16/03/2010 - 21:21

Ông Nguyễn Quốc Vững, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh Niên TP Cần Thơ:

Phải xác định mục tiêu nghề nghiệp, sẵn sàng nhận việc, nắm bắt cơ hội phát triển

 

Theo xu thế phát triển của thị trường lao động, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh luôn mong muốn tuyển chọn được những cộng sự đắc lực. Tiêu chuẩn tuyển dụng của doanh nghiệp càng cao thì các Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) càng phải thể hiện đúng chức năng, trách nhiệm được tin cậy, ủy thác, sàng lọc được những ứng viên có năng lực, tay nghề. Trao đổi vấn đề này với phóng viên Báo Cần Thơ, ông Nguyễn Quốc Vững, Giám đốc Trung tâm GTVL Thanh niên TP Cần Thơ, cho biết:

- Năm 2009, ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có TP Cần Thơ, nói riêng, một số doanh nghiệp co hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh, cố gắng trụ lại chờ cơ hội mới, chưa có hướng phát triển nên hạn chế tuyển lao động. Vì vậy, hoạt động tuyển dụng trong năm qua gặp nhiều khó khăn, nhất là lao động muốn làm việc cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp lớn trong nước.

Theo tôi, hoạt động dịch vụ lao động năm 2009 chịu hai áp lực lớn. Thứ nhất, phải cung cấp được nhiều ứng viên có năng lực, biết chia sẻ và góp sức cùng nhà tuyển dụng, đương đầu với thị trường khó khăn. Thứ hai, nhiều lao động bị mất việc, cần sự hỗ trợ của các tổ chức GTVL. Tôi rất vui mừng vì trong bối cảnh khó khăn đó, Trung tâm GTVL Thanh niên đã thể hiện trách nhiệm được nhà tuyển dụng và các lao động trẻ tín nhiệm, đánh giá cao về thái độ phục vụ.

* Ông có nhận xét gì giữa nhu cầu và thực tế chất lượng lao động năm qua, thưa ông? Mức độ hài lòng của nhà tuyển dụng?

- Qua tiếp cận và ghi nhận thực tế đánh giá của nhà tuyển dụng, nhìn chung, phần đông vẫn chưa hài lòng với chất lượng lao động trẻ, bởi người lao động còn thụ động, làm việc theo sự hướng dẫn, kế hoạch có sẵn.

Khi phỏng vấn, nhà tuyển dụng luôn mong muốn chọn được những ứng viên đạt chuẩn, làm được việc. (Trong ảnh: Doanh nghiệp tham gia phỏng vấn tuyển dụng tại Ngày hội việc làm, ở Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Cần Thơ).

Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có nhiều lao động trẻ đã xác định mục tiêu nghề nghiệp rất rõ ràng. Từ khi còn ngồi ghế giảng đường họ đã học tập nghiêm chỉnh, không vay mượn, sao chép kiến thức. Đương nhiên những ứng viên như thế thường rất được trọng dụng và có thu nhập cao.

* Ông có thể phác họa hình ảnh ứng viên đạt yêu cầu trong thị trường lao động hiện nay?

- Theo kinh nghiệm tuyển dụng của tôi, ứng viên đạt chuẩn có những nét tiêu biểu: Sự năng động, biết sắp xếp, tổ chức công việc đạt mục đích nhà tuyển dụng giao; thái độ hợp tác, gắn bó lâu dài với nhà tuyển dụng, không làm cầm chừng chờ cơ hội; tự tin vào khả năng đồng thời biết khiêm tốn lắng nghe và chọn lọc sự góp ý của đồng nghiệp; làm việc với thái độ tự chủ... Nhà tuyển dụng luôn có cái nhìn tốt và mong muốn chào đón, tuyển dụng được những ứng viên như thế.

Trong giai đoạn hội nhập, sự cạnh tranh khốc liệt để có một vị trí tốt, những đức tính kể trên càng khẳng định giá trị tốt đẹp của người lao động trước góc nhìn của nhà tuyển dụng.

* Nhiều nhà tuyển dụng khuyên lao động trẻ hãy thể hiện năng lực, sự hợp tác, chia sẻ và trải nghiệm, khoan hãy chú trọng về thu nhập và sự đãi ngộ đối với mình khi đến với nhà tuyển dụng. Theo ông có đúng với thực tế cuộc sống không vì “có thực mới vực được đạo”?

- Đi làm để có thu nhập là một nhu cầu chính đáng và thu nhập cao có thể là động lực để người lao động phấn đấu, gắn bó lâu dài với công việc.

Trong cơ chế thị trường sức lao động, quan niệm “có thực mới vực được đạo” được hiểu theo nghĩa tích cực là: Nhà tuyển dụng muốn người lao động làm được việc sẽ trả lương cao và người lao động muốn lương cao phải làm việc tốt. Thống nhất hai quan điểm này không dễ dàng chút nào. Theo tôi, cần phải có thiện chí từ 2 phía. Người lao động không nên vịn cớ giá cả cao lương phải cao, vì giá cả cao cũng là khó khăn của nhà tuyển dụng. Nhà tuyển dụng cũng không nên vịn cớ làm ăn thua lỗ rồi o ép lương của người lao động, tăng ca, áp đặt doanh số... Đó là sự đối đầu, còn gì là thiện chí. Mọi việc cần có sự hiểu biết, tôn trọng và chia sẻ. Người lao động cần chứng minh năng lực của mình, tạo sự yên tâm để nhà tuyển dụng giao trách nhiệm, không nên vội vàng đòi hỏi vì mình có bằng cấp, học vị cao khi chưa chứng minh được khả năng thực tế.

* Theo ông trong năm 2010, những ngành nghề, vị trí nào được tập trung tuyển dụng nhiều nhất?

- Trong năm 2010, các vị trí được tuyển dụng sẽ rất đa dạng, nhiều nhất sẽ là công nhân kỹ thuật và công nhân phổ thông cho các nhà máy sản xuất trong khu công nghiệp tập trung như: Chế biến thủy sản, Chế biến thực phẩm. Ngoài ra, thợ lành nghề các nhóm: Cơ khí, điện, xây dựng, dịch vụ thẩm mỹ, dịch vụ kinh doanh sẽ là tâm điểm tuyển dụng... Tuy nhiên, kỹ năng mềm (giao tiếp, ứng xử, thái độ làm việc...) sẽ là cái nhìn khắt khe của nhà tuyển dụng đối với ứng viên.

* Xin ông cho biết những định hướng sắp tới của Trung tâm để góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động?

- Theo kế hoạch, 6 tháng đầu năm 2010, nhu cầu cần khoảng 5.000 lao động làm việc tại TP Cần Thơ và các tỉnh trong khu vực. Để đáp ứng nguồn lao động đạt yêu cầu của nhà tuyển dụng, ngoài việc tổ chức hiệu quả Tuần lễ việc làm Thanh niên (diễn ra từ ngày 23 đến 26-3-2010), với nhiều doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, với trên 2.000 cơ hội việc làm dành cho lao động trẻ, Trung tâm GTVL Thanh niên TP Cần Thơ phối hợp với các tổ chức Đoàn cơ sở, thường xuyên tổ chức tư vấn làm thay đổi nhận thức người lao động, không làm theo phong trào. Trung tâm tìm đầu ra, môi trường làm việc tốt, việc làm ổn định lâu dài; phối hợp chặt chẽ với tổ chức Đoàn cơ sở để tạo nguồn lao động. Ngoài ra, Trung tâm sẽ tăng cường hợp tác với các trường đào tạo nghề, huấn luyện kỹ năng mềm, kỹ năng thực hành để giới thiệu ứng viên có chất lượng đến các đơn vị tuyển dụng...

* Ông có thể cho vài lời khuyên đối với lao động trẻ trước mùa tuyển sinh 2010 – 2011 như là một gợi ý về định hướng nghề nghiệp để chọn ngành dự thi?

- Đầu tiên, lao động trẻ không nên có suy nghĩ học đại học để có bằng cấp sau này dễ xin việc làm. Điều quan trọng là phải xác lập mục tiêu nghề nghiệp trước, sau đó sẽ chọn ngành học nào để sớm tiếp cận và đạt mục tiêu đề ra; nên học tập theo chiều hướng nghiên cứu và kỹ năng vận dụng tri thức. Thông thường, những người có khả năng vận dụng kiến thức đã học vào công việc thực tế thì cơ hội được trọng dụng sẽ cao gấp nhiều lần so với những ứng viên thụ động, làm việc máy móc...

Xin khẳng định với các bạn, hiện nay, không ngành học nào không tìm được việc làm, không có cơ hội phát triển và không đóng góp cho xã hội, mang lại lợi ích lâu dài cho bản thân. Xã hội không từ chối lao động có nghề, có nhiệt huyết, chỉ có người lao động từ chối nghề nghiệp, việc làm với nhiều lý do hoặc thiếu khả năng vận dụng để lãng phí tri thức, mất sự tự tin, từ đó để vuột mất cơ hội phát triển nghề nghiệp cho tương lai.

* Xin cảm ơn ông!

PHƯƠNG MAI (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết