|
Thu hoạch cá tra ở xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ. |
Đến hẹn lại lên, vào những tháng cuối năm, khi các doanh nghiệp (DN) chế biến cá tra xuất khẩu đẩy mạnh sản xuất đáp ứng hợp đồng dịp Noel và Tết Dương lịch thì nguồn cá bắt đầu khan hiếm và giá cá nguyên liệu nhích lên. Nhiều DN đang chạy đua tìm kiếm nguồn nguyên liệu.
9 tháng đầu năm, thành phố xuất khẩu 135.200 tấn thủy sản (vượt 27,5% kế hoạch năm và tăng gần 142% so cùng kỳ) với giá trị 355,1 triệu USD (vượt 1,5% kế hoạch năm và tăng gần 94% so cùng kỳ). Theo nhận định của Sở Công Thương, xuất khẩu sản phẩm cá tra của các DN trên địa bàn khá thuận lợi, các DN đã đẩy mạnh mở rộng thị trường mới ngoài Đông Âu và Nga. Còn theo một số DN chế biến cá tra xuất khẩu trên địa bàn, cách đây không lâu, khó khăn lớn nhất của DN là lãi suất ngân hàng tăng, nhưng vấn đề này đã được giải quyết. Khó khăn hiện tại là sự biến động theo chiều hướng tăng giá cá tra và tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu.
Tuy nhiên, giá cá tra nguyên liệu hiện tại tăng là kiểu “tăng ảo”, gây khó khăn cho các DN trong việc mua nguyên liệu đầu vào, do nhiều nông dân có tâm lý ngâm cá chờ giá. Hệ quả sẽ phát sinh việc cá quá lứa, khó tiêu thụ, lúc đó nông dân sẽ thiệt thòi. Bởi, đối với DN trong ngành thủy sản, đa số đều có vùng nuôi của đơn vị, khả năng đáp ứng 30-50% nhu cầu của nhà máy. Ông Trần Văn Quang- Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam (SOUTH VINA)- Khu Công nghiệp Trà Nóc II, nói: “Tôi nghĩ, nếu cá đạt chuẩn, đủ kích cỡ chế biến và mức giá hợp lý, nông dân nên thu hoạch để tránh tình trạng tồn đọng cá quá lứa như trước đây”. Ngoài ra, việc chủ động của cơ quan chức năng, DN và người nuôi sẽ giải quyết được vấn đề thiếu- thừa nguồn nguyên liệu.
Theo qui hoạch phát triển của ngành nông nghiệp thành phố, đến năm 2010, diện tích nuôi cá tra trên địa bàn đạt 1.000 ha. Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm, diện tích nuôi cá tra toàn thành phố đã trên 1.253 ha. Tính đến tháng 9-2008, sản lượng thu hoạch 135.405 tấn, xuất khẩu 104.409 tấn (đạt kim ngạch 319 triệu USD). Do phát triển quá “nóng” nên giá cá giảm còn 12.000- 14.000 đồng/kg, người nuôi lỗ từ 2.000- 3.000 đồng/kg. Đầu tháng 9-2008, giá cá có nhích lên 16.000- 17.000 đồng/kg, nhưng người nuôi vẫn không có khả năng đầu tư nuôi tiếp. Hiện tại, trên 400 ha đang treo ao và cá tra đến kỳ thu hoạch còn tồn trong dân khoảng 29.608 tấn. Trong buổi làm việc mới đây với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về tình hình sản xuất của ngành trong 9 tháng đầu năm 2008, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Thanh Mẫn yêu cầu Sở phải phối hợp cùng các sở, ngành, Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ lập tức vào cuộc để tìm hiểu tình trạng 400 ha đang treo ao của người dân, đồng thời có hướng giải quyết cụ thể nhằm đảm bảo cho sản xuất, chế biến trong năm 2009.
Thủy sản được xem là mũi kinh tế động lực của khu vực I (nông- lâm- thủy sản). Năm 2005, kim ngạch xuất khẩu thủy sản chỉ chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố, còn hiện tại là 55%. Theo dự báo của nhiều chuyên gia, trong tương lai, ngành thủy sản Cần Thơ sẽ gặp phải thách thức khi cả vùng Tây sông Hậu sẽ được ưu tiên phát triển đô thị và công nghiệp. Nếu không kiểm soát tốt môi trường, mũi kinh tế động lực của khu vực I có thể bị hạn chế, đời sống của hàng chục ngàn nông hộ có thể sẽ bị ảnh hưởng.
Theo qui hoạch của ngành thủy sản thành phố, số lượng nhà máy chế biến đến năm 2010 là 21 và có thể tăng lên 32 nhà máy trong năm 2020. Tuy nhiên, hiện tại riêng các Khu công nghiệp tập trung của thành phố có khoảng 20 dự án trong ngành chế biến thủy sản. Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, việc tiêu thụ cá tra ở ĐBSCL và cả nước sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do rào cản kỹ thuật và thương mại ngày càng khắt khe. Mặt khác, do chất lượng sản phẩm cá phi lê của ta không đồng đều và thiếu ổn định. Còn nhớ, những tháng cuối năm 2007, nhiều nhà máy chế biến cá đã phải tạm ngừng sản xuất hàng mới để tiêu thụ hết hàng tồn kho.
Thêm vào đó, những cảnh báo mới nhất của Nga đối với con cá tra Việt Nam là vấn đề cần phải xem xét một cách nghiêm túc đối với nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu của Việt Nam. Mới đây, Bộ NN & PTNT yêu cầu Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) có biện pháp quản lý chất lượng và tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ, xuất khẩu cá tra vào thị trường các nước, đặc biệt là thị trường Nga; tăng cường công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm để không gây tổn hại đến hình ảnh cá tra Việt Nam. Các cơ quan chức năng cần phối hợp với các địa phương sớm rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng nuôi cá tra cho phù hợp, tránh tình trạng khủng hoảng thừa hoặc thiếu nguyên liệu.
Bài, ảnh: Gia Bảo