; quy hoạch thêm các trung tâm thương mại và siêu thị. Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, bên cạnh 107 chợ truyền thống, đến nay TP Cần Thơ đã có 18 trung tâm thương mại, siêu thị và 65 cửa hàng tiện ích, tăng 11 cửa hàng so với cuối năm 2017. Ông Ngô Ngọc Nhân, Trưởng Phòng quản lý Thương mại, Sở Công thương TP Cần Thơ cho rằng, sự hình thành và phát triển của hệ thống các cửa hàng tiện ích đã góp phần tích cực vào việc “chia lửa” cho các chợ truyền thống. Hàng hóa bán tại nhiều cửa hàng tiện ích khá phong phú, dồi dào, được các cửa hàng chọn lựa và kiểm tra kỹ để đảm bảo chất lượng...

Vẫn còn khó khăn

Dù thành phố đã đạt được những kết quả tích cực trong mục tiêu phát triển, nâng tầm ngành thương mại-dịch vụ theo hướng tiện ích và hiện đại nhưng con đường hiện đại hóa thương mại-dịch vụ để TP Cần Thơ trở thành trung tâm thương mại-dịch vụ của vùng ĐBSCL vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Đáng chú ý là việc phát triển chợ truyền thống còn hạn chế, việc xóa chợ tạm, chợ tự phát và các hộ kinh doanh mua bán lấn chiếm lòng lề đường và vỉa hè chưa triệt để. Thành phố cần tăng cường việc đầu tư, phát triển chợ và hạ tầng thương mại-dịch vụ hiện đại các quận, huyện ngoại thành. Ngoài ra, thành phố cần đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực logistics và thương mại điện tử.

Tại quận trung tâm Ninh Kiều và nhiều quận, huyện khác vẫn còn tồn tại không ít chợ tạm, chợ tự phát như: chợ Tân An, chợ Hưng Lợi, chợ Bệnh viện Da Liễu, chợ An Nghiệp… nhiều trường hợp người dân còn tham gia mua bán lấn chiếm lòng lề đường. Trong khi đó, các trung tâm thương mại, siêu thị và cửa hàng tiện ích tập trung nhiều ở quận Ninh Kiều, chứ chưa lan tỏa ra các quận, huyện ngoại thành của thành phố. Để giải quyết các vấn đề trên, đòi hỏi tất cả các bên liên quan phải vào cuộc với sự quyết tâm cao và có sự phối hợp một cách chặt chẽ, đồng bộ. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, các cấp thẩm quyền cần có thêm chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư phát triển chợ và các cơ sở hạ tầng thương mại, nhất là đầu tư vào khu vực ngoại thành, nông thôn... Đặc biệt, Nhà nước cần có thêm chính sách hỗ trợ “nâng chất” hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp và có các biện pháp kiên quyết đưa các hộ bán hàng rong, hộ kinh doanh cá thể xem kẽ trong các khu đô thị và dân cư di dời vào chợ, trung tâm thương mại và những khu mua bán tập trung theo quy định. Qua đó, giảm dần số hộ kinh doanh cá thể và tạo sự thuận lợi trong quản lý, nhất là quản lý về an toàn thực phẩm, cũng như thúc đẩy việc mua bán hàng hóa theo hướng văn minh, hiện đại.

Theo ông Nguyễn Hải Âu, công tác tại Phòng kinh tế quận Bình Thủy, số hộ kinh doanh cá thể đang rất nhiều nhưng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ dành cho doanh nghiệp không thể áp dụng cho đối tượng này, do vậy rất cần có chính sách riêng để “nâng chất” chuyển hộ cá thể lên doanh nghiệp. Ông Huỳnh Văn Tùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế-Xã hội TP Cần Thơ, cũng cho rằng, chúng ta có kế hoạch chuyển hộ cá thể lên doanh nghiệp nhưng chính sách cho các đối tượng này còn ít được quan tâm. Hiện nay, số hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn thành phố rất lớn nhưng cũng còn thiếu sự kết nối thông tin giữa các sở ngành và quận, huyện. Ngành công thương có thể đề xuất với Sở Thông tin và Truyền thông xem xét giải pháp đầu tư cho thành phố về công nghệ thông tin để kết nối giữa các sở, ngành và các cơ quan ban ngành của các quận, huyện, nhất là cơ quan quản lý kinh doanh. Khi có sự kết nối tốt, chúng ta có dữ liệu quản lý, có thông tin chia sẻ kịp thời, lúc đó sẽ có những giải pháp tốt hơn định hướng phát triển và hỗ trợ chuyển từ hộ cá thể lên doanh nghiệp...

KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết