09/07/2021 - 16:28

Phát triển du lịch trong tình hình mới 

Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, làm thế nào để vực dậy và phát triển du lịch Việt Nam? Vấn đề này được quan tâm trong dự thảo Chương trình hành động phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2021-2025, vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tổ chức hội nghị lấy ý kiến các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Cân bằng thị trường du lịch nội địa và quốc tế

Theo Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Ðoàn Văn Việt, dịch COVID-19 đã có những tác động tiêu cực đến ngành Du lịch nước ta trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021. Cụ thể, năm 2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 79,5% so với 2019. Lượng khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1% so với năm 2019; tổng thu du lịch đạt 312.000 tỉ đồng, giảm 58,7%. Ðặc biệt, khoảng 40-60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công; khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động. Nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%. Ðằng sau những con số này là thiệt hại cả về tài lực, vật lực lẫn nhân lực của ngành Du lịch. Vậy nên, việc khôi phục du lịch trong tình hình mới được xem là vấn đề cấp bách và cần có những giải pháp căn cơ.

Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng nhận định rằng: Thời gian qua, ngành Du lịch thường tập trung cho thị trường khách quốc tế nên trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, xu hướng phát triển bị chững lại. Bộ trưởng đặt vấn đề về việc khai thác thị trường khách nội địa với gần 100 triệu dân ở nước ta. “Phải chăng sắp tới chương trình du lịch phải hướng tới thị trường cân bằng, bền vững giữa du lịch nội địa và đón khách quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng gợi ý.

Một góc phố biển Phú Quốc. 

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL cũng đề nghị ngành Du lịch cả nước nói chung, các tỉnh, thành phố nói riêng, nên chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hóa vào du lịch, hình thành bộ dữ liệu quy mô để tạo cơ sở liên kết, khai thác giữa nhà quản lý, doanh nghiệp và du khách. Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL cũng gợi mở, nếu như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thì du lịch mỗi tỉnh, thành cần có chiến lược xây dựng một sản phẩm du lịch đặc sắc, từ đó hình thành chuỗi sản phẩm du lịch liên kết, gia tăng tính hấp dẫn du lịch của từng địa phương và vùng, miền.

Ứng phó với dịch COVID-19

Chương trình hành động phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2021-2025 đặt ra 7 nhiệm vụ trọng tâm. Ðáng chú ý là những giải pháp khắc phục “điểm nghẽn” của ngành Du lịch hiện nay như ứng dụng khoa học và công nghệ trong ngành; tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch; phát triển sản phẩm và quản lý chất lượng dịch vụ du lịch; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thị trường lao động du lịch bền vững; phát triển thị trường, tăng cường xúc tiến, quảng bá và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về du lịch...

Chương trình hành động lần này nhấn mạnh việc du lịch Việt Nam ứng phó với tình hình COVID-19, nhất là nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi, phát triển trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19. Cụ thể, đề xuất triển khai kịp thời các giải pháp cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng, việc làm và đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp, cộng đồng duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19; hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng phát triển sản phẩm mới, xúc tiến quảng bá du lịch.

Toàn cảnh Sunworld Hòn Thơm (Phú Quốc) nhìn từ trên cáp treo vượt biển.

Theo lãnh đạo Bộ VH,TT&DL, Bộ đang nghiên cứu các giải pháp vực dậy du lịch trong tình hình mới, trong đó có việc đưa đón các đợt du khách từ châu Âu, Mỹ và châu Á đến Việt Nam. Tháng 7 này, Bộ VH,TT&DL sẽ bàn bạc với Bộ Y tế và các Bộ có liên quan về việc triển khai đề án thí điểm hộ chiếu vaccine. Sau khi thống nhất, Bộ VH,TT&DL sẽ báo cáo Thủ tướng và tiến hành thực hiện thí điểm đón khách quốc tế đến TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Ðỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, để triển khai thực hiện thí điểm hộ chiếu vaccine, 100% người dân ở Phú Quốc phải được tiêm vaccine. Chỉ khi nào người dân Phú Quốc tiêm vaccine đủ 2 mũi với thời gian quy định thì mới đưa khách du lịch đến.

Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Ðoàn Văn Việt cũng cho biết thêm: Ngay cả khi triển khai hộ chiếu vaccine ở Phú Quốc, việc thiết kế tour, tuyến, thời gian lưu trú, dịch vụ... cũng sẽ được tính toán thật kỹ, đảm bảo an toàn trong phòng, chống COVID-19. Hiện nay, một số địa phương cũng đề xuất thực hiện hộ chiếu vaccine nhưng việc chọn thí điểm ở Phú Quốc sẽ thuận lợi hơn do địa thế độc lập và có đủ cơ sở hạ tầng: sân bay, cơ sở lưu trú, hệ thống y tế...

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết