Để Vườn Quốc gia U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) phát triển tương xứng với tiềm năng lợi thế của địa phương, những năm qua, Vườn Quốc gia U Minh Thượng đã tập trung nâng chất lượng hoạt động để thu hút khách du lịch.
Xe du khách tỉnh ngoài đến tham quan Vườn Quốc gia U Minh Thượng.
Theo ông Nguyễn Hoàng Chịa, Giám đốc Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường thuộc Vườn Quốc gia U Minh Thượng, do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên lượng khách đến tham quan giảm đáng kể. Ngoài tình hình dịch bệnh, đơn vị còn tuân thủ nghiêm ngặt trong công tác phòng, chống cháy rừng nên phải ngưng hoạt động 3 tháng trong mùa khô. Vì vậy, trong năm 2020, đơn vị tiếp và phục vụ cho 43.202 lượt khách đến tham quan, trung bình đạt 3.600 lượt khách/tháng (đạt 61,17% kế hoạch).
Các sản phẩm du lịch sinh thái hiện nay ở Vườn Quốc gia U Minh Thượng gồm có hoạt động tham quan cảnh quan thiên nhiên, như tham quan rừng tràm nguyên sinh, rừng tràm tái sinh trên đất than bùn, tham quan hệ sinh thái đầm lầy đất ngập nước; hoạt động tham quan cảnh quan thiên nhiên kết hợp quan sát động vật hoang dã; tham quan sân chim, máng dơi; du lịch nghiên cứu; câu cá giải trí. Sản phẩm phục vụ du lịch cho du khách chủ yếu có tranh vỏ tràm, mật ong rừng, khô cá sặc rằn, mắm cá lưỡi trâu…
Để từng bước nâng chất lượng hoạt động du lịch sinh thái kết hợp nghiên cứu khoa học, giáo dục, theo ông Nguyễn Hoàng Chịa, thời gian tới Vườn Quốc gia U Minh Thượng sẽ tập trung vào các hoạt động tham quan khám phá môi trường tự nhiên. Trước hết là khám phá rừng tràm, giúp du khách tìm hiểu về nguồn gốc và đời sống cây tràm của Vườn Quốc gia U Minh Thượng tiêu biểu cho rừng tràm U Minh trước đây và ngày nay. Tìm hiểu và nghiên cứu sự phục hồi đa dạng sinh học và rừng tràm sau trận cháy rừng năm 2002, những khu rừng tràm phục hồi bằng tái sinh tự nhiên. Tìm hiểu, tham quan các sinh cảnh rừng tràm, như rừng tràm trên đất than bùn, rừng tràm trên đất sét và rừng tràm hỗn hợp với sậy, năng. Khám phá các sinh cảnh phân bố động vật rừng, như sinh cảnh phân bố của động vật trong các sinh cảnh rừng, các sân chim đa loài, máng diệc, máng dơi quạ. Khám phá các sinh cảnh đầm lầy, bao gồm các sinh cảnh đầm lầy có nước quanh năm, phân bố của những loài thực vật thủy sinh, như bông súng, bồn bồn. Tham quan nơi phân bố, kiếm ăn của nhiều loài chim nước trong mùa mưa và đặc biệt là vào mùa khô; nơi cư trú, kiếm ăn, làm tổ và sinh sản của các loài thủy sản nước ngọt cá đồng, các loài bò sát.
Hiện nay, Vườn Quốc gia U Minh Thượng hiện là một trong số ít nơi còn tồn tại đất than bùn ở Nam bộ và của Việt Nam, để hình thành than bùn ở rừng tràm phải trải qua lịch sử hàng ngàn năm, qua nhiều lần cháy rừng; sự tồn tại của đất than bùn ở rừng tràm là cả một quá trình kỳ diệu về phân hóa tự nhiên và chống chọi với lửa rừng mà cho đến nay vẫn là điều bí ẩn đối với các nhà khoa học và con người. Trên đất than bùn còn sót lại những cảnh quan tự nhiên của rừng U Minh xưa với những cây tràm cổ thụ, đường nước cổ, dòng nước đỏ của vùng U Minh.
Vùng U Minh Thượng đã được công nhận Di tích lịch sử căn cứ U Minh Thượng ở huyện An Biên, An Minh và huyện Vĩnh Thuận với 31 di tích lịch sử và văn hóa. Kết hợp giữa tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên về lịch sử, văn hóa, Vườn Quốc gia U Minh Thượng chú trọng hoạt động kết hợp giáo dục truyền thống lịch sử kết hợp tham quan đời sống cộng đồng dân cư địa phương. Ngoài ra, với chức năng là mẫu chuẩn quốc gia về hệ sinh thái rừng tràm úng phèn trên đất than bùn, đây là nơi duy nhất ở Việt Nam có hệ sinh thái này, Vườn Quốc gia U Minh Thượng sẽ là một điểm du lịch kết hợp với nghiên cứu về các quá trình tự nhiên của rừng tràm, than bùn và các giải pháp bảo tồn; nghiên cứu về phân bố của các sân chim đa loài, các loài chim di cư, chim nước...
Xây dựng các điểm đến theo hình thức hoạt động trải nghiệm với các hoạt động truyền thống của người dân vùng U Minh Thượng đậm nét đặc trưng Nam Bộ như: canh tác lúa nước, đánh bắt cá truyền thống, gác kèo ong, làm bánh dân gian, làm các đồ dùng sinh hoạt truyền thống… Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng homestay trong vùng đệm Vườn Quốc gia để du khách khám phá, tìm hiểu văn hóa bản địa, cùng làm, cùng sống và trao đổi trực tiếp với người dân vùng đệm, như tát ao, bắt cá, thu hoạch trái cây, cùng chủ nhà nấu những món ăn dân dã, nghe và được thử hát đờn ca tài tử cùng với các “Nghệ nhân nông dân” theo phương châm 3 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”. Thông qua các hoạt động này tăng cường giáo dục ý thức về bảo vệ môi trường, bảo tồn các di tích văn hóa, lịch sử của người dân vùng đệm và du khách; tạo ra sự giao lưu văn hóa, phong tục tập quán giữa người dân vùng đệm và các quốc gia khác nhau. Xây dựng các điểm câu cá, vui chơi giải trí và thưởng ngoạn những đặc sản của địa phương.
Những loại hình và sản phẩm du lịch này sẽ góp phần khai thác các giá trị về đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường của rừng ở Vườn Quốc gia U Minh Thượng. Qua đó góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân sống trong vùng đệm, thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng nông nghiệp - nông thôn từ sản xuất thuần nông sang dịch vụ du lịch, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân địa phương.
Bài, ảnh: PHƯƠNG ANH