02/05/2011 - 20:16

THU HÚT HỌC SINH ĐẾN VỚI TRƯỜNG DẠY NGHỀ

Phải tăng cường "tiếp thị chính mình"

Giờ học thực hành tin học của thầy trò Trường Trung cấp Nghề Thới Lai (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ).

Trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực để phục vụ cho công cuộc CNH, HĐH ở nước ta, đào tạo nghề được coi là một trong những giải pháp quan trọng, nhằm tạo ra đội ngũ công nhân kỹ thuật có trình độ chuyên môn, có kỹ năng phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động. Vấn đề đào tạo nghề còn góp phần quan trọng trong việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp phổ thông, trang bị cho thanh niên một tay nghề nhất định để có thể lập thân, lập nghiệp bằng sức lao động của mình. Nghịch lý là mặc dù công tác đào tạo nghề đã khẳng định sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cá nhân và xã hội, nhưng vẫn không thu hút được nhiều người theo học; dẫn đến kết quả triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề còn nhiều hạn chế...

* Nghịch lý!

Theo thống kê của Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong lễ trao bằng tốt nghiệp cho các sinh viên tốt nghiệp cao đẳng nghề khóa 1 (2007-2010), có khoảng 750 doanh nghiệp tham dự và trực tiếp tuyển dụng; hơn 80% trong tổng số 22.016 sinh viên tốt nghiệp khóa học này có việc làm đúng nghề ngay sau khi tốt nghiệp. Trong đó, một số nghề có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay đạt khá cao, như điện công nghiệp (trên 87%), hàn (trên 92%), cắt gọt kim loại (trên 89%),... Thực tế này đã phản ánh nhu cầu của thị trường lao động về lực lượng lao động sản xuất trực tiếp, nhất là lao động qua đào tạo nghề...

Tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác tuyển sinh đào tạo nghề năm 2011 và thi tốt nghiệp cao đẳng nghề khóa 2, do Tổng cục Dạy nghề tổ chức vào cuối tháng 4-2011, ý kiến của các đại biểu tham dự một lần nữa khẳng định sức “hút” của lao động có tay nghề đối với thị trường lao động. Bà Thái Thị Hoa, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng, cho biết: “Tại lễ phát bằng tốt nghiệp cho sinh viên khóa 1 của Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng, có 35 doanh nghiệp trên địa bàn và khu vực miền Trung đến tuyển dụng tại chỗ 117 sinh viên, với mức lương khởi điểm cao nhất là 300 USD/ tháng. Trung tâm Đào tạo thường xuyên và tư vấn việc làm của trường cùng vừa tiến hành khảo sát đối với 343 sinh viên vừa tốt nghiệp, kết quả là hiện nay trên 90% sinh viên đã có việc làm”. Thậm chí, với một số nghề, doanh nghiệp còn đến tận trường để “đặt cọc” ngay khi sinh viên còn chưa tốt nghiệp. Ông Phạm Hồng Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Đồng Nai, cho biết: “Rất nhiều doanh nghiệp đến trường đặt vấn đề tuyển dụng lao động, nhất là các nghề hàn, điện... nhưng trường không đủ sinh viên để cung cấp”. Tại Cần Thơ, thống kê của Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ và Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ (đóng trên địa bàn TP Cần Thơ) cũng thể hiện một tín hiệu rất lạc quan: hằng năm có trên 70% sinh viên tốt nghiệp có việc làm...

Có thể dễ dàng nhận ra rằng, so với sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp ở các trường nghề cao hơn hẳn. Thế nhưng, thực tế nhiều năm qua hầu hết các trường nghề đều gặp khó trong việc tuyển sinh. Theo phân tích của lãnh đạo một số trường nghề, nguyên nhân chính của tình trạng này là do xã hội hiện nay vẫn còn mang nặng tâm lý trọng bằng cấp, thích làm “thầy” hơn làm “thợ”. Đa số học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đều đặt mục tiêu là phải vào đại học. Thậm chí khi không đạt được mục tiêu đó ngay sau khi tốt nghiệp, nhiều học sinh sẵn sàng dành một quãng thời gian 2, 3 năm để luyện thi, nuôi chí vào đại học, chứ không thích đi học nghề. Trong khi đó, công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn và hướng nghiệp về dạy nghề hiện nay chưa đủ mạnh để tác động, làm cho xã hội, nhất là học sinh tốt nghiệp THCS, THPT, thanh niên hiểu đúng và lựa chọn học nghề. Thừa nhận thực trạng này, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Sơn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ, tình trạng các trường đại học, cao đẳng được mở ra quá nhiều, điểm chuẩn hạ thấp, chỉ tiêu tuyển ngày càng tăng... cũng là một trong các nguyên nhân khiến cho học sinh càng “ngó lơ” với việc học nghề hơn.

