07/12/2020 - 09:00

Phát huy hiệu quả vai trò “cầu nối” 

Mới đây, trong khuôn khổ hội thảo trao đổi tình hình tuyển dụng lao động của doanh nghiệp (DN) tại TP Cần Thơ do Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) thành phố tổ chức, các đại biểu cùng chia sẻ những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải quyết việc làm… Qua đó, phát huy hơn nữa vai trò “cầu nối” của Trung tâm trong liên kết, tìm kiếm, thu hút nguồn nhân lực giỏi chuyên môn, vững kỹ năng để cung ứng cho DN.

Đại diện DN phát biểu ý kiến trong Hội thảo trao đổi tình hình tuyển dụng lao động của DN tại TP Cần Thơ.

Nỗ lực kết nối việc làm

Theo Trung tâm DVVL thành phố, năm 2020, Trung tâm tiếp nhận khoảng 1.672 lượt DN đăng ký tuyển dụng, với 65.691 chỗ làm việc trống. Quý I-2020, một số công ty trong và ngoài thành phố tuyển số lượng lớn công nhân phục vụ yêu cầu sản xuất, với 46.618 vị trí, gồm: Công ty TNHH Việt Nam Samho; Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam; Công ty TNHH Broadpeak Sóc Trăng; Công ty TNHH Taekwang Cần Thơ; Công ty CP Chế biến thực phẩm xuất khẩu Miền Tây (Westfood)... Quý II và III, nhu cầu tuyển dụng giảm mạnh hoặc ngưng hẳn do ảnh hưởng dịch COVID-19. Quý IV, nhu cầu chủ yếu lao động chuyên môn kỹ thuật như: kỹ sư, nhân viên kinh doanh, bán hàng, chăm sóc khách hàng… Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL thành phố, nhìn chung, nhu cầu tuyển dụng của DN năm nay giảm mạnh so với năm 2019 (có 98.961 chỗ làm việc trống). Nhiều DN ngưng tuyển dụng; một số DN ngưng hoạt động và cho lao động nghỉ việc do gặp khó trong xuất khẩu các mặt hàng sang thị trường châu Âu, châu Mỹ; sức tiêu thụ hàng hóa thị trường trong nước giảm…, dẫn đến thực trạng thất nghiệp cao. Phát huy vai trò, chức năng, Trung tâm tư vấn 53.675 lượt lao động; kết nối việc làm 15.699 cho lượt lao động, trong đó, có 9.048 lượt lao động được DN chấp nhận tuyển dụng.

Năm 2020, Trung tâm DVVL thành phố tăng cường hoạt động phối hợp với DN trong tuyển dụng lao động. Trong đó, qua các hoạt động giao dịch việc làm thường xuyên, đặc thù, Trung tâm tư vấn cho 39.439 lượt lao động, kết nối việc làm cho 13.204 lượt lao động. Trung tâm triển khai tốt hoạt động thu thập, xử lý thông tin cung, cầu lao động; phân tích dự báo thị trường lao động; mời gọi DN tham gia ngày hội tuyển dụng sinh viên đại học, cao đẳng hay hướng nghiệp cho học sinh trung học. Bà Nguyễn Thị Bích Vân cho biết thêm, hiện có 40 DN ký kết hợp đồng cung ứng lao động và trung tâm đã cung ứng 429 lao động. Trung tâm đang có 4.000 ứng viên đạt yêu cầu để cung ứng cho DN.    

Đồng hành với DN và người lao động

Hầu hết DN tham gia hội thảo đều khẳng định vai trò Trung tâm DVVL thành phố trong kết nối người lao động với DN, đã kịp thời cung ứng cho DN nguồn nhân lực đa dạng, dồi dào. DN tham gia đầy đủ các hoạt động tuyển dụng lao động cũng như được quảng bá, giới thiệu hình ảnh trên các trang thông tin do Trung tâm quản lý. Qua đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cung - cầu lao động của thành phố. Công ty TNHH Taekwang Cần Thơ (quận Cái Răng) tham gia hầu hết các hoạt động giao dịch việc làm, ngày hội việc làm, ngày hội tuyển dụng, phiên giao dịch việc làm trực tuyến… do Trung tâm DVVL tổ chức tại trụ sở hay các quận, huyện. Hiện Công ty cần tuyển 5.000 lao động phục vụ nhu cầu mở rộng sản xuất, mức lương 5,2-6,5 triệu đồng/tháng. Công ty Westfood (quận Ninh Kiều) đăng tải lên trang web tuyển 500 công nhân sơ chế nhưng lực lượng lao động nông thôn khó tiếp cận thông tin qua hình thức này. Công ty mong muốn Trung tâm DVVL tăng cường tổ chức Chuyến xe việc làm để phối hợp đưa thông tin tuyển dụng về vùng ngoại thành, thu hút nguồn lao động.

Quá trình phối hợp tuyển dụng lao động giữa Trung tâm DVVL thành phố và DN năm 2020 còn một số hạn chế. Trung tâm DVVL thành phố quan tâm kết nối, giới thiệu một số ứng viên nhưng chưa đáp ứng nhu cầu cao của DN về tay nghề, kinh nghiệm, ngoại ngữ; một số ứng viên đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN nhưng khoảng cách địa lý khá xa. Mặt khác, chính sách tiền lương một số DN chưa đảm bảo nhu cầu cuộc sống người lao động.

Năm 2021, Trung tâm DVVL thành phố tăng cường hình thức tư vấn, kết nối việc làm cho lao động qua các trang mạng xã hội của trung tâm cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch việc làm; định kỳ gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tuyển dụng; tăng cường các phiên giao dịch việc làm trực tuyến ÐBSCL để thu hút lao động các tỉnh lân cận. Ðồng thời, phối hợp các trường đại học, cao đẳng tổ chức điểm tư vấn việc làm, ngày hội tuyển dụng cho sinh viên để tạo nguồn lao động đạt yêu cầu cung ứng thị trường lao động. Bà Nguyễn Thị Bích Vân nhấn mạnh, đối với DN, cùng với đổi mới tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, trả công lao động; xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, trọng dụng và tạo cơ hội để nhân tài phát huy năng lực; cần phối hợp đánh giá chất lượng ứng viên do Trung tâm cung ứng cũng như lập kế hoạch tuyển dụng lâu dài để Trung tâm kịp thời tuyển chọn, giới thiệu đến DN. Ðối với người lao động, cần nhận thức rõ xu hướng thị trường lao động, chủ động trang bị các kỹ năng “mềm” cần thiết, đáp ứng nhu cầu hội nhập.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết