28/09/2010 - 08:07

Phiên họp 35 Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Phấn đấu giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo, bức xúc, kéo dài, phức tạp

* Nhiều ý kiến khác nhau về thanh tra chuyên ngành

(TTXVN)- Ngày 27-9, tại Hà Nội đã khai mạc phiên họp thứ 35 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ Nghe báo cáo về công tác dân nguyện và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2010; công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí; Nghe Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011; phương án phân bổ ngân sách trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2011; định hướng các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011; báo cáo giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010; các báo cáo công tác năm 2010 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2010. Về công tác xây dựng pháp luật, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Thanh tra; Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Dự án Luật Viên chức; Dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường; Dự án Luật Khoáng sản; Dự án Luật Hợp tác xã; Dự án Luật Lưu trữ; Dự án Luật Tố tụng hành chính...

Phiên họp buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo về công tác dân nguyện và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2010.

Theo báo cáo của Chính phủ, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn tiếp tục tiềm ẩn những diễn biến phức tạp và phát sinh ở nhiều địa phương, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành hoàn thiện từng bước cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt kết quả rõ hơn, trong đó tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc giải quyết; phấn đấu giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo mới phát sinh và giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo, bức xúc, kéo dài, phức tạp. Chính phủ đề nghị phải xác định công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những công tác trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng trong việc chăm lo quyền dân chủ, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân...; các ngành, địa phương phải tăng cường công tác quản lý nhà nước về khiếu nại, tố cáo; chủ động nắm tình hình, có kế hoạch cụ thể giải quyết các vụ việc khiếu kiện của dân tại địa bàn quản lý. Những vụ việc phức tạp, khiếu kiện đông người phải kịp thời phản ánh, đề xuất kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng cấp trên giải quyết kịp thời, không để vụ việc tồn đọng, không né tránh, đùn đẩy, quyết tâm giải quyết dứt điểm từng vụ việc.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng như những ý kiến đóng góp của nhiều đại biểu trong phiên họp sáng nay đều chung nhận xét: tình hình khiếu nại, tố cáo không giảm và vẫn diễn biến phức tạp, phát sinh trên nhiều lĩnh vực, ở hầu hết các địa phương, vì vậy cần phải được đánh giá đúng và làm rõ nguyên nhân của tình trạng này, từ đó có giải pháp phù hợp.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước đề nghị Quốc hội và Ủy ban thường vụ cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật; các Nghị quyết của Quốc hội hằng năm cần tăng cường hơn nữa trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường các hoạt động giám sát và tiếp tục cải tiến hơn nữa trong việc tiếp xúc cử tri. Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện về thể chế, xây dựng các Luật có liên quan tới công tác khiếu nại, tố cáo; đổi mới về cơ chế, thể chế, tổ chức; nâng cao chất lượng và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức làm công tác này; tăng cường thẩm tra việc tổ chức thực hiện; đổi mới hơn nữa trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường công tác thông tin truyền thông để người dân hiểu rõ và đầy đủ hơn về khiếu nại, tố cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình đánh giá khiếu nại chủ yếu vẫn về lĩnh vực đất đai, tố cáo chủ yếu đối với khối cơ quan hành chính các cấp; tính chất vẫn gay gắt kéo dài. Thực trạng này không mới, các cơ quan chức năng cần tìm giải pháp để giải quyết hiệu quả, dứt điểm. Đại biểu đề nghị cơ quan của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ là đầu mối phối hợp các cơ quan tập trung sức giải quyết dứt điểm không để tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài. Nhất trí phương hướng như Chính phủ đã xác định, đại biểu nhấn mạnh khiếu nại, tố cáo trong khuôn khổ pháp luật là quyền của công dân; người có thẩm quyền và cơ quan nhà nước có nghĩa vụ và trách nhiệm giải quyết vụ việc. Đại biểu đề xuất nếu có đơn thư mới phát sinh thuộc cấp nào thì quy định cấp đó giải quyết đến nơi không để kéo dài; nghiên cứu cơ chế chính sách nhà đất, chấn chỉnh đội ngũ cán bộ ... cũng là những vấn đề cần lưu ý trong tổng thể các giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng này.

* Chiều 27-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp, cho ý kiến vào báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật thanh tra (sửa đổi).

UBTVQH nhất trí việc sửa đổi Luật Thanh tra lần này cần phải theo hướng nâng cao địa vị pháp lý, vai trò, tính độc lập và tự chịu trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ nói riêng và của các cơ quan thanh tra nói chung về các hoạt động, quyết định của mình. Hoạt động thanh tra cần được tổ chức theo hướng bảo đảm cho Thanh tra Chính phủ thực hiện tốt vai trò giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác thanh tra tương tự như các bộ, cơ quan ngang bộ khác và theo đúng quy định của Luật tổ chức Chính phủ.

Song, để tránh xáo trộn tổ chức bộ máy nhà nước, bảo đảm sự ổn định về tổ chức, hoạt động của ngành thanh tra, trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp hiện hành, UBTVQH cho rằng trước mắt, khi chưa thực hiện được phương án tổ chức cơ quan thanh tra độc lập với cơ quan quản lý nhà nước, cần đổi mới từng bước tổ chức và hoạt động thanh tra theo hướng vẫn gắn với hoạt động quản lý nhà nước nhưng có tính độc lập tương đối.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, để có thể phát huy được hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra, cần bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn cho cơ quan thanh tra như: Cơ quan thanh tra các cấp, các ngành có quyền chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra của cấp mình trên cơ sở Định hướng chương trình thanh tra đã được Thủ tướng phê duyệt; chủ động tiến hành thanh tra trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo kế hoạch, trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thủ trưởng cơ quan thanh tra có quyền quyết định thanh tra và chịu trách nhiệm về quyết định đó. Bên cạnh đó, thủ trưởng cơ quan thanh tra có quyền yêu cầu thủ trưởng cơ quan chuyên môn cùng cấp hoặc Chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp thanh tra trong phạm vi quản lý của mình khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Nếu các chủ thể này không đồng ý thanh tra hoặc đã thanh tra mà vẫn có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì thủ trưởng cơ quan thanh tra có quyền tiến hành thanh tra vụ việc đó và chịu trách nhiệm trước thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.

Các ý kiến trong Thường vụ Quốc hội đều nhất trí bổ sung vào điều 2 của dự thảo Luật quy định mục đích thanh tra nhằm giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định của pháp luật, bên cạnh hoạt động phát hiện, xử lý đối với những sai phạm, kiến nghị việc khắc phụ, điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật.

Tán thành phương án tổ chức cơ quan thanh tra chuyên ngành ở một số tổng cục, cục thuộc bộ nhưng không tổ chức cơ quan thanh tra chuyên ngành ở chi cục thuộc sở, Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền giải thích: Một số bộ đa ngành, đa lĩnh vực như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương... bộ máy rất lớn nên phải thành lập thêm thanh tra tổng cục, cục và là một bộ phận của thanh tra bộ. Ông Hiền cũng tán thành việc thành lập lực lượng thanh tra xây dựng ở quận bởi theo ông nó rất hữu ích, ra đời từ những đòi hỏi bức thiết của cuộc sống.

Bảo lưu phương án do Chính phủ trình, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền giải thích: Nếu không thành lập thanh tra chuyên ngành độc lập, tổ chức bộ máy của thanh tra Bộ sẽ rất lớn, nhiều lĩnh vực không thể chuyên sâu. Hoạt động của tổng cục, cục sát với thực tế đời sống mà thanh tra Bộ không thể sát, kịp thời được. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý, nên lập thanh tra ở một số cục, tổng cục, do Chính phủ quy định cụ thể.

Trước hai luồng ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề xuất sẽ trình cả hai phương án tại kỳ họp thứ 8 tới để Quốc hội xem xét.

Chia sẻ bài viết