* “Tiếp thị chính mình”

Để nâng cao chất lượng, số lượng lao động qua đào tạo nghề, vấn đề tăng cường “tiếp thị chính mình” là giải pháp được lãnh đạo nhiều trường dạy nghề đồng tình ủng hộ. Ông Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, khẳng định: “Bây giờ không thể mong chờ “hữu xạ tự nhiên hương”, các trường muốn tuyển sinh hiệu quả thì phải chủ động tìm đến học viên”. Cũng theo ông Vinh, bằng cách tăng cường tư vấn hướng nghiệp- tuyển sinh trên Internet, gửi thông báo tuyển sinh đến các xã, phường, các trường THPT; chủ động tham dự các ngày hội việc làm;..., năm 2010, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đã tuyển được hơn 2.000 học sinh, sinh viên, vượt chỉ tiêu 30% so với chỉ tiêu tuyển năm 2009. Ở TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tập trung một nhóm các trường cùng ngành nghề đào tạo để đến các trường THPT giới thiệu tuyển sinh, trình diễn nghề ngay tại trường để hướng nghiệp cho học sinh THPT. Một số trường nghề cũng đã đưa kết quả học tập của sinh viên năm cuối lên trang web để các doanh nghiệp vào lựa chọn và tuyển dụng. Tại TP Cần Thơ, các trường nghề cũng đã có nhiều nỗ lực nâng cao năng lực, đa dạng hóa ngành nghề tạo “thương hiệu” để tạo sức hút đối với thí sinh vào học. Ông Lê Thái Dương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ, cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, năm nay, trường mở thêm ngành mới là ngành trung cấp Tài chính ngân hàng. Nhằm định hướng cho học sinh chọn những ngành, nghề phù hợp trong tháng 3 và tháng 4-2011, trường đã đến tư vấn cho hơn 12.000 học sinh phổ thông ở ĐBSCL. Đây còn là dịp thông tin thêm về ngành nghề, chỉ tiêu đào tạo của trường. Nhờ cách làm này mà hằng năm, trường đều tuyển đủ chỉ tiêu cho các ngành, nghề bậc trung cấp. Riêng năm 2010, trường đã tuyển đủ chỉ tiêu cho các ngành trung cấp, với trên 900 học sinh”.

Lãnh đạo một số trường nghề cũng cho rằng, để tạo sự quan tâm của xã hội, thu hút ngày càng nhiều học sinh, không chỉ đến mùa thi tuyển sinh mới bắt đầu các hoạt động tư vấn hướng nghiệp mà các trường nên có sự phối hợp chặt chẽ với các trường phổ thông thường xuyên tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Bên cạnh đó, các trường cũng cần phối hợp với các doanh nghiệp để tổ chức ngày hội việc làm, vừa tạo thêm cơ hội tìm việc cho sinh viên, vừa mở rộng thêm một “kênh” giới thiệu về trường qua thông tin đánh giá từ phía đơn vị sử dụng lao động. Tuy nhiên, với cách làm này, bản thân các trường nghề phải không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo nếu không muốn dẫn đến những hiệu quả ngược.

Theo Tổng cục Dạy nghề, năm 2011, toàn ngành dạy nghề sẽ tuyển trên 1,8 triệu người (tăng 6,4% so với kế hoạch năm 2010). Ông Dương Đức Lân, Phó cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, nhấn mạnh: “Ngoài việc hỗ trợ từ các bộ, ngành trung ương, địa phương, đẩy mạnh công tác tiếp thị, vấn đề thiết yếu là các trường cần chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ giáo viên nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo, thu hút học sinh phổ thông tham gia học nghề, đào tạo ngày càng nhiều lao động có trình độ phục vụ cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế”.

Bài, ảnh: BÍCH KIÊN

Chia sẻ bài viết