18/05/2018 - 07:03

Ông Ba Hạnh trả ơn cho đời 

Ông Nguyễn Hữu Hạnh (Ba Hạnh, ngụ khu vực Thạnh Hòa, phường Phú Thứ, quận Cái Răng) chọn cách sống trả nghĩa cho những ân tình mà ông đã từng nhận. Một lần hàm ơn rồi mấy mươi năm trả ơn…

Ông Ba Hạnh chăm sóc thuốc nam trong vườn nhà. Ảnh: DUY KHÔI
Ông Ba Hạnh chăm sóc thuốc nam trong vườn nhà. Ảnh: DUY KHÔI

Ngôi nhà của vợ chồng ông Ba Hạnh cặp mé sông Hậu, quanh năm lộng gió, với sân vườn là những cây thuốc nam luôn tươi tốt, sẵn sàng làm vị thuốc cứu người. Căn nhà chỉ có vợ chồng ông Ba Hạnh ở nhưng chật kín bởi những bao đựng thuốc nam. Suốt ngày, vợ chồng ông luôn bận bịu đi khắp vùng và các tỉnh ĐBSCL để tìm cây thuốc nam, đem về chặt phơi, rồi chở đến tặng cho những phòng thuốc nam từ thiện.

Nói về cơ duyên đến với công việc này, vợ chồng ông Ba nhớ khoảng 25 năm trước, căn bệnh mất ngủ kinh niên bào mòn sức khỏe và tâm trí ông Ba; bà Ba thì bị gai cột sống, thần kinh tọa nên suốt ngày chịu đựng cảm giác đau nhức. Bà Ba nhớ lại, có lúc ông bà đã nghĩ đến cái chết vì tiền hết mà tật vẫn mang, túng quẫn, đau khổ. Rồi cái duyên đưa ông bà đến với phòng thuốc nam từ thiện, căn bệnh được chữa lành bằng sự tận tình của lương y. Vậy là sau khi hết bệnh, ông Ba dành 2 năm học việc tại phòng thuốc nam từ thiện, sau đó bắt đầu công việc tìm thuốc cứu người. Đó là cách để ông trả ơn cho đời.

Thời các con còn nhỏ, kinh tế gia đình chật vật, vậy mà bà Ba Hạnh khuyên chồng: “Ông cứ đi tìm thuốc đi, tui ở nhà nuôi con cũng được”. Đến nay thì các con đã có cơ ngơi riêng, vợ chồng ông Ba cùng song hành trên những hành trình nhân ái. Ông Ba Hạnh nói: “Thấy cái đau khổ của họ gắn liền với khổ đau của mình. Có rách áo mới thương người áo rách…”. Mấy mươi năm làm thiện nguyện, vợ chồng ông Ba Hạnh giờ thuộc làu tên thuốc và công dụng của chúng. Có những cây thuốc quý, khó tìm, ông cố đem về vườn nhà trồng, thuần dưỡng.

25 năm qua, người dân trong vùng và các tỉnh quen với hình ảnh đôi vợ chồng có dáng người nhỏ bé, trên chiếc xe “cà tàng” rong ruổi khắp mọi nẻo đường để tìm thuốc nam. Nắng, gió, sình lầy… chẳng gì ngăn được đôi chân thiện nguyện. Bà Ba kể, trước giờ vốn chỉ gắn đời với vườn rau thửa ruộng, nghe nói Thất Sơn, Bạc Liêu, Sóc Trăng… mà có biết ở đâu. Vậy nhưng nghe ở đó có thuốc nam, ông bà cứ thẳng tiến, chẳng chút đắn đo. Ông Ba thì kể có lần đi Bạc Liêu tìm thuốc nam, mãi mê đến tối nên lạc đường về, bụng thì đói meo. Ông cùng bạn đồng hành len lỏi đến 10 giờ đêm mới gặp một ngôi chùa, vào xin cơm ăn và hỏi đường về. Về đến Cần Thơ, đồng hồ đã điểm qua ngày mới.

Có hành trình tìm thuốc phải chuẩn bị nhưng có những chuyến đi tình cờ, không đoán trước. Vợ chồng ông Ba cứ bình thản đi vì biết rằng, bà con biết mình tìm thuốc từ thiện thì ai cũng sẵn lòng giúp đỡ, cho tá túc. Đấy như cái duyên thiện nguyện, nhờ vậy, việc làm của vợ chồng ông Ba Hạnh cũng lay động và thu hút nhiều người tham gia. Hành trình tìm thuốc, sắc thuốc của vợ chồng ông Ba giờ không đơn độc, lối xóm đến phụ giúp ông bà ngày càng nhiều.

Những ông bà như Nguyễn Thị E, Trần Hùng Dũng, Nguyễn Văn Phi, Lê Thị Ngọc Liễu… hoặc từng là bệnh nhân được thuốc nam chữa lành hoặc cảm nhận được ý nghĩa việc ông Ba Hạnh làm nên phát tâm giúp sức. Mỗi chuyến vào rừng, đi xa, có những người đàn ông đồng hành nên ông Ba Hạnh đỡ vất vả, nguy hiểm. Ông Hồ Tuấn Đạt, từng trải qua cơn “thập tử nhất sinh”, giờ theo chân vợ chồng ông Ba Hạnh đi tìm thuốc, nói: “Có trong hoàn cảnh mới biết cái khổ của người bệnh không tiền. Có như vậy càng thấy việc làm của ông Ba Hạnh có ích biết chừng nào”.

Một câu chuyện nhớ đời của ông Ba Hạnh là có lần ông tìm được đến vài trăm ki-lô-gam cây lữ đồng - một thảo dược cực quý có tác dụng giải độc và kiềm chế sự phát triển của một số căn bệnh nan y. Nhiều thương lái biết chuyện, tìm gặp ông gợi ý mua lại với giá bạc triệu đồng mỗi ki-lô-gam. Đề nghị đó làm ông phân vân. Trong cảnh nghèo, hàng trăm triệu có thể giúp ông sửa sang lại căn nhà lụp xụp, lo cho vợ, cho con đủ đầy. Rồi cuộc họp gia đình diễn ra. Vợ con ông động viên rằng, nếu số thuốc đó vào tay thương buôn, có khi họ đẩy giá cao lên gấp chục lần, như thế bệnh nhân nghèo sẽ khổ càng thêm khổ. Vậy rồi cả gia đình nhất quyết không bán mà đem đi làm từ thiện. Việc thiện nguyện cũng là cách để ông Ba Hạnh dạy dỗ các con đạo lý sống ở đời.

3 người con của ông Ba giờ có cơ ngơi riêng, lớn lên từ những sân phơi thuốc nam của cha mẹ nên càng hiểu ý nghĩa cha mẹ làm. Giờ, mỗi tháng, họ đều gửi tiền về cho cha mẹ làm kinh phí đi tìm thuốc. Tuổi 62, ông Ba Hạnh chẳng lo gì cho bản thân mà lo nguồn thuốc nam ngày càng hiếm, lo tuổi già sẽ chẳng đảm đương nổi công việc thiện nguyện này…

Ông Hồ Thanh Dũng, Phó Trưởng khu vực Thạnh Hòa, phường Phú Thứ, cho biết: “Bà con địa phương rất mến mộ việc làm của vợ chồng ông Ba Hạnh. Địa phương cũng đánh giá cao nghĩa cử ấy và luôn hỗ trợ, động viên ông Ba làm tiếp công việc thiện nguyện”.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết