01/05/2011 - 08:13

TP Cần Thơ

Nỗ lực kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội

Theo công bố mới đây của Cục Thống kê TP Cần Thơ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố tháng 4-2011 tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 8,58% so với tháng 12 năm trước. Cùng với cả nước, TP Cần Thơ đã và đang nỗ lực kiểm soát lạm phát, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong năm 2011.

CPI tăng 3,3%

Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, tháng 4-2011, hầu hết các nhóm hàng hóa đều tăng so với tháng trước. Trong “rổ hàng hóa” được đưa vào tính CPI tháng này có 5/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng trên 2%. Trong đó, nhóm giao thông và dịch vụ giao thông tăng cao nhất, mức tăng 6,82% do giá xăng dầu được điều chỉnh tăng của những lần trước đã tác động sâu và tạo mặt bằng giá mới đối với các nhóm hàng dịch vụ vận tải, du lịch và các mặt hàng phụ thuộc vào chi phí vận tải. Chỉ số giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng so với tháng trước là 4,79%, đứng thứ 2 trong 11 nhóm hàng hóa tiêu dùng. Trong nhóm này, hàng lương thực tăng 2,2% so với tháng 3-2011, do giá các loại khoai, lúa gạo... tăng nhẹ; hàng thực phẩm tăng đến 4,28% do các loại thịt heo, thịt bò, gia cầm tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, giá các loại cá, nhất là cá biển trong tháng cũng được điều chỉnh tăng từ 2.000- 5.000 đồng/kg so với tháng trước. Tăng ở mức 3,54%, đứng hàng thứ 3 về tốc độ tăng chỉ số giá là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng. Nguyên nhân tăng chỉ số giá của nhóm này do sắt, thép, xi măng, gas, điện... được điều chỉnh tăng giá. Trong đó, tính chung từ cuối năm 2010 đến nay, mặt hàng thép xây dựng liên tục được điều chỉnh tăng (tổng mức tăng khoảng 3.000 - 3.500 đồng/kg) đẩy giá thép lên mức cao kỷ lục trong vòng nhiều tháng qua. Từ ngày 26-3 đến nay, giá gas trên thị trường được điều chỉnh tăng 2 lần cũng gây áp lực tăng giá chung lên toàn bộ chỉ số giá của nhóm... Tháng 4-2011, hai nhóm (văn hóa, giải trí và du lịch; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép) đứng hàng thứ 3 và thứ 5 trong “rổ hàng hóa” tính CPI có mức tăng lần lượt là 3,16% và 2,15%.

 Khuyến khích doanh nghiệp tiết giảm chi phí, cải tiến công nghệ, tăng khả năng cạnh tranh, hiệu quả đầu tư
kinh doanh nhằm góp phần kiểm soát lạm phát.

Trong 11 nhóm hàng của CPI tháng 4-2011, chỉ có nhóm bưu chính viễn thông và giáo dục có tốc độ tăng giá dưới 1%, lần lượt là 0,31% và 0,27%. Các nhóm hàng còn lại như: đồ uống và thuốc lá; thiết bị và đồ dùng gia đình; thuốc và dịch vụ y tế; hàng hóa dịch vụ khác có chỉ số giá tăng so với tháng 3-2011 từ 1,04 - 1,83%. Tháng 4-2011, chỉ số giá vàng và chỉ số giá USD của TP Cần Thơ giảm tương ứng là 1,13% và 2,35% so với tháng trước. Nguyên nhân giảm chỉ số của 2 nhóm hàng này là do biến động giá cả của các mặt hàng tương ứng trên thế giới và chủ trương kiểm soát vàng, ngoại tệ của Nhà nước.

Những động thái tăng mạnh của từng nhóm hàng riêng lẻ khiến CPI tháng 4-2011 tăng 3,3% so với tháng trước đó. Cục Thống kê TP Cần Thơ dự báo: CPI của tháng 5-2011 tiếp tục đà tăng nhưng có phần “giảm nhiệt” hơn tháng trước và tăng khoảng 2%. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do tác động của giá nguyên liệu, vật tư đầu vào như điện, xăng, dầu, gas... tăng.

Kiểm soát lạm phát

Theo các ngành hữu quan, dù còn nhiều khó khăn, đặc biệt là giá của hàng hóa có sự biến động lớn nhưng các ngành kinh tế ở TP Cần Thơ vẫn tiếp tục đà tăng trưởng trong tháng 4-2011. Số liệu tổng hợp từ Sở Công Thương TP Cần Thơ, tháng 4 -2011 so với tháng trước, giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố ước thực hiện 1.791,58 tỉ đồng, tăng 2,6%; hàng hóa bán ra ước thực hiện 6.369 tỉ đồng, tăng 2,6%; xuất khẩu hàng hóa 78 triệu USD, tăng 1,1%. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2011 so với cùng kỳ năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố ước thực hiện 6.798,57 tỉ đồng, tăng 11,5%; hàng hóa bán ra ước thực hiện 24.840 tỉ đồng, tăng 19,5%; bán lẻ ước đạt 12.815 tỉ đồng, tăng 20,9%; xuất khẩu hàng hóa ước thực hiện 284 triệu USD, tăng 15,6%. Tính đến cuối tháng 4-2011, tổng vốn huy động từ các tổ chức kinh tế và cá nhân trên địa bàn thành phố ước đạt 27.200 tỉ đồng, tăng 6,18% so tháng trước và tăng 7,16% so cuối năm 2010. Nguồn vốn huy động tăng khá đã đáp ứng 70,7% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn...

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, trong tình hình khó khăn, kinh tế tiếp tục có những chuyển biến tích cực do thành phố đã tổ chức triển khai thực hiện tốt các biện pháp thắt chặt chi tiêu ngân sách, giảm đầu tư công... Các tổ chức tín dụng tăng cường có hiệu quả các biện pháp huy động vốn, góp phần mở rộng tín dụng, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Tuy nhiên, với xu hướng tăng giá điện, xăng dầu, nguyên liệu đầu vào, lãi suất ngân hàng ở mức cao và tình trạng thiếu điện là những khó khăn, tiếp tục ảnh hưởng đến sự phát triển sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, tạo áp lực tăng giá các hàng hóa tiêu dùng, gây khó khăn cho việc kiềm chế lạm phát cũng như đời sống của người dân. Giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào tăng làm tăng chi phí sản xuất, dịch bệnh gia súc, gia cầm có nguy cơ bùng phát làm cho người sản xuất không yên tâm đẩy mạnh sản xuất...Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, những khó khăn này, đòi hỏi, các ngành, các cấp, cùng với lãnh đạo thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm ổn định giá cả, thị trường, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, bảo đảm an sinh xã hội...

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết