27/04/2014 - 21:29

Phát huy vai trò “đầu tàu” trong sản xuất, kinh doanh lúa gạo

Trong liên kết “4 nhà” (nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân), Nhà nước đóng vai trò cầu nối gắn kết nông dân-doanh nghiệp (DN) và “đặt hàng” cho nhà khoa học nghiên cứu, sáng chế các tiến bộ kỹ thuật, giống lúa mới đáp ứng yêu cầu sản xuất. Đồng thời, đề ra những chủ trương, chính sách định hướng giúp ngành lúa gạo phát triển theo hướng hiện đại, bền vững. Để phát huy vai trò “đầu tàu” trong liên kết cần sự thống nhất về chủ trương và quyết sách kịp thời của nhà nước.

Định hướng sản xuất

Những năm qua, mặc dù sản lượng lúa gia tăng hằng năm nhưng ảnh hưởng từ thị trường xuất khẩu, giá gạo Việt Nam thường thấp hơn gạo cùng nhóm của Thái Lan. Điều này làm giá lúa trong nước thường xuyên biến động theo chiều hướng giảm, nhất là vào những lúc nông dân thu hoạch rộ. Cùng với đó là tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu, giá thành sản xuất liên tục tăng… Để từng bước khắc phục tình trạng này, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách kịp thời giải quyết khó khăn và đưa nền sản xuất lúa gạo của cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng phát triển theo hướng bền vững. Cụ thể như: Thông tư số 36/2010/TT-BNNPTNT về việc ban hành quy định sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón; Chỉ thị số 1965/CT-BNN-TT về đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”; Quyết định số 2998/QĐ-BNN-TT ban hành Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho lúa; Quyết định số 532/QĐ-TTg công nhận ứng dụng và phát triển biện pháp kỹ thuật tổng hợp “1 phải, 5 giảm” trong thâm canh cây lúa ở ĐBSCL là tiến bộ khoa học kỹ thuật…

Đồng chí Trần Thanh Mẫn (bên phải), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ kiểm tra tình hình sản xuất lúa tại huyện Vĩnh Thạnh. 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, các chủ trương, chính sách đề ra từ các bộ, ngành Trung ương trong thời kỳ hội nhập đã góp phần thúc đẩy “4 nhà” gần nhau hơn. Mô hình tham gia “4 nhà” từng bước mở rộng, phát triển dưới nhiều hình thức. Chẳng hạn, về kỹ thuật sản xuất có sự tham gia của “4 nhà” trong chương trình “3 giảm, 3 tăng”, xã hội hóa công tác giống, thực hiện cơ giới hóa; phòng chống rầy nâu và bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá... Ngoài ra, các địa phương còn hình thành các mô hình sản xuất mới (tổ hợp tác, câu lạc bộ khuyến nông, hợp tác xã…); phối hợp với các viện, trường triển khai nhiều chương trình, đề án có hệ thống và nhất quán nhằm định hướng giúp nông dân sản xuất nông sản theo hướng bền vững, ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng, cải thiện thu nhập nông dân.

Thực tế sản xuất cho thấy, vai trò của Nhà nước là mắt xích quan trọng trong mối liên kết “4 nhà”, đặc biệt là vai trò cầu nối liên kết giữa nông dân và DN. Đơn cử là những thành công trong phong trào xây dựng và nhân rộng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL thời gian qua. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Ở TP Cần Thơ, các “Cánh đồng mẫu lớn” hình t2hành nhờ sự nỗ lực, quyết tâm của chính quyền địa phương. Các quận, huyện nắm chắc yêu cầu, nguyện vọng từ nông dân và DN để làm trung gian kết nối đi đến sự đồng thuận từ cả 2 phía. Mối liên kết được thực hiện linh hoạt theo từng cánh đồng và từng DN từ cung ứng vật tư đầu vào (phân thuốc, giống…) đến khâu tiêu thụ nông sản (bao tiêu, lưu kho chờ giá bán…)”. Một số tỉnh ĐBSCL, mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” được ngành nông nghiệp tổ chức với nhiều hình thức khác nhau như: mô hình “Cánh đồng liên kết” (tỉnh Đồng Tháp); mô hình chuỗi liên kết cung ứng sản xuất, tiêu thụ lúa của Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (tỉnh An Giang); mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” thực hiện với các giống lúa chủ lực tại địa phương và các giống triển vọng, năng suất, chất lượng cao và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (tỉnh Kiên Giang)…

Ngành sản xuất kinh doanh lúa gạo ĐBSCL liên tục lập được những kỳ tích trong những năm qua không thể phủ nhận vai trò quản lý Nhà nước từ cấp Trung ương đến địa phương. Song, bên cạnh kết quả đạt được, ngành hàng chủ lực này đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn như: tình trạng được mùa mất giá liên tục xảy ra, sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, đặc biệt là đời sống của nhiều nông hộ vẫn khó khăn.

