06/05/2018 - 15:56

Nông dân Thoại Sơn chuyển đổi cây trồng, nâng cao thu nhập 

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều nông dân ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang có điều kiện để phát triển kinh tế gia đình.

Anh Phan Thanh Mạnh bên vườn quýt đường sai trái.

Năm 2013, nhận thấy việc canh tác lúa gặp nhiều khó khăn, anh Phan Thanh Mạnh ngụ ấp Phú Thạnh, xã Thoại Giang mạnh dạn chuyển đổi khoảng 3,5ha đất lúa lên vườn để trồng quýt đường. Nhờ áp dụng đúng quy trình, kỹ thuật nên vườn quýt nhà anh phát triển tốt. Mỗi năm đem về nguồn thu nhập cho gia đình anh trên dưới 200 triệu đồng. Anh Mạnh cho biết: Quýt đường cho năng suất cao, được người tiêu dùng ưa chuộng nên giá bán luôn ổn định. Trồng quýt đường không khó. Tuy nhiên, trên cây quýt đường thường có nhiều loại sâu bệnh gây hại, như: bọ trĩ, sâu vẽ bùa, sâu đục gốc, bệnh nấm trên lá… Do đó, trong quá trình trồng, phải thường xuyên ra thăm vườn để quan sát, phát hiện sâu hại ngay vừa mới xuất hiện để có biện pháp xử lý thích hợp.

Ông Hồ Văn Em ngụ ấp Hòa Phú, xã Định Thành có được nguồn thu nhập khá từ việc chuyển đổi cây lúa sang trồng mãng cầu xiêm. Ông Em cho biết: Những năm gần đây, sâu bệnh, thời tiết diễn biến phức tạp nên năng suất và giá bán lúa khá bấp bênh. Chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ngày càng tăng cao. Người trồng lúa không có lãi. Vì vậy, ông Em chuyển sang hướng làm vườn với mong muốn có thu nhập ổn định hơn. Nhờ được tham quan các mô hình trồng cây ăn trái hiệu quả ở các địa phương trong và ngoài tỉnh, ông  Em cải tạo toàn bộ diện tích đất ruộng, trồng 1.300 gốc mãng cầu xiêm. Sau 1 năm cần cù chăm sóc, vườn mãng cầu gia đình ông đã cho “quả ngọt”. “Nhờ chất lượng trái đẹp, nên thương lái đến mua tận vườn thu mua với giá cao, từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Lợi nhuận cao gấp 2- 3 lần so với trồng lúa. Nhờ vậy, kinh tế gia đình tôi ngày càng cải thiện hơn so với trước đây” - ông Em chia sẻ.

Hơn 6 năm qua, nhờ chuyển đổi  đất vườn tạp sang trồng dừa đã giúp gia đình ông Bùi Trung Ơn, xã Vĩnh Khánh có thu nhập ổn định. Với diện tích 3ha, ông Ơn trồng trên 1.000 gốc dừa xiêm, tổng chi phí gần 1 tỉ đồng. Hiện nay vườn dừa của gia đình ông Ơn đã cho trái ổn định. Theo ước tính của ông Ơn, 1.000 gốc dừa mỗi ngày thu hoạch khoảng 500 trái, mỗi trái giá từ 8.000 - 12.000 đồng, tùy từng thời điểm, đem về thu nhập 500.000 đồng/ngày. Ông Ơn cho biết: “Cây dừa xiêm dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, ít sâu bệnh, ít rủi ro hơn so với nhiều loại cây trồng khác, chủ yếu là phòng trị đuông và bọ cánh cứng kịp thời. Mùa khô phải cung cấp đủ nước cho dừa phát triển, trái to. Khoảng 3 năm là dừa có trái, năm thứ 4 trở lên, dừa cho trái nhiều và quanh năm. Trời nắng thì bẻ dừa tươi bán nước, dễ tiêu thụ. Trời mưa thì để bán dừa khô. Nhờ vậy, gia đình tôi có thu nhập ổn định hằng tháng”.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thoại Sơn, cho biết: Để nâng cao hiệu quả sản xuất, trong thời gian qua, các ngành chức năng đã phối hợp tổ chức tập huấn tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho nông dân. Đồng thời, tổ chức nhiều đợt tham quan, học tập kinh nghiệm ở các mô hình nông nghiệp hiệu quả cao. Ngoài ra, hỗ trợ vốn vay ưu đãi để nông dân phát triển các mô hình, tăng thu nhập nâng cao đời sống... Với những hiệu quả kinh tế từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời gian tới, chính quyền và bà con nông dân huyện Thoại Sơn tiếp tục duy trì và đẩy mạnh chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, giúp nông dân làm giàu từ sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng”.

Bài, ảnh: PHI ĐIỆP

Chia sẻ bài viết