Cần đánh giá đúng thực chất

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Luật, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhấn mạnh: “Những tổng kết thành tích về năng suất, tổng sản lượng, lượng gạo xuất khẩu năm sau luôn cao hơn năm trước là rất cần thiết cho sự chỉ đạo trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, nông dân chỉ thực sự phấn khởi khi thu nhập thuần của họ được cải thiện. Nhà nước có những chủ trương, chính sách hướng vào lợi ích của nông dân. Nhưng nhìn chung, nông dân thụ hưởng ưu đãi từ những chính sách chưa được bao nhiêu, mà thường “đọng” lại ở DN, thương lái”. Nhiều chuyên gia cho rằng, hằng năm Nhà nước bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để hỗ trợ lãi suất cho DN tạm trữ lúa gạo, trong khi DN được vay vốn không phải trả lãi để mua lúa lúc giá rẻ và chờ đến khi giá cao thì bán, người nông dân vẫn chưa được hưởng lợi tương xứng từ chính sách này.

Thạc sĩ Lê Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Cây lương thực-Cây thực phẩm, Cục Trồng trọt cho rằng, nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, trước hết cần thay đổi tư duy về lập kế hoạch và chỉ đạo sản xuất. Không chỉ chú trọng diện tích, năng suất và sản lượng mà phải bổ sung thêm việc cải thiện các yếu tố trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ lúa gạo để gia tăng chất lượng lúa gạo và lợi nhuận cho nông dân. “Sản xuất lúa theo mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” tạo sự chuyển biến trong việc giảm bớt các chi phú trung gian. Những cải thiện này là cần thiết nhưng cũng cần chú ý đến việc giảm giá thành sản xuất lúa. Muốn vậy, Nhà nước phải điều tra, đánh giá, phân tích hiệu quả sản xuất lúa từ góc nhìn thời vụ và cơ cấu giống lúa; đánh giá việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tỷ lệ áp dụng và hiệu quả của việc sử dụng giống lúa xác nhận…”- Thạc sĩ Lê Thanh Tùng đề xuất. Đối với công tác quản lý nhà nước về phân bón, chính quyền địa phương cần thống nhất đầu mối quản lý; bổ sung cán bộ chuyên trách; đầu tư trang thiết bị, kinh phí cho việc quản lý. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý chất lượng phân bón theo hướng dẫn của Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT Quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản để nhanh chóng phát hiện, xử lý kịp thời các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng.

Nhận diện được những khó khăn, thách thức, các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL đang nỗ lực tổ chức lại sản xuất ngành lúa gạo theo hướng hiện đại, chất lượng cao, tính cạnh tranh cao và bền vững là yêu cầu bức bách hiện nay. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Để phát huy lợi thế tự nhiên cho sản xuất đạt hiệu quả cao nhất, ngành nông nghiệp thành phố chỉ đạo tổ chức sản xuất tốt thông qua việc xây dựng và thực hiện các quy hoạch vùng hàng hóa cho các sản phẩm chủ lực (lúa, thủy sản…). Bên cạnh đó, chuyển dịch cơ cấu từ sản xuất lúa sang màu tại những vùng sản xuất lúa xuân hè kém hiệu quả, từ lúa sang lúa-cá tại vùng sản xuất lúa thu đông để giảm áp lực nguồn cung và gia tăng hiệu quả sử dụng đất. Tổ chức lại sản xuất theo vùng với các hình thức tổ chức phù hợp như: hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ, “Cánh đồng mẫu lớn”... nhằm thuận tiện cho việc quản lý, làm cơ sở phát huy liên kết với DN”. Một số địa phương vùng ĐBSCL còn vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất như: hỗ trợ giống, phục hồi sản xuất sau thiên tai, dịch hại; đẩy mạnh cơ giới hóa, khuyến nông... Đặc biệt, phong trào ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật theo quy trình tiên tiến, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành tối đa. Đây được xem là giải pháp tối ưu giúp nông dân chịu đựng trước áp lực do biến động thị trường.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết